Không chỉ Nga và Trung Quốc, Liên minh châu Âu còn phải đối trọng với Mỹ, Nhật Bản và châu Phi.
Hãng tin Reuters đưa tin hôm 11-4, Hội đồng châu Âu đồng ý hoãn việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đến 31-10-2019. Anh một lần nữa lủng củng với thỏa thuận Brexit. Đây là tình hình tạo thuận lợi cho hai “đối thủ” lớn của EU là Nga và Trung Quốc (TQ), hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra trong một cuộc phỏng vấn ở Romania.
Trung Quốc, Nga có lợi
Theo ông Hoekstra, Anh là một cường quốc quân sự nên khi Brexit xảy ra, EU sẽ có thể gặp khó khăn trong việc đối trọng với các cường quốc từ phương Đông như Nga và TQ.
Nga có thể hưởng lợi trong các dự án được cho rằng làm mất hòa khí giữa các nước thành viên EU, như dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nối từ Nga sang Đức. Vấn đề này luôn gây tranh cãi trong những hội nghị an ninh của khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel gạt bỏ những lo ngại của Mỹ về nguy cơ làm suy yếu vị trí chiến lược của châu Âu và đảm bảo Ukraine rằng vai trò trung chuyển sẽ luôn thuộc về họ.
Trong khi đó, Brexit xảy ra có thể làm suy yếu EU, điều mà TQ có khả năng lợi dụng để thúc đẩy các chiến lược kinh doanh của mình trong khu vực đồng euro này. Mới đây, TQ và Ý đã ký kết thành công một biên bản ghi nhớ về sáng kiến vành đai và con đường của Bắc Kinh. Chính quyền Rome sẽ bắt đầu mở cửa cho dòng vốn từ TQ chảy vào bốn cảng, bao gồm cảng lớn nhất của nước này nằm ở Genoa.
Tuy nhiên, TQ và Nga sẽ không thực sự trở thành ngư ông đắc lợi do đây là thị trường trọng yếu trong nhiều lĩnh vực của hai cường quốc phương Đông. Cả hai nước đều cần thị trường EU. Đối với các nước EU nói chung, giá trị thương mại với TQ được xếp thứ hai, ngay sau Mỹ. TQ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và cũng đã đưa ra nhiều chiến lược cho các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng của Hy Lạp, Hungary và Ý.
Đối với Nga, EU là thị trường tiềm năng cho các dự án năng lượng của mình, đặc biệt trong cuộc cạnh tranh với đối thủ là Mỹ. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án quan trọng, nhằm dẫn khí đốt qua hai ống với tổng công suất là 55 tỉ m3 khí mỗi năm. Dự án sẽ đi qua các vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của năm nước (Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức) và quá cảnh qua Ukraine, Belarus, Ba Lan, các quốc gia Đông Âu và Baltic khác.
Vì thế, Nga và TQ sẽ không hưởng quá nhiều lợi ích nếu EU tiếp tục loay hoay với các vấn đề liên quan đến Brexit.
EU đối mặt nhiều thách thức lớn
Trong những năm gần đây, EU đã chứng minh có đủ năng lực để vượt qua tình trạng khẩn cấp nợ chính phủ và khủng hoảng di cư mà không phá vỡ các nguyên tắc cốt lõi. Tình trạng lủng củng của Anh khi “ly dị” EU cũng làm nản lòng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ở một vài nước trong việc đẩy mạnh kế hoạch rời EU.
EU có rất nhiều điều để tự hào. Mang vị thế là một siêu cường pháp lý, EU ghi nhận GDP và thị trường tiêu thụ lớn nhì thế giới, cũng như có quyền kiểm soát to lớn đối với sự phân phối các nguồn tài nguyên toàn cầu. Rất ít tập đoàn khổng lồ có trụ sở tại châu Âu nhưng đa số người tiêu dùng của họ lại bắt nguồn từ châu lục này.
Tuy nhiên, đã xuất hiện sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa nhiều nước thành viên EU về các giá trị và sự ưu tiên. Bốn nước Ý, Ba Lan, Hungary và Áo, với các chính phủ dân túy đã trở thành thách thức không nhỏ cho chính quyền EU, đặc biệt trong các chính sách nhập cư. Bên cạnh đó, chính phủ Ba Lan và Hungary đã tạo ra nhiều mối bận tâm với các định nghĩa về luật EU, ví dụ về tự do ngôn luận và độc lập tư pháp.
Thử thách đầu tiên là bầu cử Nghị viện châu Âu. Cuộc bầu cử này sẽ có nhiều thay đổi khi phe cực hữu, dân túy trên khắp châu lục đang hợp tác xuyên quốc gia với kế hoạch chống EU. Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong tuyên bố tranh cử kêu gọi Đức rời khỏi EU, gọi là “Dexit”, nếu khối này không cải tổ. Trong khi đó, các lãnh đạo dân túy của Ý và Ba Lan bắt tay thành lập trục Ý-Ba Lan nhằm tạo đối trọng với trục Pháp-Đức đầy quyền lực ở châu Âu. Hay tại Pháp, phong trào biểu tình dân túy áo vàng làm chao đảo chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ Anh, Đức cho đến Hungary, Serbia và dĩ nhiên là của các đảng cực hữu.
Thử thách tiếp theo là EU phải tổ chức lại hệ thống liên minh và xây dựng mối quan hệ mới với Anh. Sự giao thiệp với các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản và dĩ nhiên Nga, TQ là những thách thức khác mà EU cũng không thể xem nhẹ.
Hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump với những chính sách hoài nghi châu Âu đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã đạt đến điểm thấp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai. Quá khứ u ám về Chiến tranh lạnh lờ mờ xuất hiện cũng khiến giới quan chức EU bận tâm.
Đặc biệt, EU có thể sẽ gặp áp lực từ Nga. Các quan chức châu Âu đã cảnh báo công khai rằng Nga sẽ cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 5, thông qua hỗ trợ những người theo chủ nghĩa dân túy sẵn sàng thách thức sự đồng thuận của châu Âu về các giá trị chính trị. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa TQ và Mỹ đã buộc nhiều quốc gia EU đứng về phía Washington để bảo vệ luật pháp và quyền lợi người tiêu dùng.
Thử thách lớn cuối cùng đến từ các nước châu Phi. Di cư đã được chứng minh là vấn đề gây chia rẽ nhất trong chính trị châu Âu. Cuộc khủng hoảng di cư 2015-2016 đã tạo ra các đảng chính trị dân túy mới, khôi phục những đảng cũ và thay đổi cán cân quyền lực ở hầu hết quốc gia thành viên EU. Vấn đề này sẽ trở nên quan trọng hơn khi ngày càng có nhiều thanh niên châu Âu tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở các châu lục khác.
Các quyết định của lãnh đạo EU liên quan đến Brexit Gia hạn Brexit “chỉ khi cần thiết” và không quá ngày 31-10-2019 để Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU. Anh phải tổ chức bầu cử vào Nghị viện châu Âu. Nếu không thực hiện được điều này, Anh phải rời EU vào ngày 1-6-2019. Hội đồng châu Âu nhấn mạnh sẽ không thương thuyết thêm về thỏa thuận Brexit. Bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 23-5. Hiện tại, Anh có 73 ghế trong tổng cộng 751 ghế tại Quốc hội Anh. Khi Anh rời EU, 27 ghế sẽ được chuyển đến các nước khác và 46 ghế được giữ lại trong trường hợp EU kết nạp thành viên mới. |
TS VICTOR JUC (*)
TS Victor Juc là viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp lý, chính trị và xã hội học Moldova.