3- Lý do cáo buộc tội trốn thuế đối với Quý độc giả NVA nêu ở điểm 1 không khác mấy lý do của nhiều người bị kiểm tra thuế thông trường.
Thuế vụ cũng chỉ mới tính được tiền thuế MwSt bị thiếu, và cũng chỉ ở mức 39.335,- Euro, khá phổ biến trong kiểm tra thuế (năm 2010: 15.109,30 Euro; năm 2011: 15.371, – Euro; 8.854,- Euro).
Tuy nhiên vì lý do ở điểm 2 (được nêu trong phần 2 của bài viết này) sử dụng phương pháp khoa học SRP kiểm tra, thuế vụ cho đó đúng là tiền trốn thuế (bớt có chủ đích, chứ không phải do tính sai), nên có quyền đòi thu giữ số tiền đó. Đặc biệt, bản chất thuế MwSt là thuế người tiêu dùng đóng cho nhà nước, doanh nghiệp chỉ là người thu hộ, vì vậy không được hoãn, khất, trả dần như thuế thu nhập.
4- Trên chỉ mới là 3 lý do thuế vụ lấy cớ để đòi thu giữ 39.335,- Euro tiền thuế MwSt mà lẽ ra còn phải tranh cãi nhau chán như bao trường hợp khác. Nhưng thay vì đòi đương sự nộp tiền, thuế vụ lại đệ đơn lên tòa xin lệnh khám xét để thu giữ tài sản, tức xiết nợ. Đơn đó được giải thích dựa trên các án lệ: Phán quyết Tòa Tài chính München số 14K 2598/91, Tòa Tài chính Liên bang số VII B 174/94 NV và số VII R 187/83 NV, với các bằng chứng đưa ra dưới đây:
4.1- Thuế vụ đưa ra cáo buộc, đương sự có hành vi hình sự. Kết quả khám nhà họ thu được các Bons Z từng ngày. Bons Z này bị ngờ vực của đương sự in từ máy tính tiền Kasse, rồi xóa kết quả đó trong máy thay bằng Bons Z mới. Từ đó họ lo ngại không thể yên tâm tin cậy đương sự về mặt thuế khoá với hành vi hình sự như vậy, nên cần thu giữ tài sản để phòng xa.
4.2- Thuế vụ đưa ra lo ngại tiếp, đương sự không có tài sản công khai để có thể xiết nợ số tiền thuế trốn. Họ đưa ra bằng chứng, ô tô đắt tiền của đương sự được mua dưới dạng trả dần, vì vậy sau này không thể xiết nợ bù số tiền thuế thuế phải đóng. Tương tự, bất động sản đương sự đứng tên cũng dưới dạng vay tín dụng, quyền xiết nợ đầu tiên thuộc về ngân hàng, chứ không phải nhà nước. Đương sự cũng không có hồ sơ chứng từ gì chứng tỏ có tài sản ở Việt Nam, để có thể xiết nợ tiền thuế truy thu sau này.
Nghĩa là khi bị ngờ vực tội hình sự thì ngay cả thực tế không có tài sản gì cũng được dùng cớ đó để làm lý do phải khám xét thu giữ tài sản, khác với nhiều người nghĩ mình vô tội, lại chẳng có tài sản gì; họ chẳng bao giờ „túm người không tóc“ cả.
4.3- Lo ngại tài sản bị tẩu tán về Việt Nam. Thuế vụ đưa ra lý do, cả Qúy độc giả NVA lẫn bạn gái đều có nhiều quan hệ với người nhà, bạn bè, doanh nhân ở Việt Nam dễ dàng chuyển tiền mặt về Việt Nam qua mối quan hệ này. Bằng chứng được họ đưa ra thật đơn giản đến bất ngờ, trong toàn bộ số giấy tờ họ khám xét tịch thu được có cả biên lai đổi tiền Euro ra tiền đô la ở Việt Nam. Từ đó họ ngờ vực đương sự đã và sẽ chuyển tiền mặt về trong nước, cần tịch thu tài sản để phòng ngừa trước.
4.4- Lo ngại nguy cơ tẩu tán tài sản. Có tài sản thì cho rằng đó là do lậu thuế mà ra, cần phải thu giữ; còn khi thực tế khám xét không có tài sản thì họ cáo buộc ngược lại, cho rằng có thể tài sản đã bị tẩu tán. Ngờ vực trên được thuế vụ lý giải, khi kiểm tra nhà riêng mấy tầng, họ thấy các căn hộ trống không, chỉ mỗi đệm và chăn, không hề có bất kỳ đồ đạc cá nhân nào, tức tẩu tán để phòng bị khám xét thu giữ. Thực ra đó chỉ là phòng nghỉ tạm cho những nhân công tới nhận việc chưa tìm được nơi ở. Nhưng cái sẩy nảy cái ung, Qúy độc giả NVA lại đăng ký hộ khẩu ở đó từ xưa chưa kịp chuyển sang nơi ở cùng bạn gái. Nhà bạn gái tự nhiên liên lụy, bị khám xét đã đành, nhưng đồ đạc khám xét trong nhà bạn gái lại bị cho là của đương sự cất giấu, nghĩa là thêm hành vi hình sự tẩu tán tài sản do lậu thuế mà có. Tiền mặt doanh thu hàng ngày để ở đây cũng bị thuế vụ tịch thu với cáo buộc tiền của đương sự cất giấu. Để cáo buộc toàn bộ tài sản là kết quả lậu thuế mà có, biên bản khám xét đưa ra đánh giá căn hộ thuộc dạng cao cấp xa hoa, từ dàn bếp đắt tiền, đến ti vi ngoại hạng, quần áo toàn hàng hiệu thời thượng.
Kết cục
Với ngờ vực đã định sẵn, mọi kết quả khám xét dù ngược hay xuôi, thuế vụ cũng sử dụng tất tần tật để bảo vệ lý của họ phải khám xét lục soát để thu giữ tài sản, nếu không sau này có khẳng định được trốn truế cũng không thể xiết nợ. Trong lệnh khám xét thu giữ gửi tư vấn thuế sau khi đã thực hiện xong trước đó tới 7 ngày, tức tiền trảm hậu tấu, Sở Tài chính nhấn mạnh quyền cân nhắc của họ khi ra lệnh khám xét thu giữ bằng chữ in đậm, ai đóng thuế nhất là đối với giới doanh nhân, cũng nên biết, như sau (trích): „Thuế vụ có thể ra lệnh khám xét thu giữ tài sản để bảo đảm truy thu được thuế, nếu lo ngại rằng để tới sau này xiết nợ số thuế đó sẽ không thể trả kịp thời hoặc không đủ. Lo ngại đó được coi có cơ sở, khi đánh giá từng trường hợp cụ thể theo phương pháp khoa học SRP cho thấy khả năng xiết nợ sau này sẽ khó khăn hơn hiện nay (dựa trên Điều 324 Luật thuế AO và Điều 917 Luật Điều tra Dân sự ZPO). Điều đó phụ thuộc vào hành vi của đương sự. Càng nhiều lỗi càng tăng lo ngại, càng đòi hỏi phải khám xét thu giữ tài sản, để hạn chế thiệt hại thất thu thuế thấp như có thể“. Trích dẫn trên cho thấy việc khám xét thu giữ tài sản hoàn toàn do thuế vụ cân nhắc, và ai cũng có thể rơi vào vòng quan sự thuế khóa khi sơ sẩy.
Phải làm gì?
Trong án trát chấp thuận lệnh khám xét thu giữ tài sản của Sở tài chính, Tòa Amtsgericht ghi rõ, lệnh khám xét không báo trước cho đương sự bởi sẽ lộ bí mật. Nghĩa là một khi đã rơi vào vòng điều tra thì đương sự không thể chống lại. Tới lệnh thu giữ tài sản, Sở Tài chính cho phép đương sự đệ đơn chống lại trong vòng 1 tháng, nghĩa là được quyền đòi họ trả lại tài sản bị thu giữ. Tuy nhiên với quyền cân nhắc của họ như trên thì khả năng đòi họ trả lại gần như bằng không. Vì vậy Qúy độc giả NVA khó có thể chống lại cáo buộc trốn thuế, cũng như đòi lại tài sản bị thu giữ, chừng nào quá trình điều tra chưa kết thúc. Chỉ khi Sở Tài chính đưa ra văn bản kết luận tạm thời về kết quả kiểm tra thuế, khi đó mới có thể chống lại.
Chuyên mục tư vấn giải đáp vướng mắc Thời báo Việt Đức
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!