Theo ý kiến từ các chuyên gia, Sáng kiến 16+1 với ý định sẽ tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc (TQ) và khu vực Trung-Đông Âu hiện tại vẫn còn quá một chiều, và TQ là phía hưởng lợi nhiều nhất.
Thời điểm mà TQ và 16 nước thuộc khu vực Trung-Đông Âu gặp nhau ở Croatia vào đầu tháng 4-2019, giới lãnh đạo Bắc Kinh đều sẽ dồn mọi sự chú ý vào duy nhất một dự án được cho biểu trưng của khả năng mà cường quốc này có thể đạt được.
Tại Croatia, cây cầu Peljesac đang được gấp rút hoàn thành do các nhà thầu TQ đảm trách với vốn xây dựng đến từ Liên minh châu Âu (EU). Thời gian hoàn thành của nó dự kiến sẽ rơi vào năm 2022, nối liền dải đất phía nam biển Adriatic và phần đất liền của Croatia.
Với sự xuất hiện của cầu Peljesac, tính liền mạch lãnh thổ của quốc gia này sẽ được bảo đảm kéo theo đó là viễn cảnh ngành du lịch Croatia cũng nhờ nó mà phát triển một cách đầy hứa hẹn.
Về phần TQ, việc xây dựng cây cầu này sẽ góp phần khẳng định vai trò và hình ảnh tích cực của các công ty nước này trong lĩnh vực xây dựng chất lượng cao ở khu vực châu Âu.
Vì lẽ đó, cây cầu được xem như là một chứng minh cho chiến lược “đôi bên cùng có lợi” mà Bắc Kinh đang theo đuổi và là một phần trong thỏa thuận hợp tác giữa TQ và các quốc gia Đông-Trung Âu, vốn được ký bảy năm về trước với mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai bên.
Đề cập ý định của TQ, Giáo sư Shi Zhiquin thuộc khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Thanh Hoa nhận định: “Croatia là một thành viên của EU, và việc công ty TQ giành được hợp đồng ở đây chứng tỏ sự chuyên nghiệp của công ty TQ có thể được các nước châu Âu công nhận cũng như trình độ xây dựng đủ đáp ứng tiêu chuẩn của EU và các quy định về đảm bảo nguồn cung của tổ chức này”.
Tuy vậy, việc thiếu vắng những tiến triển tích cực cho các nước châu Âu hợp tác với TQ đang khiến các bên tham gia đang tự hỏi chiến lược của Bắc Kinh liệu rằng chỉ là lời hứa hão huyền.
Thỏa thuận Hợp tác TQ-Trung-Đông Âu, hay còn được biết với tên gọi là Sáng kiến 16+1, được thành lập vào năm 2012 trong chuyến thăm của Thủ tướngTQ Ôn Gia Bảo đến thủ đô Warsaw của Ba Lan nhằm đàm phán khả năng mở rộng đầu tư vào nơi đây cũng như về các gói xây dựng cơ sở hạ tầng như đường và đường ray xe lửa giữa TQ với các nước trong khu vực này.
Nói cách khác, TQ xem khu vực Trung-Đông Âu như cửa ngõ để cường quốc này tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu.
Được biết, đã có 11 nước thành viên EU, gồm Estonia, Latvia, Lithuania, Phần Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Croatia và Slovenia, cùng năm nước khác của khu vực bờ biển tây Balkan là Serbia, Bosnia, Herzegovina, Montenegro, Albania và Bắc Macedonia đã ký vào Sáng kiến 16+1.
Vào thời điểm đó, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ đưa ra những khoản vay đặc biệt hào phóng và tiến hành xây dựng một vùng kinh tế cho mỗi nước đã ký trị giá hàng tỉ USD trong thời gian năm năm, bên cạnh những cam kết khác.
Nhận định về bước đi này của Trung Quốc, Giám đốc Viện nghiên cứu về châu Á tại Slovakia, ông Matej Simalcik cho biết: “Sự kỳ vọng chủ yếu tại thời điểm đó của những nước Trung-Đông Âu là họ sẽ có thể giảm được thâm hụt thương mại của mình cũng như gia tăng nguồn đầu tư trực tiếp của TQ vào khu vực”.
Tuy nhiên, cho đến nay, TQ vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sẽ giữ đúng những cam kết trên của mình. Các nhà quan sát thậm chí còn cho rằng cán cân kinh tế đang nghiêng về phía Bắc Kinh, trong khi lòng kiên nhẫn của các nước Trung-Đông Âu tham gia hợp tác thì đang cạn dần.
Một trong những lý do trực tiếp cho sự bất an của lãnh đạo các nước này nằm ở mức độ thâm hụt thương mại ngày càng lớn với đối tác châu Á của họ. Đơn cử thâm hụt thương mại giữa TQ và Ba Lan, một trong những đồng minh chiến lược của cường quốc này trong khu vực, đã chạm mốc 28,4 tỉ USD, tăng gấp ba lần số thâm hụt 10,3 tỉ USD vào năm 2012.
Vào tháng 6-2018, tờ báo kinh tế 21st Century Business Herald xuất bản tại TP Quảng Châu dẫn lời Tổng lãnh sự Ba Lan tại Trung Quốc, bà Joanna Skoczekcho biết rằng tuy số lượng nhập khẩu của TQ vào Ba Lan của tập đoàn tàu lửa China Railway Express lớn đến mức làm tắc nghẽn cả giao thông và gây trì trệ trong hệ thống vận chuyển, thì ngược lại những chuyến tàu chở hàng xuất khẩu của Ba Lan sang TQ lại gần như trống không.
“Do không có một kết quả rõ ràng về việc mở rộng một thị trường giao thương hoặc khả năng xuất vốn đầu tư mới hoàn toàn từ phía TQ, nó đã tạo ra một sự thất vọng giữa các nước tham gia hợp tác và một cảm giác dường như TQ không chịu tiến tới một giải pháp ‘đôi bên cùng có lợi’ “, chuyên gia Jakub Jakobowski thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông phương học tại Warsaw nhận xét.
Đồng quan điểm với ông Jakobowski, ông Richard Turcsanyi, một chuyên gia về TQ khác thuộc Đại học Palacký Olomouc, Cộng hòa Czech, cũng nhận xét rằng hiện tại có rất ít dấu hiệu cho thấy khả năng các cam kết của TQ sẽ thành hiện thực.
“Tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít vốn đầu tư của TQ, đây có lẽ là vấn đề lớn nhất”, theo ông Turanyanyi. “Các dự án cơ sở hạ tầng của TQ chỉ mới được tiến hành ở khu vực tây Balkan và ở đó chúng thường gây ra tranh cãi giữa rất nhiều bên khác nhau, bao gồm EU, những người coi các dự án này là một sự vi phạm các tiêu chuẩn được đặt ra”.
Một vấn đề khác cũng được ông Simalcik đề cập đến đó là việc 16 nước này không hề có điểm chung nào với nhau ngoài việc từng là các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Điều này được ông cho là sẽ làm phức tạp hoá nỗ lực hợp tác của TQ với các quốc gia này như một chủ thể thống nhất cũng như trong các dự án liên doanh và tiến trình đàm phán giữa hai bên.
“Khối này rất đa dạng khi nó bao gồm nhiều nhóm sắc tộc khác nhau các thành viên EU bên cạnh các nước không phải thành viên, thành viên khối NATO và không NATO, cũng như những nước với rất nhiều mức độ phát triển xã hội và kinh tế khác nhau, theo đuổi những lợi ích kinh tế và chính trị khác nhau”, chuyên gia Smalcik giải thích.
“Điều này sẽ khiến cho việc hợp tác của 16 quốc gia trong khu vực này khá phức tạp và cuối cùng sẽ làm lợi cho Trung Quốc, vì khi đó các nước này tranh giành sự chú ý của TQ thay vì hợp tác cùng nhau theo đuổi mục tiêu chung là TQ”.
Ngoài ra, những căng thẳng gia tăng gần đây giữa EU và TQ cũng sẽ khiến thượng đỉnh Dubrovnik trở nên khó khăn hơn. Thượng đỉnh 16+1 năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra chỉ ba ngày sau thượng đỉnh thường niên giữa TQ và EU tại Brussels (Bỉ) và một tháng sau sự việc Uỷ ban châu Âu chính thức xem TQ là “đối thủ cạnh tranh về kinh tế” và “một đối thủ xúc tiến một cách có hệ thống mô hình nhà nước thay thế”.
Cùng lúc đó, Ba Lan và Cộng hoà Czech, những thành viên EU được TQ xem là đối tác lớn trong hợp tác TQ và các nước khu vực Trung-Đông Âu, cũng đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia phương Tây khác loại bỏ tập đoàn công nghệ TQ Huawei khỏi dự án xây dựng mạng lưới 5G của mình vì lý do an ninh.
Chuyên gia Turcsanyi cũng cho rằng vấn đề Huawei sẽ khó có khả năng được nhắc đến trong hội nghị 16+1 năm nay, và việc này xuất phát từ yếu điểm của nền tảng này. “Việc 16+1 không có khả năng giải quyết vụ việc này chứng tỏ cơ chế của nó không quan trọng như nhiều người vẫn hình dung”, ông nói.
Tuy vậy, những nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh lần này có thể sẽ điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với thượng đỉnh 16+1, bao gồm khả năng tháo gỡ các hàng rào thuế quan cho các nước thành viên.
Dẫn lời Giáo sư Simalcik, “TQ sẽ phải cần có những đề cập về việc không phải tất cả các nước Trung-Đông Âu đều hưởng lợi khi tham gia nền tảng này”. “Điều này sẽ yêu cầu nỗ lực từ phía TQ tháo gỡ hàng loạt hàng rào thuế quan khi các công ty khu vực Trung-Đông Âu phải gánh chịu nếu họ muốn xuất khẩu hoặc đầu tư vào đó”.
Tuy vậy, ông cũng nhận định phạm vi điều chỉnh có thể sẽ rất hạn hẹp. “Có vẻ như TQ và các nước Trung-Đông Âu đều không đạt được sự bổ trợ nhau về kinh tế…cả hai phía có lẽ sẽ đưa ra đề nghị và đòi hỏi thứ hoàn toàn khác nhau”. Ông nói. “Sau cùng, cũng không còn nhiều những gì để cho những nền tảng như 16+1 có thể cải thiện hơn nữa và vì vậy những điều chỉnh đó nhiều khả năng sẽ chỉ là về các đơn từ, chiến dịch quảng cáo lôi kéo truyền thông mà thôi”.
Theo Vĩ Cường / plo.vn