Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 2/2 công bố số liệu cho hay lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1/2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, làm tăng sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này.
Cụ thể, lạm phát của Eurozone đã tăng 5,1% trong tháng 1/2022, lần đầu tiên kể từ khi Eurostat bắt đầu thu thập và công bố số liệu này vào năm 1997.
ECB, chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ của Eurozone, đã đề ra mục tiêu lạm phát trung hạn ở mức 2%.
Các chuyên gia kinh tế dự đoán ECB sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ, dự kiến diễn ra vào ngày 3/2, bất chấp những sức ép lạm phát. Họ cho rằng bất kỳ động thái tăng lãi suất nào cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự hồi phục kinh tế và tác động bất lợi tới các chính phủ và những doanh nghiệp đang đối mặt với các khoản nợ.
Theo công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), số liệu lạm phát tháng 1/2022 của Eurozone đã củng cố quan điểm của Capital Economics cho rằng ECB sẽ dự đoán lạm phát có thể đạt được mức mục tiêu 2% đề ra cho trung hạn. Ngoài ra, ECB cũng sẽ kết thúc hoạt động mua trái phiếu trong năm 2022 và chuẩn bị tăng lãi suất muộn nhất là vào đầu năm 2023.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde khẳng định sức ép lạm phát chỉ là “tạm thời” và sẽ sớm “hạ nhiệt” trong năm 2022. Bà Christine Lagarde cũng cho rằng sự hồi phục ngoài dự kiến của các nền kinh tế trong giai đoạn dịch COVID-19 đã khiến giá năng lượng tăng mạnh.