Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cuộc chiến lấy lại “bầu trời xanh”

Ảnh minh họa: pixabay.com
Hôm 5-6, Ngày Môi trường thế giới sẽ được tổ chức tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Chủ đề năm nay là “Ô nhiễm không khí”- sát thủ thầm lặng cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người/năm và khiến hàng tỷ người bị ảnh hưởng sức khỏe.

Khủng hoảng sức khỏe cộng đồng

Tại một hội nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia đã báo động khoảng 95% dân số thế giới, tức 9/10 người dân trên Trái đất đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định ô nhiễm không khí chính là “khói thuốc lá mới” đe dọa sức khỏe con người, nhưng ở cấp độ nguy hiểm hơn hẳn. Ô nhiễm không khí không buông tha một quốc gia nào. Những điểm nóng về ô nhiễm không khí như Ấn Độ với 14 thành phố nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm không khí nhất hành tinh, có 2,7 triệu ca tử vong/năm, tương đương 25% số ca tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn thế giới xảy ra tại Ấn Độ.

Theo một báo cáo của WHO, 600.000 trẻ em tử vong trong năm 2016 do nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới mà nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Tổng cộng gần 93% trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới (tương đương 1,8 tỷ em) phải hít thở bầu không khí nguy hại cho sức khỏe và sự phát triển của các em.

Theo các chuyên gia WHO, trẻ em thở nhanh hơn người trưởng thành và do đó hấp thụ các chất ô nhiễm nhiều hơn. Trẻ em cũng thường tiếp xúc với mặt đất, nơi tập trung các chất ô nhiễm đạt mức tối đa. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tác động bởi ô nhiễm không khí hơn tại các gia đình thường xuyên sử dụng công nghệ và nhiên liệu gây ô nhiễm để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, khả năng nhận thức và cả các chức năng của phổi. Ngoài ra, trẻ em tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao có nguy cơ mắc phải các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch sau này…

Cần thêm nhiều quyết sách

Có nhiều nguồn gây ra ô nhiễm không khí, trong đó đáng kể nhất là nguồn tự nhiên và nguồn nhân tạo. Nguồn tự nhiên gây ô nhiễm không khí có thể kể đến hoạt động của núi lửa (phun trào dung nham và khói bụi nhiều khí sulfua, methane…), cháy rừng (phát thải nhiều bụi và khí), bão bụi do gió mạnh và bão… Nguồn nhân tạo cũng rất đa dạng, chủ yếu là do các hoạt động của con người trong các lĩnh vực công nghiệp, đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, giao thông vận tải… Sự phát triển dân số, hoạt động của con người gia tăng ở nhiều lĩnh vực với tần suất cao khiến ô nhiễm không khí ngày càng trở thành một vấn đề cấp bách.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng mơ ước của người dân toàn cầu là một thế giới không có ô nhiễm không khí. Để đạt được mơ ước này, WHO đã đề xuất nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi có nhiều quyết sách hơn nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, phát triển các chương trình chống ô nhiễm, ưu tiên đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, phát triển giao thông công cộng, quản lý chất thải hiệu quả…Cuộc chiến giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí được lồng ghép với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cùng hướng tới một mục tiêu chung.

Nhiều quốc gia hiện đã nhận thức được rõ hiểm họa từ ô nhiễm không khí và quyết tâm lấy lại “bầu trời xanh” thông qua nhiều chính sách cụ thể. Như tại Pháp, nhà chức trách thủ đô Paris đã đặt hàng 3 nhà doanh nghiệp trong nước là Heuliez Bus, Bollore và Alsto sản xuất 800 xe buýt điện với tổng trị giá hợp đồng 450 triệu USD, nhằm thay thế các xe chạy bằng diesel. Hay như Ủy ban Môi trường Mexico đưa ra chương trình phòng chống ô nhiễm không khí, gồm các biện pháp hạn chế lưu thông ô tô và trồng mới 10 triệu cây xanh tại thung lũng Mexico, bao gồm cả thủ đô Mexico…

Theo Đỗ Cao (tổng hợp) / sggp.org.vn