Ban đầu, chỉ có 12 quốc gia chấp nhận sử dụng đồng euro. Những quốc gia đầu tiên áp dụng loại tiền tệ này là Bỉ, Đức, Luxembourg, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Italy, Áo, Ireland, Pháp và Hà Lan.
Euro là một trong những loại tiền tệ có tuổi đời trẻ nhất trên thế giới. Thời kì “thai nghén” đồng tiền này kéo dài hàng thập kỷ và được ghi chép lại một cách tỉ mỉ. Đó là câu chuyện về những cuộc họp, những buổi đàm phán, những hiệp ước được ký kết với sự tham gia chủ yếu của những chính trị gia và các công chức nhà nước. Bên cạnh việc lựa chọn tên gọi, ký hiệu được sử dụng cho đồng euro cũng đã vấp phải nhiều tranh cãi trước khi nó trở nên phổ biến trên toàn thế giới hiện nay.
Tên gọi hiện nay của đồng tiền chung châu Âu được lựa chọn ở Madrid vào năm 1995 và được cho là gợi ý của một giáo viên người Bỉ. “Euro” đã vượt qua nhiều ứng cử viên khác, trong đó có “ducat” – từ được sử dụng bởi nhà văn vĩ đại người Anh Shakespeare.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất là tên của đồng tiền chung phải xuất hiện trong tất cả các ngôn ngữ chính thức của châu Âu. Sự đồng nhất cũng được coi trọng trong quá trình lựa chọn ra ký hiệu đại diện cho loại tiền tệ mới.
Không giống như ký hiệu của các đồng tiền tệ cũ được phát triển qua nhiều thế kỷ, ký hiệu của đồng euro được thiết kế bởi Ủy ban châu Âu. Ký hiệu này cần phải đảm bảo được ba yếu tố chính: dễ nhận biết là biểu tượng của châu Âu, phải tương tự với các ký hiệu tiền tệ nổi tiếng đang tồn tại, và cần phải đẹp mắt, đủ đơn giản để có thể viết được bằng tay.
Nhân viên của Ủy ban châu Âu phải tổng hợp một danh sách hơn 30 thiết kế tiềm năng. 10 trong số những thiết kế này được công bố để người dân có thể lựa chọn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu tại thời điểm đó, Jacques Santer và Yves-Thibault de Silguy, ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính là người đưa ra lựa chọn cuối cùng giữa 2 thiết kế được công chúng ủng hộ nhiều nhất.
Khi ký hiệu đồng euro được công bố vào tháng 12 năm 1996, đã có những ý kiến trái chiều về nó. Có người cho rằng nó rất chuẩn xác và thể hiện sự tư tin, nhưng có những người lại nghĩ rằng nó dễ gây ra sự nhầm lẫn. Ký hiệu đồng euro trông giống như một chữ C được chia cắt bởi hai thanh ngang, nhưng thực tế nó được lấy cảm hứng từ chữ cái Hi Lạp epsilon, đồng thời nó trông cũng giống một chữ E cách điệu giúp gợi nhớ đến Europe (châu Âu).
Tỷ lệ của ký hiệu đồng euro cũng như các tông màu nền trước và sau phải thật chính xác theo quy đinh. Khi các quan chức quyết định cấp bằng sáng chế cho ký hiệu đồng tiền chung châu Âu, euro trở thành ký hiệu tiền tệ đầu tiên trên thế giới có bản quyền.
Không ai trong số các chuyên gia về phông chữ máy tính vui vẻ về điều này, những người đột nhiên phải kết hợp ký tự này vào các phông chữ hiện có. Sau khi ký hiệu này được đưa vào sử dụng, các ứng dụng máy tính cũng gặp nhiều khó khăn khi liên tục mắc phải các lỗi hiển thị.
Đến năm 2002, 14,25 tỷ euro tiền giấy và 50 tỷ euro tiền xu đã được phát hành tại 11 quốc gia thành viên. Cùng với cờ và bài hát chính thức của EU, ký hiệu đồng euro trở thành biểu tượng của Liên minh châu Âu.
Một số sự thật thú vị về đồng euro:
– Đồng tiền này có thể mới ra mắt từ cuối những năm 90s, nhưng các cuộc đàm phán về tiền tệ chung châu Âu đã xuất hiện từ những năm 60s khi các thành viên của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) gặp nhau để đưa ra sáng kiến về liên minh tiền tệ kinh tế. Nhưng phải đến tận Hiệp ước Maastricht năm 1992, các nước thành viên mới thống nhất được một bộ quy tắc để quản lý một hệ thống tiền tệ chung.
– Ban đầu, chỉ có 12 quốc gia chấp nhận sử dụng đồng euro. Những quốc gia đầu tiên áp dụng loại tiền tệ này là Bỉ, Đức, Luxembourg, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Italy, Áo, Ireland, Pháp và Hà Lan.
– 9 quốc gia thành viên EU không sử dụng đồng euro bao gồm Đan Mạch, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungrary, Romania, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
– Tờ tiền euro đại diện cho cả quốc gia và EU. Tiền giấy euro có một mặt in tiêu chuẩn giống nhau ở mọi quốc gia thành viên và mặt còn lại là thiết kế riêng theo từng quốc gia thành viên.
– Đồng euro được sử dụng tại một trong những khối kinh tế lớn nhất trên thế giới. Do đó, nó chỉ chịu xếp sau đồng USD về số lượng dự trữ và ý nghĩa thương mại quốc tế.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế