Vấn đề pháp lý được đặt ra cho việc đông lạnh thi thể chờ hồi sinh: Công nhận hình thức mai táng này hay không? Khoa học đã đặt ra vấn đề mới cho pháp luật điều chỉnh.
Trên thế giới, giải pháp đông lạnh thi thể chờ hồi sinh không còn là chuyện hiếm. Một số công ty đã đầu tư vào ngành kinh doanh độc đáo này.
Từ đó, vấn đề pháp lý được đặt ra: Công nhận hình thức mai táng này hay không? Khoa học đã đặt ra vấn đề mới cho pháp luật điều chỉnh.
Kỹ thuật ướp đông thi thể ở nhiệt độ lạnh cực thấp để chờ ngày hồi sinh không còn là chuyện khoa học giả tưởng nữa. Đến nay trên thế giới có hơn 300 ca đông lạnh thi thể chờ hồi sinh.
Đông lạnh thi thể ở Anh và Trung Quốc
Kỹ thuật đông lạnh chờ hồi sinh chú trọng làm lạnh nhanh ở nhiệt độ cực thấp bằng cách sử dụng các phân tử bảo vệ các mô nhưng phải tránh để các tinh thể nước đá kết tinh có thể phá hỏng các tế bào. Những người tin vào kỹ thuật này hy vọng một ngày nào đó tiến bộ y học sẽ cho phép hồi sinh thi thể người thân.
Ngày 17-10-2016, một nữ bệnh nhi 14 tuổi mắc bệnh ung thư dạng hiếm qua đời ở London (Anh). 11 ngày trước đó, Tòa án tối cao đã phán quyết ủng hộ đề nghị của bệnh nhi được trao thi thể cho người mẹ để đông lạnh chờ hồi sinh.
Thi thể cô bé được chuyển giao cho một cơ sở tư nhân ở Detroit (Mỹ) để đông lạnh trong chất azote lỏng. Chi phí 37.000 bảng được trả bằng tiền quyên góp.
Tại Trung Quốc ngày 8-5-2017, một phụ nữ 49 tuổi qua đời vì bệnh ung thư phổi. Sau đó, thi thể đã được đông lạnh trong phòng thí nghiệm của Tập đoàn Sinh học Ngân Phong (doanh nghiệp tư nhân hợp tác với Đại học Sơn Đông và tổ chức Alcor Life Extension Foundation của Mỹ).
“Hành vi tôn trọng thi thể con người phải được tiếp tục thực hiện ngay cả sau khi chết và được đông lạnh”.
Giáo sư Anne-Blandine Caire đề nghị sửa đổi khoản 1 điều 16-1-1 Bộ luật Dân sự Pháp như trên
Kinh doanh thi thể con người
Trong thập niên 1960, khoa học đã vượt qua ngưỡng tìm kiếm cuộc sống bất tử nhờ các kỹ thuật đông lạnh thi thể giúp ngăn chặn tiến trình thi thể biến dạng sau khi chết để hy vọng có thể hồi sinh sau này.
Hiện nay có ba doanh nghiệp nổi tiếng hơn hết trong lĩnh vực này là tổ chức phi lợi nhuận Alcor Life Extension Foundation ở Mỹ (thành lập năm 1972), tổ chức phi lợi nhuận Cryonics Institute ở Mỹ (thành lập năm 1976) và Công ty KrioRus ở Nga (thành lập năm 2005).
Nhà nghiên cứu Robert Ettinger, người sáng lập Cryonics Institute, được xem là cha đẻ của lĩnh vực đông lạnh chờ hồi sinh.
Các doanh nghiệp đề nghị nhiều cách đông lạnh bảo quản thi thể khác nhau với chi phí dao động từ 28.000 USD đến 200.000 USD. Khách hàng có thể mua dịch vụ bằng cách đăng ký mua bảo hiểm nhân thọ với người thụ hưởng chỉ định là công ty đông lạnh thi thể được chọn.
Pháp vẫn chưa có luật quy định
Tại Pháp, luật vẫn chưa đề cập gì đến kỹ thuật đông lạnh thi thể chờ hồi sinh. Năm 2006, nghị sĩ Jean-Louis Masson đã từng truy vấn chính phủ: Phải chăng người dân có thể đông lạnh thi thể trong khi pháp luật chưa điều chỉnh vấn đề này?
Câu trả lời là chỉ có chôn cất và hỏa táng mới được xem là các hình thức mai táng hợp pháp. Như vậy kỹ thuật đông lạnh thi thể là bất hợp pháp cho dù đạo luật ngày 15-11-1887 thừa nhận quyền tự do mai táng và điều 433-21-1 của Bộ luật Hình sự quy định bắt buộc phải tôn trọng lựa chọn của người quá cố về mai táng.
Trong thập niên 2000, Hội đồng nhà nước Pháp (cơ quan có thẩm quyền cao nhất về pháp luật hành chính) đã công bố hai quyết định.
Quyết định ngày 19-7-2002 bác bỏ đề nghị của ông Michel và bà Joëlle Leroy về việc cho phép bảo quản thi thể người mẹ trong phòng đông lạnh dưới tầng hầm căn hộ của họ ở Saint-Denis (đảo La Réunion).
Quyết định thứ hai ngày 6-1-2006 bác bỏ đề nghị bảo quản thi thể bác sĩ Raymond Martinot và vợ trong phòng đông lạnh do con trai Rémy Martinot quản lý. Quyết định nhắc lại chỉ có chôn cất và hỏa táng mới là hình thức mai táng hợp pháp.
Thẩm phán Anh phá lệ
Tại Anh, pháp luật cũng không đề cập đến vấn đề đông lạnh thi thể như ở Pháp nhưng so với Pháp, nước Anh có chiều hướng ủng hộ nhiều hơn.
Trong vụ một nữ bệnh nhi 14 tuổi muốn trao lại thi thể cho bà mẹ để đông lạnh vào tháng 10-2016 ở London, Tòa án tối cao ủng hộ yêu cầu này trong bối cảnh người cha đã ly hôn lên tiếng phản đối còn người mẹ lại đồng ý với nguyện vọng của con.
Thẩm phán Peter Jackson giải thích tòa không ủng hộ phương pháp đông lạnh thi thể mà chỉ nhằm tôn trọng ý chí và quyền của người quá cố. Ông nhận xét pháp luật của Anh còn khoảng trống pháp lý về vấn đề này và đây là một ví dụ về các vấn đề mới khoa học đặt ra cho pháp luật điều chỉnh.
Giáo sư luật tư pháp và khoa học hình sự Anne-Blandine Caire ở Trường Luật Đại học Clermont Auvergne (Pháp) đã đề nghị sửa đổi Bộ luật Dân sự Pháp để công nhận hình thức đông lạnh thi thể, sau đó điều chỉnh nhiều vấn đề như hoạt động của các công ty kinh doanh lĩnh vực đông lạnh thi thể, hợp đồng bảo quản thi thể, thừa kế di sản của người được đông lạnh.
Ca đông lạnh thi thể một phụ nữ qua đời hôm 8-5-2017 ở Sơn Đông là ca ướp đông chờ hồi sinh đầu tiên tại Trung Quốc. Quy trình kéo dài 55 tiếng.
Ngay sau khi bệnh nhân từ trần, máu được rút ra hết và thay bằng chất lỏng chống đông. Sau đó, thi thể được làm lạnh ở nhiệt độ –196 °C và dìm trong bồn chứa nhiều loại hóa chất, trong đó có chất azote lỏng. Chi phí tổng cộng khoảng 300.000 USD, chưa kể chi phí bảo quản hàng năm. Tổ chức phi lợi nhuận Alcor Life Extension Foundation của Mỹ đang mong muốn mở rộng thị trường tại Trung Quốc vì người dân Trung Quốc rất tin tưởng về sự sống sau cái chết, luân hồi, kiếp sau… |
Theo Trần Ngọc Long / tuoitre.vn