Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Catalonia: Lý do ly khai và nguy cơ khủng hoảng kéo dài

Đồ họa: Trung Hiếu

Nhà lãnh đạo vùng tự trị Catalonia Carles Puigdemont cho biết, khu vực này sẽ tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha trong vài ngày tới, sau một cuộc trưng cầu dân ý mà Cảnh sát Tây Ban Nha cố gắng ngăn chặn.

Madrid khẳng định sẽ chặn lại mọi hành vi ly khai của Catalonia và khu vực này được cho là rất khó thực hiện nguyện vọng. Nhưng ngay cả khi khu tự trị giàu có của Tây Ban Nha được đáp ứng, họ cũng khó có thể đứng trên đôi chân của mình.

Theo BBC, thoạt nhìn Catalonia dường như có đầy đủ điều kiện cần thiết để trở thành một quốc gia độc lập bao gồm quốc kỳ, nghị viện và người lãnh đạo.

Khu vực này cũng có lực lượng cảnh sát riêng gọi là Mossos d’Esquadra. Catalonia có đài phát thanh truyền hình riêng và có cả các cơ quan ngoại giao – những “đại sứ quán mini” ở khắp nơi trên thế giới để thúc đẩy thương mại và đầu tư. Catalonia cũng tự cung cấp một số dịch vụ công như y tế và giáo dục.

Tuy nhiên, để tuyên bố trở thành một Nhà nước độc lập, xứ này có rất nhiều việc phải làm như kiểm soát biên giới, thiết lập quan hệ quốc tế, xây dựng quốc phòng, ngân hàng trung ương, hệ thống thuế, kiểm soát không lưu…

Tất cả các hoạt động nói trên trước đó đều do Madrid vận hành và khi muốn độc lập, khu tự trị này phải bắt đầu từ con số 0.

Thậm chí ngay cả khi Catalonia tìm các giải pháp thay thế trên, câu hỏi đặt ra là chính quyền sẽ lấy ngân sách ở đâu để phục vụ các hoạt động này?

Barcelona. Ảnh: Trung Hiếu

Lý do ly khai

“Madrid nos Roba” – “Madrid cướp của chúng ta” – là một khẩu hiệu ly khai phổ biến ở Catalonia. Người dân nơi đây cho rằng quê hương của họ đóng góp tiền bạc khá đáng kể, nhưng lại không nhận được sự hoàn trả tương ứng.

Catalonia giàu có hơn gần như tất cả các vùng khác của Tây Ban Nha. Dù chỉ chiếm 16% dân số Tây Ban Nha nhưng Catalonia đóng góp đến 19% GDP của nước này và hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Sức ảnh hưởng lớn nhất của Catalonia đến từ du lịch. Năm ngoái, 18 triệu trong tổng số 75 triệu du khách quốc tế đến Tây Ban Nha chọn Catalonia làm điểm đến. Đây cũng là địa điểm thu hút lớn nhất cả nước.

Thành phố cảng Tarragona của Catalonia cũng là một trong những trung tâm hóa chất lớn nhất châu Âu.

Barcelona là một trong 20 cảng biển hàng đầu của EU tính theo khối lượng hàng hóa được xử lý. Trong khi 1/3 lực lượng lao động của khu tự trị có trình độ đại học.

Đúng như những gì người dân xứ này phàn nàn, Catalonia đang phải trả thêm tiền thuế nhiều hơn cho Chính phủ Tây Ban Nha so với các khu vực khác.

Năm 2014, số liệu cho thấy, Catalonia phải trả 10 tỷ Euro tiền thuế, nhiều hơn những gì họ nhận được từ ngân sách chi tiêu công của Chính phủ.

Một số người lập luận, ngay cả khi Catalonia giữ lại được nhiều tiền hơn sau độc lập, họ có thể bị nuốt chửng trong các khoản chi khổng lồ cho việc thành lập các cơ quan công lập và vận hành chúng một cách đuối sức.

Một số ý kiến khác cũng phân tích, việc Madrid phân phối tiền bạc từ nơi giàu có sang khu vực nghèo là cách làm có ý nghĩa và hợp lý đối với một quốc gia.

Khó khăn chồng chất

Mối quan tâm lớn nhất đối với Catalonia hiện tại chính là nợ công.

Chính quyền Catalan đang nợ 77 tỷ Euro, tương đương 35,4% GDP xứ này. Trong đó, 52 tỷ Euro là nợ đến từ Chính phủ Tây Ban Nha.

Năm 2012, Tây Ban Nha thành lập một quỹ đặc biệt để cung cấp tài chính cho các vùng không có khả năng vay tiền trên thị trường quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Catalonia là vùng hưởng lợi lớn nhất của chương trình này, khi mượn được 67 tỷ Euro kể từ khi bắt đầu.

Do đó, không chỉ mất quyền vay mượn từ chương trình nói trên, Catalonia còn đối mặt với câu hỏi nếu độc lập thì khi nào họ sẽ trả nợ.

Vấn đề chắc chắn sẽ phủ bóng đen trên bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra giữa hai bên. Ngoài ra, Madrid có thể sẽ bắt Barcelona phải gánh trả một phần khoản nợ quốc gia do họ cũng từng là một phần của Tây Ban Nha.

Catalexit không được công nhận

Chưa bàn đến những lùm xùm trong việc tính toán tiền bạc sau ly khai, sức mạnh kinh tế Catalonia trước hết cần phụ thuộc vào việc trở thành một phần của Liên minh châu Âu.

2/3 lượng xuất khẩu nước ngoài đi sang EU, đồng nghĩa với việc Catalonia sẽ cần phải nộp đơn xin trở thành thành viên mới, nếu trở thành quốc gia độc lập và duy trì nền kinh tế.

Để được thông qua, Catalonia cần được sự nhất trí của tất cả các thành viên bao gồm cả Tây Ban Nha.

Ngoài việc Tây Ban Nha gần như chắc chắn không đồng ý, nhiều quốc gia châu Âu được cho là ủng hộ lập trường của Madrid, cũng không công nhận tính độc lập của Catalonia. Hồi kết cho cuộc khủng hoảng vẫn đang ở phía trước.

 Theo Quốc Vinh / nguoiduatin.vn