TBVĐ- Không ít thạc sĩ, tiến sĩ du học ở các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu về nhưng vẫn làm việc thiếu chuyên nghiệp, thậm chí là “cẩu thả”.
Lâu nay nhiều người hay lên án việc học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước nhiều như nấm mọc sau mưa. Sau rất nhiều vụ bê bối liên quan trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo tại Việt Nam, nguồn nhân lực được đào tạo tại nước ngoài càng trở nên được kỳ vọng và có giá trị hơn bao giờ hết.
Ngày càng nhiều thạc sĩ, tiến sĩ “ngoại”
Tính đến cuối năm 2016, Báo cáo của Chính phủ trình lên Quốc Hội cho thấy có khoảng 130.000 người Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, trong đó phần lớn là du học tự túc. Nơi đến yêu thích của người Việt có thể nhắc đến là Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Đài Loan, hay Nga.
Đơn cử như tại “thị trường” Mỹ, chỉ trong khoảng một thập kỷ (2005-2015), ước tính số người Việt Nam sang Mỹ du học tăng hơn 510%, từ 3.670 lên 18.722 người. Tuy nhiên con số thực tế còn đáng ngạc nhiên hơn, khi Bộ Nội an Hoa kỳ công bố tính đến tháng 3-2017 số du học sinh Việt Nam sang Mỹ đã lên đến mức kỷ lục là 30.817 người.
Ngân sách nhà nước cũng đổ không ít vào các chương trình đưa nhân sự, cán bộ nguồn ra nước ngoài tu nghiệp hay du học sau đó trở về giúp đỡ quê hương. Song song đó, thu nhập người dân được cải thiện cũng cho phép họ được ra nước ngoài du học một cách dễ dàng hơn so với những năm trước đây. Phấn khởi bao nhiêu khi rất nhiều du học sinh “mác ngoại” với tấm bằng cử nhân đến tiến sĩ về nước làm việc, thì lắm khi phải chua chát bấy nhiêu khi bắt gặp không ít “tiến sĩ ngoại” nhưng “bình mới, rượu cũ”.
“Choáng” với bài viết, luận văn Viet-lish
Ngay cả các câu mang ý nghĩa cảm ơn cũng được vị này diễn giải lủng củng, mang âm hưởng tiếng Việt, trong khi người viết có thể tìm thấy rất nhiều mẫu câu trang trọng trên các trang hướng dẫn viết tiếng Anh. Một giáo sư từng công tác lâu năm tại Đức lắc đầu: “không hiểu sao các giáo sư Đức nổi tiếng khó tính lại cho qua những bài luận án tiến sĩ ngô không ra ngô, khoai không ra khoai như thế này”. Vị này thẳng thắn nhận định, việc viết lách như thế này khả năng là tác giả thiếu sự tham khảo tài liệu; ngoài ra cách hành văn này không khác nào dùng công cụ google dịch thuật nhưng cẩu thả, không biên tập và cũng không xem bài lại kỹ càng.
Một trường hợp khác là thạc sĩ T.V.S, tốt nghiệp ngành quản trị công tại Thụy Điển. Lướt qua một bài tham luận trình bày trên powerpoint của vị này tại một hội thảo ở Châu Âu mới thấy bất ngờ khi lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp của tiếng Anh không hề ít. Đây là những lỗi căn bản cho thấy sự chuẩn bị thiếu chu đáo và không chuyên nghiệp, nhất là với quy mô một hội thảo quốc tế. Đó là chưa kể các quy chuẩn về trích dẫn, cách trình bày một báo cáo khoa học,… đều thường xuyên gặp lỗi trong các tham luận hay bài viết của không ít du học sinh bậc cao học, nghiên cứu sinh.
Thật ra văn phong kiểu Viet-lish (dùng tiếng Anh theo lối tư duy, âm hưởng kiểu tiếng Việt) không phải là hiếm, nhất là khi việc giảng dạy và học tập tiếng Anh ở Việt Nam còn quá nhiều hạn chế. Chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga từng thừa nhận rằng một trong những khó khăn trong việc thực hiện đề án 322 chính là người học hạn chế về ngoại ngữ. Tuy nhiên những lỗi như thế này, ở bậc cao học hay nghiên cứu sinh không phải là điều không thể khắc phục. Vấn đề nằm ở chỗ, người viết đã quá chủ quan, thiếu sự cầu thị và không chú trọng đến các yếu tố xem có vẻ tiểu tiết nhưng ảnh hưởng rất lớn đối với mức độ tin cậy của một công trình nghiên cứu. Đó cũng là lý do, dù nhiều người Việt có nhiều ý tưởng hay nhưng việc triển khai bài viết, trình bày tham luận quá thiếu chuyên nghiệp và không theo một quy chuẩn chung nào (dù học ở nước ngoài), nên chất lượng công trình luôn nằm ở mức thấp của thế giới.
Ngoài ra, không ít lãnh đạo gặp chuyện “dở khóc dở cười”, thậm chí xấu hổ khi giao toàn bộ các vấn đề về hình thức lẫn nội dung các bài phát biểu, tham luận,… cho cố vấn tại các hội thảo hay chương trình tọa đàm quốc tế vì tin tưởng tuyệt đối “họ từng học nước ngoài về”. Rất nhiều học giả quốc tế phàn nàn về sự thiếu ý thức chuyên nghiệp trong khâu chuẩn bị, trình bày, thảo luận,… của nhiều người Việt tại các hội thảo quốc tế, qua đó vô hình chung đánh đồng chất lượng người làm nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay.
“Nguy hiểm” nếu đi giảng dạy
Nhiều thạc sỹ, tiến sĩ “ngoại” làm việc thiếu chuyên nghiệp, cầu thị và kỷ luật thường không có chọn lựa nào khác là trở về Việt Nam làm việc. Và không ít trong số đó chọn con đường giảng dạy đại học, cao học hay làm việc trong các viện nghiên cứu các cấp. Điều này nguy hiểm.
Hay như trường hợp của thạc sĩ T.H.D, tốt nghiệp thạc sĩ tại Hàn Quốc lĩnh vực khoa học xã hội, về nước tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học sinh viên cũng tại một trường đại học lớn ở TP.HCM. Nhìn công trình nghiên cứu thực nghiệm dùng phương pháp định lượng bằng tiếng Việt mà vị này hướng dẫn cho các em sinh viên không khỏi ngỡ ngàng. Ngay cả những điều căn bản nhất của một bài nghiên cứu là đặt câu hỏi nghiên cứu, công trình cũng không có. Kết quả nghiên cứu sau gần một năm của cả nhóm không đạt yêu cầu vì không đúng phương pháp, nếu không muốn nói là không theo một phương pháp nào. Đó là chưa kể vô số lỗi trích dẫn, lỗi hình thức (chính tả, ngữ pháp, chú thích biểu đồ,…) mà công trình tồn tại. Điều này phần nào lý giải tại sao dù được học “thầy cô du học về” nhưng năng lực nghiên cứu của sinh viên Việt Nam vẫn xếp vào hàng thấp so với sinh viên cùng độ tuổi. Và cũng lý giải vì sao khi học phổ thông, điểm toán nói riêng và khoa học tự nhiên nói chung của các em rất cao, trong khi lên đại học các em lại không để lại những dấu ấn nào trên trường quốc tế về nghiên cứu khoa học.
Việc thiếu trình độ ngoại ngữ trong việc viết bài nghiên cứu không phải không có cách giải quyết. Điều quan trọng nhất là bản thân người làm nghiên cứu phải ý thức và kỷ luật với bản thân, hành xử một cách cầu thị và nghiêm túc trong khi nghiên cứu. Việc đọc và học cách hành văn của các tác giả uy tín là điều căn bản; tiếp đó là tìm hiểu và tuân theo các quy chuẩn chung về phương pháp, cách trích dẫn,… của quốc tế, từ những điều nhỏ nhất như việc đặt một ký tự “dấu phẩy” đúng vị trí. Các bài viết sau khi hoàn thiện cần được chuyển đến người có chuyên môn đóng góp ý kiến để hoàn thiện, và người có trình độ ngoại ngữ để biên tập, xử lý sai sót. Việc liên kết với các học giả quốc tế viết bài, vừa để học vừa để đóng góp cho khoa học, là điều rất cần thiết trong việc hoàn thiện bản thân. Không ít những du học sinh các bậc cao học, nghiên cứu sinh của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí ở Châu Âu cùng tham gia nghiên cứu, công bố bài viết cùng với các học giả nước khác có uy tín và năng lực cao hơn. |
Bình Sơn