Đề xuất tuyển công dân của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác đã được đề cập trong một báo cáo cuối năm 2016 của Bộ Quốc phòng Đức, và vào cuối tháng 7.2018, họ xác nhận đang nghiêm túc xem xét khả năng hiện thực hóa đề xuất.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức: “Bundeswehr đang phát triển. Chúng tôi cần nhân sự có trình độ để đáp ứng chuyện này”.
Số lượng binh sĩ của Đức kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay không ngừng sụt giảm. Năm 2011, Berlin chấm dứt chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Từ 585.000 quân vào giữa những năm 1980, Bundeswehr đến năm nay chỉ còn dưới 179.000 quân.
Khoảng 50% số quân nhân hiện tại sẽ nghỉ hưu vào năm 2030, và với tình hình già hóa dân số thì tìm kiếm nguồn nhân lực thay thế là công dân Đức có thể trở nên khó khăn hơn.
Trong thời gian qua, giới lãnh đạo nước này cùng với tăng chi tiêu quốc phòng cũng đã nỗ lực tăng quân số. Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen giữa năm 2016 tuyên bố loại bỏ định mức 185.000 lính để giúp Bundeswehr linh động hơn. Bà cũng khẳng định quân đội sẽ tìm cách có thêm 14.300 lính trong vòng 7 năm.
Nỗ lực tăng quân bao gồm cả việc tuyển cả trẻ vị thành niên. Năm 2017 ghi nhận số quân tình nguyện dưới 18 tuổi đạt mức kỉ lục 2.128 người, nhưng gặp phải nhiều chỉ trích. Trong khi đó, biện pháp tuyển mộ người nước ngoài lại được các đảng phái nước này ủng hộ.
Chuyên gia quốc phòng Karl-Heinz Brunner, thành viên của đảng Dân chủ Xã hội, cho rằng người nước ngoài đồng ý gia nhập quân đội nên được hứa hẹn có được quốc tịch Đức.
Theo chuyên gia: “Nếu công dân quốc gia khác được chấp nhận mà không có hộ chiếu Đức, thì Bundeswehr có nguy cơ trở thành một đội lính đánh thuê”.
Quân số chỉ là một trong nhiều vấn đề mà Bundeswehr đang phải đối mặt. Trong những năm trở đây xuất hiện ngày càng nhiều thông tin về tình trạng quân đội Đức thiếu thốn trang thiết bị, từ áo chống đạn cho đến xe tăng. Hoạt động của lực lượng đồn trú tại nước ngoài gặp trở ngại vì thiết bị hư hỏng. Tình trạng này khiến nhiều hệ thống vũ khí trở nên vô dụng.
Những bài báo đưa tin về chuyện chiến đấu cơ hỏng hóc, hay phi công không được huấn luyện đầy đủ đã khiến khả năng thực hiện những nhiệm vụ trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Đức bị đặt nghi vấn. Đến cuối năm 2017, toàn bộ tàu ngầm Berlin đều không còn dùng được, và hải quân nước này đang phải vật lộn với việc đóng tàu mới cũng như xây dựng chiến lược.
Vào tháng 2.2018, tướng Volker Wieker, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức, khẳng định họ sẵn sàng đảm nhận trọng trách chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh NATO (Very High Readiness Joint Task Force), dự kiến được thành lập tại Đông Âu vào năm 2019.
Theo tướng Wieker, Bundeswehr có kế hoạch giải quyết những “khoảng trống” trong năng lực của mình, nhưng có thể sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ.
Chi tiêu quốc phòng tiếp tục là vấn đề gây tranh cãi giữa các thành viên của liên minh cầm quyền. Phe ủng hộ nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng lập luận rằng điều này là cần thiết để cải tổ quân đội, trong khi phe còn lại muốn chi tiền cho những lĩnh vực khác và cáo buộc Thủ tướng Angela Merkel “nghe lời” Tổng thống Mỹ Donald Trump (yêu cầu dành ra 2% GDP/ năm cho quốc phòng).
Cẩm Bình (theo Business Insider)
Nguồn: motthegioi.vn