TBVĐ- Người Việt Nam nói chung và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng đã quá quen thuộc với cái tên “Lê An Tuyên”, mà người hâm mộ thường gọi chị thân thương bằng cái danh nhạc sĩ của miền quê và nỗi nhớ.
Xin dẫn lại một lời nhận xét trên báo Đại Đoàn Kết trước đây mà tác giả bài phỏng vấn này vô cùng tâm đắc khi nói đến Lê An Tuyên: “so với một vài người chỉ có một bài nổi trội còn được gọi là nhạc sĩ, thì Lê AnTuyên chẳng có lý do gì phải ngại. Chị có tới trên chục bài, mà bài nào cũng hay: Bắt đầu từ “Lời cỏ may”, rồi “Mùa thu sang”, “Sóng không từ biển”, “Nơi ấy quê nhà”, “Cửa Lò tình yêu và nỗi nhớ”, “Sông và Anh”, “Về đây với anh”, “Dòng sông tuổi hai mươi”, “Thương ơi điệu ví”, “Bến xưa”… Và mơíđây là “Khúc tình Huế” đậm chất Huế, (phần lời là thơ của một người bạn là vị chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao). Nhiều người Việt ở Đức, nhất là người miền Trung coi Lê An Tuyên là nhạc sĩ của riêng họ, chị nói thay họ nỗi lòng khôn nguôi nhớ về tổ quốc, đặc biệt là khúc ruột miền Trung với chất dân ca quen thuộc ngấm trong từng giai điệu”.
Trong chuyên mục Nhân vật trong tháng kỳ này, Thời báo Việt Đức xin giới thiệu đến độc giả bài đối thoại ngắn giữa phóng viên Thời báo Việt Đức và nhạc sĩ Lê An Tuyên.
“Con dế hát rong bờ cỏ” nhớ quê xa
+ Phóng viên: Nhiều người gọi chị là nhạc sĩ của miền quê và nỗi nhớ. Chị nghĩ như thế nào về sự ví von này?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: An Tuyên được sinh ra giữa miền đất vốn giàu bản sắc truyền thống. Mẹ của An Tuyên đã thổi vào tâm hồn An Tuyên bằng chính lời ru đầu tiên qua câu hò điệu ví Xứ Nghệ thật đằm thắm ngọt ngào. Và chính những điều này đã buộc chặt tâm hồn An Tuyên với “sự nghiệp sáng tác” cho tới ngày hôm nay cũng bằng chính nốt nhạc đồng quê ấy. Nên nghe nhạc của An Tuyên quý khán giả trong ngoài nước đều đã ví von “An Tuyên là nhạc sĩ của miền quê nỗi nhớ” còn An Tuyên luôn nhận mình là “con dế hát rong bờ cỏ” nhớ quê xa.
+ Phóng viên: Sống xa quê hương nhưng những lời ca tiếng hát của chị và cả những ca khúc chị viết đều đậm chất quê nhà. Rất nhiều ca khúc của chị viết đã trở nên thân quen với kháng thính giả trong nước và tại nước ngoài. Điều gì đã khiến chị nặng tình với quê hương đến như thế?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: An Tuyên sinh ra và lớn lên ở miền trung được sống trong tình yêu thuong của gia đình bà con, bạn bè và cả hình bóng quê hương đã in đậm trong tâm trí của mình rồi. Đó là dòng sông, bến nước, cây đa, bến đò chiều Mẹ đợi. Và cả những đêm trăng trên dòng sông Lam rộn vang câu ví. Miền nhớ ấy luôn khắc khoải trong An Tuyên khiến An Tuyên thương nhớ khôn nguôi quê hương nghèo khó nhưng giàu lòng nhân nghĩa. Chắc hẳn rằng “càng đi xa nỗi nhớ càng dày thêm; càng đi xa càng muốn về; càng khổ đau càng muốn về” như lời nhạc sĩ An Thuyên đã từng viết.
Cảm hứng từ nhạc đồng quê nước Đức
+ Phóng viên: Tại Đức, để thỏa niềm nhớ thương quê hương cũng như khao khát cống hiến những ca từ ngọt ngào, xúc cảm nhất, chị đã và đang tham gia vào những hoạt động nghệ thuật nào tại đây và những quốc gia khác?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: Niềm đam mê sáng tác của An Tuyên chỉ là tay trái, nghiệp dư nên không theo tổ chức chuyên nghiệp nào. Bởi vậy giữa bận rộn giữa công việc kinh doanh, công việc gia đình, An Tuyên chỉ tham gia với bà con cộng đồng ở các vùng tại Đức.
+ Phóng viên: Nước Đức có tạo ra cho chị nguồn cảm hứng để sáng tác? Nếu có thì nguồn cảm hứng đó đến từ đâu? Và chị đã tận dụng ra sao?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: Với một chút ít ỏi kiến thức của mình, An Tuyên đã luôn cố gắng tự học hỏi và tích lũy, lắng nghe ý kiến của các nhạc sĩ đi trước ở Việt Nam cũng như nhạc sĩ ở Đức. Nước Đức là cái nôi âm nhạc lớn của thế giới, vừa cổ điển vừa hiện đại. Mỗi khi đêm về nghe những bản nhạc đồng quê của Đức, An Tuyên lại ước ao “làm sao mình có thể viết được một ca khúc hay, súc tích như vậy và chính ước ao ấy đã tăng cho An Tuyên thêm cảm xúc viết về quê hương mình.”
Mong muốn được tri ân khán giả quê nhà
+ Phóng viên: Chị có mong mỏi, khao khát gì đối với việc phát triển tiếp tục dòng nhạc trữ tình và quê hương qua các dự án nghệ thuật ở Việt Nam? Liệu chị sẽ về Việt Nam trong thời gian tới để thực hiện khát khao đó?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: An Tuyên thật sự thích thú nếu ra được một Album chọn lọc với những ca sĩ và ca khúc tâm đắc của mình. Rất nhiều khán thính giả trong và ngoài nước và bạn bè ai cũng mong muốn va chờ đợi điều này.
Nếu có điều kiện và cơ hội thì An Tuyên sẽ làm một đêm nhạc như một lời tri ân với quý khán giả, người thân, bạn bè đã luôn dành tình cảm yêu mến động viên chia sẻ với An Tuyên về niềm đam mê sáng tác của mình.
+ Phóng viên: Khi sống tại Đức, điều gì về Việt Nam, nhất là nghệ thuật Việt Nam khiến chị tự hào nhất khi tiếp xúc với bạn bè Đức và nước ngoài?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: Khi tiếp xúc với bạn bè người Đức nói chung và người nước ngoài nói riêng An Tuyên luôn tự hào về nền văn hoá của dân tộc mình. Đó là âm nhạc, thơ ca và ẩm thực. Từ trong bản sắc văn hoá Việt cũng đã nói lên rằng “người Việt Nam yêu quê hương, người Việt Nam yêu tổ quốc mình” như lời của một ca khúc An Tuyên đã viết .
+ Phóng viên: Gia đình đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp sáng tác của chị?
. Nhạc sĩ Lê An Tuyên: Mặc dù đam mê âm nhạc nhưng An Tuyên vẫn cố gắng làm việc và chăm lo gia đình đúng với thiên chức của người phụ nữ Việt Nam. Mọi người trong gia đình An Tuyên đều hiểu và chia sẻ niềm đam mê âm nhạc của An Tuyên và luôn ủng hộ An Tuyên trong những việc này.
+ Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn chị.
Nhạc sĩ Lê An Tuyên sinh ra tại phường Cửa Hội, Thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 13 tuổi chị trúng tuyển vào Đoàn văn công Tổng cục Chính trị và được cử đi học ở nước ngoài, nhưng đã không đi vì… nhớ mẹ, nhớ quê. Tốt nghiệp cấp ba, chị học kiến trúc và làm việc ở phòng thiết kế Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Năm 23 tuổi, mẹ chị qua đời và vài năm sau, tức năm 1989, chị theo chồng sang Đức sống và lập nghiệp tại đó. Chị sang Đức theo đuổi công việc kinh doanh riêng.
Không dừng ở đó, người Việt còn biết đến chị qua những phong trào nghệ thuật tại Đức và viết nên nhiều ca khúc quê hương trữ tình gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt trong nước và tại Đức. Các ca khúc do chị sáng tác luôn được các thí sinh chọn dự thi trong các chương trình dự thi âm nhạc lớn có tiếng ở Việt Nam, như Sao Mai Điểm Hẹn. Tháng 2-2012 trong chương trình Bài hát yêu thích, với 12 tác phẩm được tuyển chọn, ca khúc “Thương ơi điệu ví” của Lê AnTuyên do Thành Lê trình bày đã dẫn đầu bảng xếp hạng. Ngoài ra, nhiều ca khúc khác của Lê An Tuyên được các nhà đài sử dụng trong các chương trình ca nhạc. Ngoài sáng tác, chị An Tuyên cũng là giọng ca quen thuộc và làm say đắm nhiều người hâm mộ tại Đức với chất giọng ngọt ngào, trữ tình đặc trưng. |
Văn Hồng (thực hiện)