Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi. Mỗi giai đoạn lịch sử, hình ảnh Vua Hùng gắn liền với một sứ mệnh khác nhau. Từ những ngày đầu xây dựng giang sơn con rồng cháu tiên và khai sinh đất nước; đến những năm tháng kháng chiến trường kỳ, lấy việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ làm mục tiêu tiên quyết.
Trải qua hàng ngàn năm văn hiến, sau ách đô hộ của láng giềng phía bắc là Trung Quốc, và hàng loạt các cuộc tấn công của các cường quốc, từ Pháp, Nhật Bản đến Mỹ, câu chuyện các Vua Hùng “có công dựng nước” và thôi thúc con cháu bảo vệ đất nước vẫn được giữ gìn, truyền tụng như “hồn của dân tộc” – tinh thần đoàn kết và ý chí độc lập.
“Bọc trăm trứng” xưa đã trở thành quốc gia hơn 90 triệu sinh mệnh con người; không chỉ lên rừng xuống biển, mà còn băng qua bên kia đại dương, đến những vùng đất xa xôi để du dưỡng những giấc mơ riêng. Đã không còn là thời của súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy gộc, nhưng việc bảo vệ “hồn của dân tộc”, được gây dựng và nuôi dưỡng từ hàng ngàn năm qua, vẫn chưa bao giờ bị lu mờ.
Người Việt trong nước và khắp nơi trên thế giới vẫn lao động, cố gắng vượt qua những khó khăn để vươn vai hòa nhập với thế giới. Như nhiều quốc gia khác, những thách thức về môi trường, chính trị, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế về giáo dục và nhu cầu an ninh đang đặt ra cho Việt Nam những bài toán khó. Dẫu vậy, không thể phủ nhận những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam, về cả uy tín và vị thế trên trường quốc tế.
Giỗ tổ Hùng Vương thế kỷ 21 hàm ý nhắc nhở người Việt việc gìn giữ “hồn của dân tộc” không chỉ nhằm vào “cuộc chiến” bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, mà còn là cuộc chiến với chính chúng ta – với sự tuột hậu, lòng ích kỷ, sự đố kỵ và lòng tham của một bộ phận người Việt đang được mô tả hàng ngày trên báo chí truyền thông, và cả những câu chuyện xám xịt chưa được làm sáng tỏ, hoặc vô tình hay cố ý bị giấu nhẹm.
Hội nhập là một “trò chơi” mang lại những món hời đầy hấp dẫn làm thay đổi diện mạo của Việt Nam, nhưng trên hết đó là động lực và áp lực buộc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải thay đổi để cải thiện những chỉ số hướng tới sự tiến bộ và thịnh vượng: công bằng – minh bạch – hiệu quả trong các hoạt động đầu tư kinh doanh và đời sống xã hội.
Sẽ cần nhiều thời gian, nỗ lực, sự quyết tâm, đánh đổi, thậm chí là hi sinh để Việt Nam tiệm cận những chỉ tiêu đối với một quốc gia văn minh, tiến bộ, có bản sắc riêng trong bản màu thế giới. “Các vua hùng đã có công dựng nước”, thế hệ cha ông đã đổ máu để bảo vệ non sông, thì con cháu phải ra sức phát triển đất nước, tiếp tục gìn giữ “hồn của dân tộc”.
Thời báo Việt Đức