Đức quyết định tăng sản lượng điện từ các nhà máy chạy than nhằm tránh thiếu hụt nhiên liệu do bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Chính phủ Đức ngày 19/6 cho biết Quốc hội nước này sẽ thông qua luật khẩn cấp về mở cửa trở lại nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, kết hợp với bán đấu giá nguồn cung khí đốt cho khu vực sản xuất công nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm, sử dụng hiệu quả khí đốt. Động thái này cho thấy Berlin thực sự quan ngại về kịch bản thiếu hụt khí đốt trong những tháng mùa đông tới đây.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết giải pháp hành động khẩn cấp này không hề dễ chịu, nhưng bắt buộc phải làm để tiết giảm sử dụng khí đốt. Trong tuần qua, Nga đã giảm 60% lượng khí đốt cấp cho Đức qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên thị trường, kéo theo mối lo sợ của giới chức châu Âu về việc Moskva “vũ khí hóa” mặt hàng khí đốt.
Theo ông Habeck, Đức đang hoàn tất soạn thảo một đạo luật mới, tạm thời đưa các nhà máy nhiệt điện chạy than từng bị đóng cửa hoạt động trở lại trong thời hạn hai năm, với tổng công suất phát điện bổ sung vào khoảng 10GW. Điều này đồng nghĩa với việc Đức tăng phụ thuộc vào nhiệt điện chạy than, khi đây là nguồn đáp ứng khoảng 33% nhu cầu tiêu thụ điện.
Kế hoạch này cũng đi ngược lại chính sách của Đức về chống biến đổi khí hậu, với điểm nhấn là hạn chế và tiến đến chấm dứt nhiệt điện than vào năm 2030, vì nguồn điện này phát thải carbon nhiều hơn so với sử dụng khí đốt.
Đức hiện đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 4GW. Nhưng ba tổ hợp này dự kiến cũng sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay theo lộ trình đã đề ra từ trước. Nhà chức trách không thể kéo dài vòng đời hoạt động của những nhà máy điện hạt nhân này, do những rào cản quá lớn về kỹ thuật và an toàn.
Trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức nhập khẩu 55% lượng khí đốt từ Nga. Nhưng vài ngày qua, tập đoàn Gazprom (Nga) đã giảm lượng khí đốt cấp cho Đức. Nga lý giải nguyên nhân là do quy trình sửa chữa và bảo trì các thiết bị nén khí của tuyến đường ống bị chậm trễ, do thiết bị mắc kẹt tại Canada theo lệnh trừng phạt của chính quyền nước này.
Đức và các đồng minh châu Âu phản đối cách giải thích này, cho rằng Nga có nhiều tuyến đường ống thay thế, có thể dùng để chuyển khí đốt, nhưng đã từ chối làm vậy. Bộ trưởng Habeck cáo buộc Nga đang tìm cách gây bất ổn thị trường, đẩy giá năng lượng leo thang. Ông cho rằng lấy lý do về “trục trặc kĩ thuật” chỉ là cớ để Nga bóp nghẹt kinh tế châu Âu.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga là sai lầm trong chính sách kinh tế của Berlin. Theo ông, các chính phủ tiền nhiệm đã không quan tâm đúng mức đến việc thiết lập các nguồn cung khí đốt thay thế. Đức đã đặt thuê bốn tàu chở nổi và tái hóa khí (FSRU) đặc chủng chuyên về vận chuyển, xử lý khí hóa lỏng (LNG), đặt ưu tiên cho việc lấp đầy kho khí đốt dự trữ cho mùa đông. Hiện mức độ lấp đầy đạt 56% và ông Habeck muốn nâng lên 90% vào tháng 12 tới.
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Giới phân tích nhận định ngay cả khi nâng mức dự trữ lên 90%, lượng khí đốt này cũng chỉ đủ dùng trong khoảng từ 2-3 mùa đông nếu Nga ngắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Đức cũng phải vật lộn với nguồn cung LNG thay thế ngay cả khi đã thuê được 4 tàu FSRU. “Thách thức lớn chính là việc tích đầy các khoang chứa LNG trên FSRU. Sẽ rất khó khăn để làm được điều này, khi mà nguồn cung LNG trên thị trường khan hiếm”, Andreas Gemballa, giám đốc phụ trách mảng LNG tại công ty năng lượng Uniper (Đức), bình luận.