Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Dịch Covid-19: EU lần đầu tiên kích hoạt ‘điều khoản thoát hiểm’, cho phép thành viên tự do chi tiêu

Ảnh minh hoạ: pixabay.com

Các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, lần đầu tiên trong lịch sử cho phép các quốc gia thành viên tự do chi tiêu để giải quyết những tác động của đại dịch Covid-19.

Theo thông cáo chung sau cuộc họp trực tuyến ngày 23/3, “điều khoản thoát hiểm” mang lại cho các chính phủ sự linh hoạt cần thiết để thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, hỗ trợ các hệ thống bảo vệ sức khỏe và an sinh cũng như bảo vệ nền kinh tế của EU.

Biện pháp tình thế này khiến sự giám sát chặt chẽ của Brussels đối với chi tiêu của các quốc gia tạm thời được đóng băng. Đây là nỗ lực lớn nhất của các quốc gia thành viên EU để cùng nhau đối mặt với tai họa Covid-19.

Quyết định này được đặc biệt chào đón ở Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 và là nước thường bị “tuýt còi” vì vi phạm các quy tắc của khối.

Pháp và Bỉ cũng đã bỏ qua các quy định của EU khi thông báo bổ sung hàng chục tỷ Euro để chống đại dịch, vốn đang làm ngưng trệ nền kinh tế của các nước này.

Nước Đức, thường rất chặt chẽ về cân bằng ngân sách, đã mở kênh riêng với thông báo dành 156 tỷ Euro cho các khoản vay mới nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

“Điều khoản thoát hiểm” được tạo ra vào năm 2011, lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone. Các quy tắc về nợ và thâm hụt đã được thắt chặt trong một nỗ lực bảo vệ khối tiền tệ chung khỏi những cú sốc tiếp theo. “Điều khoản thoát hiểm” cũng cho phép các quốc gia chi tiêu không giới hạn cho thiết bị y tế, thực thi các biện pháp cách ly và mở rộng các bệnh viện.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố gói kích thích tiền tệ trị giá 750 tỷ Euro để trấn an thị trường và giải phóng các ngân hàng với khoản cho vay 1,8 nghìn tỷ Euro.

Các biện pháp mạnh trên được đưa ra trong bối cảnh Viện nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức nhận định, dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu “hàng trăm tỷ Euro”, cao hơn rất nhiều so với những gì mà nước này từng phải hứng chịu trong các cuộc khủng hoảng kinh tế hay thiên tai những thập kỷ gần đây.

Theo tính toán của Ifo, nền kinh tế Đức sẽ giảm 7,2% xuống còn 20,6%, tương ứng với thiệt hại từ 255 đến 729 tỷ Euro (khoảng 780 tỷ USD). Trong 3 tháng tạm ngừng một phần các hoạt động kinh tế do dịch bệnh, nền kinh tế Đức sẽ thiệt hại ít nhất 354 tỷ Euro. Trong trường hợp tiếp tục kéo dài tình trạng này, Chính phủ Đức sẽ phải mất thêm khoản chi phí bổ sung từ 15 đến 57 tỷ Euro/tuần.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động Đức. Có tới 1,8 triệu việc làm ở Đức có thể bị cắt giảm và hơn 6 triệu nhân viên bị ảnh hưởng do giảm giờ làm. Các biện pháp và gói cứu trợ kinh tế của Chính phủ Đức là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ LB Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp có tổng giá trị lên tới 750 tỷ Euro để ổn định nền kinh tế trước những hậu quả do Covid-19 gây ra. Dự kiến, Hạ viện Đức sẽ nhanh chóng thông qua gói biện pháp này vào ngày 25/3 và sau đó 2 ngày sẽ được Thượng viện phê chuẩn.

Các bộ trưởng tài chính EU sẽ tiếp tục họp trực tuyến trong ngày hôm nay (24/3) để thảo luận về những biện pháp khác với mục đích hợp lực chống lại hiểm họa về một cuộc suy thoái trên toàn bộ lục địa và cả nền kinh tế thế giới.

Văn Chu

(theo AFP)

Nguồn: baoquocte.vn