Ngành điều dưỡng tuy đang rất thiếu nhân lực nhưng thu nhập lại thuộc dạng trung bình-thấp và tính chất công việc vô cùng vất vả.
Gần đây, sau bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng về nghề điều dưỡng với mức thu nhập hấp dẫn tại Cộng hòa Liên bang Đức, làn sóng tranh cãi đã diễn ra mạnh mẽ không chỉ trên báo chí mà còn ở các diễn đàn của cộng đồng kiều bào, du học sinh hải ngoại. Để làm rõ thông tin đi làm điều dưỡng viên tại Đức có dư tiền tỉ sau vài năm, cộng tác viên của TP.HCM tại Đức đã tìm hiểu thông tin qua việc lắng nghe chia sẻ từ một số người theo học và làm điều dưỡng tại Đức.
Thuộc nhóm nghề lương thấp
Từng học tập và làm việc nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngữ văn Đức ở Đức trước khi về Việt Nam mở Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đào tạo tiếng Đức DSHi, ông Nguyễn Thành Thịnh chia sẻ: “Điều dưỡng viên là công việc ít được người Đức quan tâm bởi lẽ mức lương thấp so với mặt bằng nghề nghiệp chung tại đây, trong khi việc học và đi làm đều rất vất vả”. Theo ông Thịnh, về mặt đào tạo thì điều dưỡng thuộc nhóm bằng cao đẳng, thực hành (tiếng Đức gọi là Duale Ausbildung) trong đó có 40% lý thuyết và 60% thực hành. Trong thời gian học, học viên được trợ cấp sinh hoạt phí 700-1.000 euro/tháng (khoảng 17-25 triệu đồng). Đối với những bạn đã tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành điều dưỡng ở Việt Nam đủ chất lượng thì thời gian học hoàn chỉnh và đồng bộ kiến thức ngắn hơn.
Thu nhập nghề điều dưỡng ở Đức phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau, ví dụ như theo quy định của từng tiểu bang, theo thâm niên hay theo quy mô bệnh viện. Nếu chia thu nhập tương đối theo sáu bậc thì theo ông Thịnh, người học điều dưỡng mới ra trường chỉ ở mức trung bình, thậm chí có khi thiên về nhóm thấp. Dẫn thông tin thu nhập nghề điều dưỡng từ trang gehaltsvergleich.com (tiếng Đức) làm bằng chứng, ông Thịnh chỉ ra điều dưỡng viên chưa có thâm niên chỉ nhận lương khởi điểm khoảng 1.200 (tiểu bang Sachsen) đến 1.923 euro/tháng (tiểu bang Hamburg) chưa tính các khoản chi thuế, bảo hiểm có khi lên tới 30% hay thậm chí 40%.
Với người được đào tạo chính quy tại Đức và làm việc từ ba năm trở lên, mức lương sẽ từ 2.369 euro/tháng (tiểu bang Sachsen) đến 3.181 euro/tháng (ở tiểu bang Baden Württenberg). Sau khi trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, tiền hưu trí,… thì người làm việc ở tiểu bang trả lương cao nhất nước Đức cũng sẽ chỉ còn mức lương cầm tay khoảng 1.800 euro (ngoài 40 triệu đồng) với người độc thân; và khoảng 2.000 euro (gần 50 triệu đồng) với người có gia đình. Tất nhiên, với đặc thù làm theo ca thì điều dưỡng viên có thể tăng ca, làm ngoài giờ để có thêm thu nhập.
Hầu như tất cả người Đức đều lắc đầu với nghề điều dưỡng
Chị NHG (28 tuổi), một học viên năm thứ hai ngành điều dưỡng tại TP Ilmenau (bang Thüringen), cho biết thông qua một người họ hàng sống ở Đức, chị biết ngành điều dưỡng đang rất thiếu nguồn lao động nên quyết định rời Việt Nam sang Đức học. Qua sự giúp đỡ của một công ty dạy tiếng Đức, chị G. được giới thiệu vào một viện dưỡng lão làm thực tập viên. Theo chị G., học phí tại TP Ilmenau cho mỗi năm học là 814 euro, được phía viện dưỡng lão chi trả. Ngoài ra, chị G. còn được nhận một khoản tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt, bảo hiểm (không bị trừ thuế) trong thời gian học là 795 euro/tháng (khoảng 19 triệu đồng). Số tiền này thay đổi theo từng năm học (thường tăng 50-100 euro). Ngoài ra cũng tùy vào chính sách của từng bang và từng đơn vị nhận thực tập viên. Theo chị G., ngoài thời gian học khá dày thì chị phải làm việc tại viện dưỡng lão với lịch thường xuyên thay đổi, có khi phải làm việc vào cuối tuần và nghỉ bù sau. Có hôm phải làm việc rất muộn mới về nhà.
Trường hợp của anh THT (23 tuổi), đang theo học điều dưỡng tại Berlin theo chương trình của Trung tâm Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH, cũng không khác nhiều với chị G. Theo anh T., nói là điều dưỡng viên nhưng cần phải biết bản chất công việc không phải làm trong bệnh viện (như điều dưỡng viên ở Việt Nam). Tất cả người sang Đức theo học điều dưỡng cùng chương trình như anh T. đều làm ở viện dưỡng lão trong và sau thời gian học. Những ai từng học trung cấp điều dưỡng ở Việt Nam sang học tiếp sẽ học hệ ba năm với mức trợ cấp khoảng 950 euro/tháng (gần 23 triệu đồng). Ai đã tốt nghiệp hệ cao đẳng điều dưỡng thì chỉ cần học hai năm với mức trợ cấp hằng tháng 1.072 euro (gần 26 triệu đồng).
Công việc rất vất vả
Một cảm nhận chung của những người theo nghề điều dưỡng tại Đức chính là công việc này rất vất vả. Thời gian làm việc tối thiểu năm ngày/tuần và thường phải làm tối thiểu hai buổi cuối tuần trong một tháng. Đối tượng làm việc của các điều dưỡng viên tại Đức chủ yếu là người già trong các viện dưỡng lão. Thế nên nghề này đòi hỏi người làm phải có đủ sức khỏe, sự kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó. Công việc có thể được gói gọn trong hai nội dung: một là chăm sóc và hai là điều trị (theo chỉ định của bác sĩ) cho người bệnh.
Việc điều trị bao gồm theo dõi bệnh lý, yêu cầu bệnh nhân uống thuốc, theo dõi các chuyển biến sức khỏe và báo lại bác sĩ. Việc điều trị đôi khi được chuyên môn hóa rất sâu. Ví dụ, có điều dưỡng viên chuyên về chăm sóc một loại vết thương cụ thể; có điều dưỡng viên chuyên chăm sóc bệnh nhân phải ăn uống theo chế độ và phương pháp đặc biệt. Sự phối hợp giữa điều dưỡng viên và bác sĩ phải rất nhịp nhàng.
Trong khi đó việc chăm sóc người già không khác gì một “người thân trong gia đình”. Điều dưỡng viên (đôi khi có thêm những nhân viên hỗ trợ) phải lo tất cả khâu sinh hoạt, từ ăn uống, tắm rửa, uống thuốc, ngủ nghỉ, giải trí và thậm chí cả việc đi vệ sinh. Như trường hợp chị G., một điều dưỡng viên và hai nhân viên hỗ trợ chăm sóc cho một nhóm 22 người. “Điều dưỡng viên phải làm việc với người già nói chung: người mắc bệnh mất trí (bệnh lẫn ở người già); người mắc các bệnh thần kinh khác; người bị biến chứng sau tai nạn (bệnh nhân sống thực vật hay nửa thực vật); người có vấn đề về sức khỏe và mất khả năng tự chăm sóc,…” – chị G. cho hay. Chị G. mô tả thêm rất nhiều bệnh nhân khi quên khi nhớ, không ý thức được hành động của bản thân nên chuyện không hợp tác, lớn tiếng, chống đối với điều dưỡng viên là rất bình thường. Thế nên với chị G., chọn nghề này phải thực sự quyết tâm và thực sự can đảm.
Chia sẻ với trường hợp chị G., anh T. nói thêm: “Chăm sóc người già rất khó. Bởi cơ thể của bệnh nhân bị lão hóa nên việc chăm sóc nhọc nhằn. Người Việt mình thì thấp bé, nhẹ cân trong khi người Tây lại rất to lớn. Thường những người già đi lại khó khăn, ngồi xe lăn ít vận động nên vốn đã mập lại càng mập, nhiều trường hợp mắc bệnh béo phì. Thế nên chăm sóc họ cũng phải cần dùng sức, hao tốn năng lượng lắm”. Anh T. thẳng thắn: “Công việc hầu hạ người khác không ai thích cả. Thường những người sang đây như tôi thì là gia đình không có điều kiện. Thế nên gặp chương trình có ưu đãi, có cơ hội ở lại Đức nên phải đánh đổi”.
Làm gì có dư 1,5 tỉ đồng sau 3 năm!
Bàn về tranh cãi gần đây: “Sang Đức làm điều dưỡng viên, thu nhập 100 triệu đồng/tháng và sau ba năm thì có dư 1,5 tỉ đồng” , anh T. không tin. Phân tích điều này, anh T. nói như khóa anh chị sang đây trước hai năm, ra trường đi làm thì lương cầm tay (sau khi trừ thuế) tầm 1.600 euro (gần 40 triệu đồng). Ngay cả những nhân viên là người Đức trong viện đã làm bốn năm rồi thì lương cầm tay cũng chỉ ngần ấy. Anh T. làm phép tính, cứ cho là mỗi tháng bỏ túi 40 triệu đồng thì trong ba năm số tiền cũng chỉ ngót một tỉ rưỡi. Đó là trong điều kiện không tính tiền ăn, tiền ở, tiền mua sắm quần áo, tư trang hay đi du lịch. Đằng này, hằng tháng mất ít cũng phải 300 euro tiền nhà, 100 euro tiền ăn, rồi tiền vé xe, điện thoại, chi tiêu vặt… Giả sử chi tiêu tổng thảy hết 600 euro/tháng thì số tiền tiết kiệm ở mức 1.000 euro (chưa đến 25 triệu đồng). “Tôi nghĩ nhiều đơn vị quảng bá cho chương trình sang Đức làm điều dưỡng viên nên nói ra 1,5 tỉ đồng/ba năm nhưng vậy là nói quá” – anh T. khẳng định. |