Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Giảm mức sử dụng năng lượng than đá để chống biến đổi khí hậu

Một mỏ than vùng Ruhr. Ảnh: Trung Hiếu

TBVĐ- Người Đức đang trong tiến trình chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu than đá vào năm 2038. Việc chuyển đổi dự kiến sẽ tốn tới 80 tỷ euro (91 tỷ USD) trong 20 năm, một nửa trong số đó sẽ được chuyển đến các nhà máy theo kế hoạch sẽ phải đóng cửa ở phía Tây và phía Đông của Đức, phần còn lại giúp ngăn giá điện tăng.

Theo kế hoạch, một số nhà máy sử dụng than non hoặc than nâu, gây ô nhiễm hơn than đen, sẽ đóng cửa vào năm 2022. Các nhà máy khác sẽ hoạt động đến năm 2030, khi đó chỉ có 17 gigawatt điện của Đức sẽ được cung cấp bởi than, so với 45 gigawatt hiện nay.

Nhà máy cuối cùng sẽ đóng cửa muộn nhất vào năm 2038 nhưng không loại trừ việc ngày này sẽ đến sớm hơn vào năm 2035 nếu điều kiện cho phép.

Các khu vực bị ảnh hưởng, nơi hàng chục ngàn việc làm liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản xuất năng lượng than nâu và than đen, sẽ nhận được 40 tỷ euro tiền bồi thường trong hai thập kỷ tới.

Hai tỷ euro cũng sẽ được chi mỗi năm trong cùng thời gian để hỗ trợ khách hàng đối mặt với giá điện tăng.

Mặc dù là nền kinh tế số một châu Âu, Đức vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, một phần là do quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong việc loại bỏ việc thay thế bằng năng lượng hạt nhân vào năm 2022 khi chứng kiến thảm họa nổ nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Than đá chiếm hơn 30% trong nguồn nhiên liệu của Đức vào năm 2018, song song với các năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.

Chính phủ Đức thừa nhận năm 2017 đã bỏ lỡ mục tiêu năm 2020 cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với mức của năm 1990. Hiện tại, Chính phủ Đức hy vọng sẽ đạt được mức cắt giảm còn 32%.

Hoàng Phú