Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 26.8, làn sóng thâu tóm này (tên chính thức là sáp nhập và mua lại, viết tắt M&A) khiến Berlin cảnh giác việc trao quyền tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài, dù Đức là một quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do thương mại quốc tế.

Đức ngán công ty Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ

Cuối tháng 7, lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel bác việc Tập đoàn Yantai Taihai (Trung Quốc) tính mua lại Công ty Leifeld Metal Spinning “vì những lý do an ninh”, buộc Yantai phải hủy đề nghị vào phút chót.

Leifeld sản xuất thiết bị dùng cho mảng năng lượng hạt nhân và công nghiệp hàng không – không gian. Vài ngày trước khi đổ vỡ thỏa thuận mua bán – sáp nhập, ngân hàng KfW (thuộc nhà nước Đức) tuyên bố đã mua được 20% cổ phần Công ty quản lý điện lực 50Hertz, chặn nỗ lực mua của Tập đoàn điện lực quốc gia Trung Quốc.

Cũng trong tháng 8, chính phủ Đức công bố kế hoạch kiểm soát chặt các thỏa thuận M&A với các nhà đầu tư nước ngoài vào các kỹ nghệ liên quan đến an ninh – quốc phòng hoặc quốc phòng, bằng cách quy định các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm 15% cổ phần trong một công ty Đức. Năm 2017, chính phủ Đức đã siết chặt kiểm soát các khoản đầu tư nước ngoài, bằng cách tự cho chính phủ có quyền can thiệp, nếu nhà đầu tư nước ngoài có được 25% cổ phần trong một công ty Đức.

Nỗ lực kiểm soát kỹ hơn các nhà đầu tư nước ngoài, chính từ những vụ mua lại các công ty Đức nổi tiếng trong 2 năm qua đã xới lại nỗi lo ngại làn sóng Trung Quốc thâu tóm các công ty chủ lực, cũng như mối lo sợ bị mất tri thức công nghệ vào tay người Trung Quốc.

Các vụ M&A các công ty Đức – do các công ty Trung Quốc và Hồng Kông tiến hành – đã đạt mức đỉnh với 69 vụ trong năm 2017, tăng so với 11 vụ năm 2011, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu M&A và Liên kết (Institute for Mergers, Acquisitions, and Alliances).

Giá trị đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Đức tăng từ 690 triệu euro (800 triệu USD) trong năm 2011, lên đến mức đỉnh 7 tỉ euro trong năm 2016, chủ yếu do Công ty Midea (Trung Quốc) mua lại công ty sản xuất người máy Kuka với giá 4,5 tỉ USD trong năm 2016.

Ngoài Kuka, trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc cũng thâu tóm các công ty công nghiệp hàng đầu, như Biotest Pharmaceuticals (dược phẩm) và các doanh nghiệp khổng lồ như Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) và hãng Daimler, chủ thương hiệu xe con Mercedes-Benz.

Quan hệ mờ ám

Từ đó, các công ty nhỏ và trung bình (giỏi về công nghệ hiện đại, được xem là xương sống của nền kinh tế Đức) trở thành mục tiêu nóng để các nhà đầu tư Trung Quốc tính chuyện thâu tóm.

Nỗ lực của Trung Quốc thường bị cho là có mục tiêu chính trị, thay cho mục tiêu làm ăn kinh tế. Đã có nhiều phàn nàn về quan hệ mờ ám giữa Bắc Kinh với các công ty Trung Quốc, và việc các nhà đầu tư nước ngoài không được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ông Christian Dreger thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức nói: “Dù các nhà đầu tư Trung Quốc tự giới thiệu là công ty tư nhân, nhưng xem ra mối quan hệ của họ với chính quyền Trung Quốc rất mạnh. Bên cạnh đó, EU vẫn bị hạn chế tối đa trong mảng FDI (đầu tư nước ngoài trực tiếp) vào thị trường Trung Quốc”.

Theo Trung tâm thăm dò dư luận PEW, Đức và Ý là 2 quốc gia EU có tỷ lệ 53 và 59% dân chúng có cái nhìn không thiện cảm đối với Trung Quốc. Các tỷ lệ có suy nghĩ tiêu cực về Trung Quốc ở Anh và Ba Lan là 37% và 29%.

Ông Philippe Le Corre, một chuyên gia về quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc ở tổ chức nghiên cứu Carnegie vì hòa bình quốc tế, nói: “Bí ẩn xung quanh việc kiểm soát công ty Trung Quốc đã phá hỏng uy tín của các công ty đó ở Đức”.

Châu Âu cảnh giác với chương trình “Made in China 2025”

Theo SCMP, sự nghi ngờ xung quanh khoản đầu tư của Trung Quốc đã ngược với sự quan tâm mà họ từng tạo ra, vào thời khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Lúc đó, Trung Quốc tung nỗ lực đầu tư nhằm quốc tế hóa các công ty của họ, đồng thời tranh thủ đồng euro suy yếu, đã giúp EU bắt đầu vượt thoát cuộc khủng hoảng.

Theo Viện Mercator nghiên cứu Trung Quốc, khoản đầu tư của Trung Quốc vào EU đã tăng từ 700 triệu euro năm 2008, lên tới 30 tỉ euro năm 2017.

Trong khi đó, nghiên cứu của Viện Bertelsmann Stiffung đã phân tích hoạt động M&A của Trung Quốc từ năm 2014 đến 2017, và ghi nhận gần 2/3 khoản đầu tư của Trung Quốc vào 10 lĩnh vực thuộc chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc.

Tác giả cuộc nghiên cứu của Viện Bertelsmann Stiffung, Cora Jungbluth, nói: “Với khoản đầu tư của Trung Quốc, rất khó xác minh liệu nó thuần túy chỉ là làm ăn, hay còn có động cơ chính trị”.

Trung Quốc đã cố gắng kéo giảm sự lo ngại của Đức. Gần đây, báo Frankfurter Allgemeine (Đức) đăng bài viết của Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các công ty Đức “không việc gì phải sợ” khi hợp tác với các đối tác Trung Quốc.

“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” là một chương trình trọng điểm, nhằm để Trung Quốc chuyển mình thành “thiên hạ đệ nhất” ở 10 lĩnh vực công nghiệp chủ đạo, gồm trí thông minh nhân tạo (AI), phương tiện lưu thông sử dụng nhiên liệu mới, dược phẩm, phương tiện không gian cùng các vật liệu mới.

Chính quyền Tổng thống Trump xem chương trình này là biểu tượng cho tham vọng giành lợi thế rong công nghệ thế hệ mới của Trung Quốc, nếu như Trung Quốc phải ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ để đạt mục đích. Nhưng như châu Âu, Đức vẫn đề cao cảnh giác, lo bảo vệ ưu thế công nghệ, trong khi mục đích tối thượng của Mỹ trong cuộc chiến tranh Mỹ-Trung chính là ngăn cản Bắc Kinh trở thành một siêu cường công nghệ.

Lorand Laskai, thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) nói: “Trong cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung, “Made in China 2025” đã bị xác định là kẻ ác, là mối đe dọa thật sự cho vai trò của Mỹ là một thủ lĩnh công nghiệp”.

“Chúng tôi chỉ chống các kiểu đầu tư lạ thường”

EU cũng có sự cảnh giác bảo vệ công nghệ của mình. Hồi tháng 4, Nghị viện châu Âu thông qua một dự thảo luật, kéo dài danh sách “các lĩnh vực nhạy cảm”, mà qua đó, Ủy ban châu Âu (cơ quan điều hành EU) có thể can thiệp vào một vụ thâu tóm do các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành. Luật này có sự ủng hộ của các nền kinh tế như Đức, Pháp, Ý, có thể có hiệu lực từ cuối năm 2018.

Frank Proust, một báo cáo viên của Nghị viện châu Âu, nói: “Nếu không tính chuyện bảo hộ thương mại, nay là lúc thể hiện châu Âu không hề ngây thơ trong thời toàn cầu hóa. Chúng tôi không chống lại các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chống lại những khoản đầu tư lạ thường”.

Tuy nhiên, nhiều đại diện doanh nghiệp Đức lại muốn chính phủ làm rõ chuyện bảo hộ thương mại. Friedolin Strack, Chủ nhiệm Ủy ban doanh nhân Đức ở châu Á-Thái Bình Dương (ở Liên đoàn kỹ nghệ Đức-BDI) nói: “Chúng tôi không muốn chính phủ Đức quyết định liệu có nên cho một công ty Trung Quốc mua lại một công ty gia đình hay không nên”.

BDI nói giải pháp này nhằm gây sức ép, để Trung Quốc phải mở cửa thị trường trong nước, tạo sân chơi bình đẳng cho cả công ty Trung Quốc lẫn công ty Đức.

Bắc Kinh đã liên tục bày tỏ ý định mở cửa thị trường trong nước cho nước ngoài cạnh tranh, và đã tỏ vài dấu hiệu nhượng bộ, như từ năm 2022, sẽ hủy hạn chế người nước ngoài làm chủ các công ty sản xuất xe con ở Trung Quốc.

Báo giới Đức cũng đưa tin BMW có thể là hãng xe nước ngoài đầu tiên có thể nắm đa số cổ phần trong liên doanh của họ, ngay trước khi Trung Quốc chính thức xóa bỏ hạn chế quyền sở hữu công ty xe hơi.

Nhưng các công ty Đức vẫn phải phàn nàn, về những hạn chế không chính thức của Trung Quốc, ngay trong các kỹ nghệ đã chính thức mở cửa đón nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Jens Hildebrandt, lãnh đạo Phòng Thương mại Đức ở Trung Quốc, nói: “Dù Bắc Kinh đã phát đi nhiều thông điệp, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được nhiều tiến bộ, trong việc thực sự thực hiện các tuyên bố mở cửa thị trường”.

Và dù các đại diện doanh nghiệp Đức ủng hộ thương mại tự do, chiến tranh thuơng mại Mỹ-Trung đã có công giúp tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ông Hildebrandt nói thêm: “Chúng tôi không ủng hộ cuộc chiến thương mại, nhưng nó giúp tạo ra sức ép lên Trung Quốc, buộc họ phải mở cửa thị trường”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Nguồn: motthegioi.vn