Năm 2017, bảng xếp hạng cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy Đức chỉ đứng thứ 16 trên thế giới xét về hệ thống giao thông đường bộ, kém khá xa so với tiềm lực kinh tế vốn có của nước này.
Đức là nền kinh tế lớn ở Châu Âu với sức cạnh tranh cao cũng như năng suất làm việc hiệu quả. Đây là nền kinh tế lớn nhất tại Châu Âu, lớn thứ 4 thế giới theo GDP danh nghĩa và chiếm 28% GDP của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) từ đầu năm đến nay. Đức cũng là một trong những nước sáng lập ra Liên minh Châu Âu (EU) và Eurozone.
Năm 2016, Đức có thặng dư thương mại lên đến 310 tỷ USD, cao nhất thế giới. Nền kinh tế này cũng đứng thứ 3 thế giới về kim ngạch xuất khẩu với 1,27 tỷ USD năm 2016.
Tuy nhiên, một nền kinh tế hùng mạnh như vậy lại có cơ sở hạ tầng khá yếu so với các quốc gia láng giềng. Tiêu biểu là tốc độ Internet không dây tại Đức chậm hơn nhiều nước khi chỉ xếp hạng thứ 25 trên thế giới. Trong khi đó, nhiều ngôi trường của nước này lâm vào tình trạng lạc hậu về cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật giảng dạy.
Năm 2017, bảng xếp hạng cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy Đức chỉ đứng thứ 16 trên thế giới xét về hệ thống giao thông đường bộ, kém khá xa so với tiềm lực kinh tế vốn có của nước này.
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù tái đắc cử nhưng Thủ tướng Angela Merkel sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và cơ sở vật chất hạ tầng là một trong số đó. Thậm chí nhiều cảnh báo bi quan còn cho thấy kinh tế Đức sẽ thụt lùi nếu tình trạng này còn tiếp diễn.
Ngay cả những lãnh đạo các nền kinh tế khác cũng thúc giục Đức tăng cường chi tiêu công bởi nước này xuất khẩu quá nhiều trong khi nhập khẩu lại ít, qua đó gây khó cho các thành viên EU trong việc duy trì cân bằng thương mại cũng như cạnh tranh.
Dẫu vậy, chính quyền Berlin được dự đoán vẫn giữ nguyên đương lỗi chính sách cũ do lo ngại thâm hụt ngân sách, nhất là sau khi Thủ tướng Merkel tái đắc cử. Điều này đồng nghĩa với việc cơ sở vật chất hạ tầng tại Đức sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn nữa để có thể được đầu tư thêm.
Số liệu chính thức cho thấy Đức đã chi 79 tỷ USD năm 2016 cho các công trình đường xá, nhà trẻ, giao thông… Con số này nếu so sánh với khoản tiền 50 tỷ USD của Nga đầu tư cho Thế vận hội mùa đông Sochi thì không đáng bao nhiêu.
Trong 2 năm qua, đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại Đức đã tăng bình quân 4,5%/năm nhưng vẫn chỉ chiếm 2,1% tổng GDP, thấp hơn rất nhiều so với các nước như Mỹ, Anh, Pháp hay Thụy Điển.
Mặc dù Thủ tướng Merkel đã từng tuyên bố sẽ đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng cũng như nâng cấp tốc độ Internet nhưng chính quyền địa phương mới là những người trực tiếp thực hiện các dự án và tiến độ xét duyệt của họ vô cùng chậm.
Theo chuyên gia kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank, nguyên nhân chính của tình trạng này là Đức có quá nhiều luật lệ phải thông qua khi xét duyệt dự án và với đức tính kỷ luật về tiêu chuẩn, những công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng dù được chấp nhận rót vốn nhưng tiến độ vô cùng chậm.