Dân số đang dần già hóa đe họa tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy chính phủ Đức nới lỏng luật nhập cư nhằm thu hút nhiều lao động lành nghề nước ngoài.
Nội các của Thủ tướng Angela Merkel ngày 19/12 đã thông qua dự luật nhập cư mới, tập trung vào việc thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU), để bổ sung cho lực lượng lao động đang dần già hóa. Dự luật mới này dự kiến được Quốc hội phê chuẩn vào năm tới.
Theo đó, dự thảo đã đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Những người muốn làm các công việc như nấu ăn, luyện kim hoặc trong ngành công nghệ thông tin, sẽ được phép lưu lại tại nền kinh tế lớn nhất EU trong 6 tháng để tìm việc và thử việc, với điều kiện họ có thể tự trang trải chi phí cho cuộc sống.
Một điều khoản gây tranh cãi là cho phép một chỗ ở cố định đối với những người đã bị từ chối đơn xin tị nạn nếu họ tìm được một công việc toàn thời gian trong vòng 18 tháng, nói tiếng Đức ít nhất ở trình độ trung cấp, hòa nhập tốt với xã hội, không có tiền án tiền sự, và có thể chứng minh được danh tính.
Luật mới ra đời cũng đồng nghĩa với việc những người xin tị nạn hiện tại đã tìm được việc làm sẽ phải đối mặt với việc bị trục xuất vì không đủ đáp ứng những tiêu chuẩn trong lao động.
Bộ trường Kinh tế Đức Peter Altmaier đã ca ngợi đây là “một ngày lịch sử”. Ông Altmaier nhận định dự luật này sẽ đặc biệt giúp ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn trước đây phải chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, thường hút hết các lao động lành nghề.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết: “Nước Đức cần nhân lực từ các nước thứ ba để đảm bảo sự thịnh vượng của mình và có thể bổ sung vào những công việc chưa có người làm”.
Nhập cư là một vấn đề chính trị “nóng bỏng” tại Đức sau khi nước này đã “hấp thụ” hơn 1 triệu người tị nạn và người di cư, chủ yếu là người Hồi giáo từ năm 2015.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, con số thấp kỷ lục kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, các doanh nghiệp trong nền kinh tế đông dân nhất châu Âu từ lâu đã vận động chính phủ nước này hạ bớt tiêu chuẩn trong luật nhập cư vì tình trạng thiếu lao động kinh niên đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong các lĩnh vực toán học, điện toán, khoa học tự nhiên và công nghệ đã có tới 339.000 chỗ trống không được “lấp đầy“. Ngoài ra, theo Văn phòng Lao động Đức, nước này đang thiếu khoảng 1,2 triệu lao động trong các lĩnh vực như lái xe tải, làm mộc và điều dưỡng.
Kim Nai (Theo AFP)
Nguồn: congluan.vn