Ngoại trưởng Đức nói rằng thiết lập một lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ là bước đầu tiên, song vẫn chưa đủ để Berlin xoá trừng phạt cho Moskva.
Kênh truyền hình RT đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ không được dỡ bỏ trừ khi Moskva rút quân khỏi quốc gia láng giềng.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Bild ngày 1/5, bà Baerbock giải thích rằng lệnh ngừng bắn chỉ là bước đầu tiên khi nói đến loại bỏ các lệnh trừng phạt. Những biện pháp này chỉ được cân nhắc nếu như Moskva rút quân khỏi Ukraine.
Ngoại trưởng Baerbock tuyên bố nền hoà bình ở châu Âu sẽ không thể quay lại thời điểm trước ngày 24/2, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố chiến dịch quân sự đặc biệt.
Kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 5 gói trừng phạt nhằm vào Điện Kremlin và đang xem xét gói thứ 6. Các lệnh cấm áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga đã bị Moskva coi là bất hợp pháp và không chính đáng.
Nga điều quân đến Ukraine vào cuối tháng 2, sau khi Kiev không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký năm 2014, cũng như không công nhận quyền độc lập của vùng Donbass. Trước đó, thoả thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian đã đề cập đến việc trao cho hai vùng Donetsk và Lugansk quyền độc lập khỏi Ukraine.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Chính phủ Kiev khẳng định chiến dịch của Nga là hoàn toàn vô cớ, đồng thời bác bỏ cáo buộc đang có kế hoạch chiếm lại hai khu vực ở miền Đông bằng vũ lực.