TBVĐ- Ấn tượng đầu tiên của tôi với Ninh chính là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, với tuổi đời còn rất trẻ nhưng có suy nghĩ chín chắn và luôn sống hết mình.
Cô gái tôi nhắc chính là Trần Thị Hằng Ninh (26 tuổi), đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức. Nhắc tới Ninh là nhắc tới bảng thành tích „khủng“ mặc dù bản thân Ninh sang Đức khi đang học dở phổ thông ở Việt Nam.
Chia sẻ với Thời báo Việt Đức khi đang làm nghiên cứu tại Canada, Hằng Ninh cho biết cô qua Đức vào tháng 3 năm 2005 khi cô 14 tuổi. Ninh bắt đầu học tiếng Đức dành cho thanh thiếu niên nhập cư ở trường 16. Mittelschule ở Leipzig. Hồi đó hai từ Ninh biết lúc phỏng vấn xin visa là „Guten Tag“ (xin chào) và „Auf Wiedersehen“ (hẹn gặp lại).
Những ngày đầu qua Đức chỉ muốn quay về Việt Nam
„Lúc mới sang đang ở tuổi dậy thì nên tâm lí không ổn định, lúc nào cũng muốn về lại Việt Nam. Học tiếng Đức ở trường từ sáng đến trưa là về nhà làm bài tập“, Ninh nói. Cô gái chia sẻ thêm lúc mới sang chỉ muốn về lại Việt Nam vì đang đi học quen. Ở Việt Nam có nhiều bạn bè, sang đây không có ai hết. Ninh ở Việt Nam hồi đó vừa học hết kì một của lớp tám thì bố mẹ lo giấy tờ visa để qua đây nên cảm thấy phí mất thời gian năm đó.
May mắn Ninh gặp „quý nhân“. Cô gái kể có lần đi học về nhà và không có chìa khóa nhà nên có cô hàng xóm thấy vậy và gọi sang nhà cô ngồi đợi. Cô là giáo viên dạy tiểu học môn tiếng Đức và môn Mỹ thuật, người đã dạy cho Ninh tiếng Đức ngoài giờ Ninh đi học trên lớp ra. Lúc đó hai cô trò toàn „khua tay múa chân“ để hiểu nhau. Cô mua sách Toán, tiếng Đức lớp bốn về cho Ninh học. Nên nhờ cô tiếng Đức của Ninh ngày càng khá lên.
Sau khi Ninh học 1 khóa tiếng Đức ở trường Mittelschule, mẹ Ninh đã quyết định xin cho cô con gái vào Gymnasium (trường chuyên) để đỡ bị mất thêm thời gian. Ninh được vào học tiếp lớp 8 ở trường BIP Kreativitätsgymnasium ở Leipzig. Và đó cũng là thời điểm nhiều khó khăn nhất. „Ninh chuyển trường nên lại phải quen bạn mới ở đây. Hồi đó, không ai nói chuyện với Ninh hết vì Ninh hồi đó như sinh vật lạ vậy. Ninh thấy văn hóa Việt Nam và Đức khác nhau nhiều nên Ninh vẫn chưa quen“, Hằng Ninh bộc bạch.
Các môn tiếng Đức hay lịch sử, Ninh tự nhận mình học kém. Cô gái đầu 9X nhớ lại lớp 8 học viết văn, tả cảnh, phân tích thơ, học viết rất nhiều. „Học lịch sử thì Ninh coi như thua vì cách dạy ở đây khác với Việt Nam. Nhưng bù lại các môn như Toán thì Ninh học rất tốt. Dần dần nhờ vậy mà các bạn Đức nể, tới hỏi bài và tới làm bạn. Ở trường đó, Ninh đã quen được đứa bạn thân người Đức. Ninh vượt qua được thời gian khó khăn vì có người học, người chơi, người chia sẻ cùng mình. Kiểu như là đôi bạn cùng tiến“, Ninh nói.
Quan trọng nhất là „không bỏ cuộc“
Chia sẻ về sự khác biệt giữa môi trường giáo dục phổ thông ở Việt Nam và ở Đức, Hằng Ninh nói rằng giáo dục phổ thông ở Đức khác nhiều so với học tập ở Việt Nam. Theo Hằng Ninh cảm nhận dưới góc độ một người từng trải qua đào tạo ở hai nền giáo dục bậc phổ thông Việt Nam và Đức, nếu so với ở Việt Nam phải học nhiều thuộc lòng thì ở bên Đức thiên về tư duy từng bài học và sau đó đưa ra ý kiến của mình. Sẽ không có một chuẩn mực nào là đúng hết, trừ khi bạn đưa ra được lập luận thuyết phục và logic.
Điểm số là điều quan trọng nhưng mà phát triển cá nhân, tính cách là cái Ninh được học khi học ở trường BIP Kreativitätsgymnasium tại Đức. „Tuy nhiên mình thấy văn hóa Á châu như là lễ phép với giáo viên thì bên Đức có phần bị đi xuống. Cái này là cái Ninh thấy rất đáng tiếc“, Hằng Ninh nói.
Một trong những quan điểm sống rất tích cực của cô gái sống tại Leipzig này chính là môn nào cô thích học thì nhất quyết cô luôn kiên trì và cố gắng để đạt được thành tích tốt nhất. Khi có mục tiêu thì Ninh sẽ cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu đó. Dù vậy cũng có những lúc cô gái nhỏ nhắn cũng gặp „thất bại“. „Có những cái đến không như mình nghĩ. Ninh đã từng thi trượt một môn lúc học đại học, đã từng xin học bổng bị từ chối nhưng Ninh không bỏ cuộc“, Hằng Ninh kể.
Bảng thành tích đáng nể của cô gái 9X
Hiện giờ Hằng Ninh đang làm việc và dạy Seminar tại khoa Kĩ thuật Điện và công nghệ thông tin tại trường TU Ilmenau. Hợp đồng làm việc là ba năm, và mong là năm tới đây 2018 Ninh sẽ có bằng tốt nghiệp. Ninh hiện tại đang làm trong một chương trình nghiên cứu tên là Lorentz Force Velocimetry sponsored by the Deutsche Forschungsgemeinschaft DFG. Ngoài ra, Ninh đang nghiên cứu về kỹ thuật đo vận tốc của kim loại lỏng trong công nghiệp sản xuất nhôm và thép.
Hằng Ninh khi còn học đại học và thạc sĩ đều đạt số điểm rất cao. Bằng Thạc sỹ của Hằng Ninh đạt loại xuất sắc. Ngoài ra cô gái trẻ trung, năng động và xinh xắn này còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng và học bổng. Điển hình trong số đó là: Học bổng tại Hàn Quốc của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc NRF (2015), Học bổng nghiên cứu của Quỹ khuyến học Elektrowärme Ilmenau e.V. (2014), Học bổng của DAAD Go East tại St. Petersburg (2014), Học bổng của National Science Council of Taiwan R.O.C. (2013), Giải thưởng Vật Lí “Von Ardenne Physikpreise” tại bang Sachsen (2010), Tham gia cuộc thi giáo dục chính trị với chủ đề: Những vấn đề chính trị đương đại của tổ chức bpb: Bundeszentrale für politische Bildung (2008), Giải ba cuộc thi Ngoại ngữ Tiếng Đức DaZ-Olympiade tại bang Sachsen (2005).
Văn Hồng (ghi)
Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 12.2017