TBVĐ- Thủ tướng Merkel sẽ phải bận rộn với một nước Đức giận dữ hơn là tập trung vào níu giữ một EU đang phân rã và suy thoái mạnh mẽ.
Bầu cử 2017 của nước Đức diễn ra trong bối cảnh quốc gia này không chỉ đang đương đầu với những “cuộc chiến” của riêng mình, mà còn với sự suy thoái của khối “siêu quốc gia” – liên minh châu Âu (EU), vốn (từng) là niềm tự hào của châu lục. Bên ngoài, sự nắm quyền của tân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như xu hướng “dân tộc ích kỷ” lên ngôi, ngay cả tại châu Âu, đang đẩy tham vọng “một quốc gia châu Âu thống nhất” vào vùng viễn tưởng.
Suy thoái sau một thập kỷ
Sự ra đời của Hiệp ước về Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Hiệp ước Maastricht) vào năm 1991, chính thức có hiệu lực vào 1993, và sau đó là sự xuất hiện của đồng tiền chung Euro năm 1998 đã đưa tên tuổi cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl vào danh sách một trong những “công thần” lạc quan về các giá trị châu Âu. Từng trãi qua thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, thấm thía sự chia rẽ đang ăn mòn những giá trị của người Đức trong suốt thời gian chiến tranh lạnh, Helmut Kohl là người có công lớn trong việc phá bỏ bức tường Berlin, thống nhất nước Đức.
Helmut Kohl còn là “linh hồn” của EU khi ông cùng với Tổng thống Pháp François Mitterrand đã hàn gắn mối quan hệ giữa nước Đức, Ý và các cựu thù như Pháp, và thậm chí là Mỹ. Cho đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xuất phát từ Mỹ, EU dẫu không khi nào mất hẳn những chỉ trích về hệ thống quản lý cồng kềnh và hệ thống tài chính, tiền tệ tiềm ẩn những rủi ro, nhưng vẫn là một biểu tượng của những nhà tự do, những người tin vào học thuyết quốc gia có thể từ bỏ một phần lợi ích của mình để hình thành một tập thể “siêu quốc gia” thống nhất, mang về những giá trị khổng lồ từ sức mạnh, sự hợp tác và vị thế. Trên thực tế, vị thế của EU về kinh tế, an ninh-chính trị trên thế giới là rất lớn và không cần phải bàn cãi.
Hai năm sau khi đồng Euro ra đời, nợ công của cả khối không phải là vấn đề lo ngại. Tuy nhiên, chỉ tròn một thập kỷ sau khi “bản sắc châu Âu” được khắc họa bằng một “cú hích” đầy tranh cãi đó, những yếu kém về mặt thể chế và vận hành của cỗ máy EU bắt đầu lộ diện và kéo theo hàng loạt hệ lụy. Cái mà EU tự hào – sự thống nhất, hợp tác, chia sẻ lợi ích chung, vị thế trên trường quốc tế – bị tấn công dồn dập bằng cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài từ năm 2008, như một đại dịch lây lan với tốc độ chóng mặt. “Con bệnh” đầu tiên suy sụp đến mức vỡ nợ là Hi Lạp năm 2010, kéo theo tâm lý sợ hãi của hàng loạt các nước khác. Ashoka Mody, giáo sư thỉnh giảng môn Chính sách kinh tế quốc tế tại Trường Woodrow Wilson về Quan hệ công chúng và quốc tế (thuộc ĐH Princeton) trên trang Project Syndicate nhấn mạnh sự nguy hiểm nhất mà EU đang đối diện chính là cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng Ý, điều mà vị này gọi là “đường đứt gãy của châu Âu”.
Dù được xem là “người phù hợp nhất vì không có ai thay thế tốt hơn” cho vị trí thủ tướng Đức, nhưng rõ ràng việc tập trung vào lợi ích nước Đức mới là quan trọng nhất đối với bà Merkel nếu như muốn thắng cử.
Thiếu vắng lãnh đạo
Nếu như cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl với các ý tưởng về sự thống nhất và những giá trị mà ông mang lại cho nước Đức và châu Âu từ hơn hai thập kỷ trước đây đã mang lại chiến thắng vang dội cho đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) ở Đức, và định hình vị trí lãnh đạo của Đức ở EU, thúc đẩy hình thành các thể chế nội khối, thì hiện tại EU dường như thiếu vắng một “linh hồn” như vậy. Thực tế là sau thời Kohl, người kế nhiệm là cựu thủ tướng Gerhard Schröder đã không còn theo xu hướng bảo vệ lợi ích EU nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại.
Đến thời thủ tướng Angela Merkel, dù không có dụng ý hay chủ động đảm nhiệm vai trò lèo lái một EU thống nhất như thời Helmut Kohl, nhưng đúng như Ashoka Mody nhận định: “Bà Merkel vẫn đảm nhiệm vai trò là Thủ tướng trên thực tế của châu Âu, đơn giản bởi vì không có sự lựa chọn nào khác”. Có thể thấy các chính sách của bà Merkel nhắm vào mục tiêu đưa nước Đức thoát khỏi sự hỗn loạn của EU trong cuộc khủng hoảng kinh tế; hạn chế can dự vào các mối quan hệ đối đầu lân cận như giữa Mỹ và Nga hay cả xung đột tại Ukraine. Sự thành công của nước Đức, mà biểu hiện rõ nhất là sự phục hồi và ổn định của nền kinh tế, chính trị, an ninh quốc gia khi các quốc gia xung quanh, đặc biệt là Pháp, Ý đều chịu tổn thương nặng, đã đẩy bà Merkel vào vai trò then chốt trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo EU. Đỉnh điểm là sự kiện Brexit 2016, khi Anh tháo chạy khỏi khối EU, càng định hình bà Merkel như một “Thủ tướng bấc đắc dĩ của EU”.
Thông qua sự can dự ở mức không làm người dân Đức nổi giận, bà Merkel có công trong việc làm dịu tình hình nợ công Hi Lạp, đề xuất các chính sách xây dựng một EU mới khi đồng ý cho nước Anh hay bất kỳ quốc gia nào muốn rời bỏ hay nghi ngờ các giá trị của EU hiện nay. Tuy nhiên chính bà Merkel đang vướng vào những cuộc chiến khác. Chính sách mở cửa với người tị nạn năm 2015 đã đẩy bà Merkel vào tình thế đối đầu sự giận dữ của dân chúng nước Đức và cả dân chúng EU. Hàng triệu người tị nạn vào châu Âu nói chung và Đức nói riêng mang dấu ấn của cá nhân bà Merkel hơn là một sự đồng thuận chính trị rộng rãi của EU. Dù Đức đã cắt 75% người tị nạn so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2015, thúc đẩy việc trục xuất người tị nạn bất hợp pháp ra khỏi nước Đức, ra “tối hậu thư” cho người tị nạn đã đến Đức rằng “không phải cứ vào nước Đức thì sẽ được ở lại nước Đức”,… để xoa dịu phe dân tộc chủ nghĩa, nhưng tất cả những thất bại gần đây của CDU, nhường chỗ cho thắng lợi của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) và đặc biệt là đảng Sự lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD), cho thấy uy tín của bà Merkel suy giảm mạnh.
Một EU bất định sau bầu cử 2017
Ba vấn đề then chốt của Đức hiện nay là kinh tế, di dân, an ninh. Dù được xem là “người phù hợp nhất vì không có ai thay thế tốt hơn” cho vị trí thủ tướng Đức, nhưng rõ ràng việc tập trung vào lợi ích nước Đức mới là quan trọng nhất đối với bà Merkel nếu như muốn thắng cử. Chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trước Hillary Clinton ở Mỹ, hay của tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines cho thấy “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” và các nhà chính trị dân túy thật sự nguy hiểm. Đó có thể là lý do bà Merkel, dù vẫn cam kết tuân thủ thực hiện Công ước Geneva về người tị nạn, nhưng vẫn thận trọng nhượng bộ trong việc siết chặt hơn chính sách nhập cư gần đây.
Bà Merkel cũng tiến hành những nỗ lực nhằm san sẻ trách nhiệm về gìn giữ EU. Tuy nhiên, không có dấu hiệu lạc quan cho bà Merkel: sự tháo chạy của Anh qua sự kiện Brexit; sự suy yếu của Ý với sự kiện cựu thủ tướng Matteo Renzi đã từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu cải cách hiến pháp tháng 12-2016; sự thiếu mặn mà với EU của nhiều thành viên, điển hình là Ba Lan; cuộc bầu cử Pháp chưa thể lường trước khi đa phần các ứng viên nổi bật đều khác Merkel, trong đó phải kể đến “ngôi sao đang lên” là Lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen, được xem là một “phiên bản” của tổng thống Donald Trump với đường lối chủ nghĩa dân tộc.
Dù bà Merkel hay ai trong số những gương mặt trong danh sách bầu cử 2017 trở thành tân thủ tướng Đức, dường như tương lai EU đều sẽ bất định. Trong bối cảnh trách nhiệm giải quyết các vấn đề then chốt của quốc gia mà Đức đối mặt rất nặng nề, vắng bóng của chính quyền Mỹ do Trump lãnh đạo tại EU như một động lực truyền thống, xu hướng gia tăng sự chống đối đồng euro hay chí ít là làm lơ trước những gánh nặng đảm bảo bản sắc EU của các nước thành viên,… việc đảm bảo sức mạnh đồng euro, giữ Hi Lạp ở lại, hay ngăn chặn Brexit phiên bản Pháp, Hà Lan, Thụy Điển,… đang dần trở nên bất khả thi với một EU đang trông chờ vào một lãnh đạo đủ mạnh.
Đỗ Thiện*
* Đỗ Thiện là Nghiên cứu viên cộng tác Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
(Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 04.2017)