Vận chuyển bằng đường sắt
Theo điều tra của Europol, thuốc giả được nhiều nhóm tội phạm vận chuyển sau khi được sản xuất từ một số quốc gia ngoài châu Âu, trong đó có Trung Quốc. Do việc kết nối hệ thống đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu thuận tiện và có giá thành rẻ nên phần lớn lượng thuốc giả được vận chuyển trên tuyến đường này thay cho đường hàng không và đường biển. Bên cạnh đó, việc chuyển thuốc giả đến tay hệ thống phân phối đang ngày càng mở rộng thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến như nhà thuốc trên mạng và cả mạng xã hội.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả toàn cầu thu khoản lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD và trở thành một trong những ngành công nghiệp bất hợp pháp lớn nhất thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, một khoản đầu tư 1.000USD có thể giúp những kẻ bán thuốc giả thu về 500.000USD. Riêng khu vực châu Âu, ước tính, mỗi năm, vấn nạn thuốc giả làm ngành dược phẩm châu Âu thiệt hại khoảng 11,3 tỷ USD. Thuốc giả được phân thành hai loại chính: Thuốc không đạt chuẩn do lỗi sản xuất, bảo quản hoặc đã quá hạn sử dụng; thuốc được làm giả, có thể chứa các thành phần hoàn toàn khác so với thuốc thật hoặc thậm chí không có bất kỳ hoạt chất nào giúp chữa bệnh. Một số loại thuốc không đủ liều lượng có thể chỉ gây ảnh hưởng ở mức không có tác dụng với người bệnh. Tuy nhiên, có một số loại thuốc vì thiếu hoặc không chứa thành phần hoạt chất, có khả năng gây chết người bởi liều lượng không chính xác dẫn đến tình trạng kháng thuốc làm suy giảm khả năng chữa bệnh của các loại thuốc trong tương lai.
Khó phát hiện
Trong năm ngoái, các cơ quan thực thi pháp luật châu Âu đã thu giữ một lượng lớn thuốc tân dược buôn lậu trái phép trị giá hơn 165 triệu EUR (khoảng 185 triệu USD). Đây là kết quả của một chiến dịch kéo dài 7 tháng với sự tham gia các cơ quan thực thi pháp luật 16 nước châu Âu, cảnh sát đã tiến hành 435 vụ bắt giữ và thu giữ 1,8 tấn thuốc tân dược. Europol cho biết trong số các loại thuốc bị tịch thu có thuốc phiện (cũng dùng trong điều trị các bệnh tim mạch và ung thư) và các loại thuốc kích thích. Hơn một nửa số thuốc bị tịch thu là thuốc giả.
Việc phát hiện và tiêu hủy thuốc giả đang là thách thức không chỉ riêng tại châu Âu mà còn trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do đây là mạng lưới phức tạp, đan xen qua nhiều quốc gia và khó có thể theo dõi được những loại thuốc giả hoặc không đạt chuẩn đến từ đâu. Thậm chí, bằng mắt thường ngay cả những người có kiến thức về y dược đôi khi cũng khó phân biệt thuốc thật và thuốc giả bởi công nghệ làm nhái bao bì sản phẩm ngày càng tinh vi hơn.
Theo WHO, ước tính khoảng 30% quốc gia trên thế giới chưa có cơ quan quản lý dược phẩm có chức năng tương tự như Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA). Do vậy, sự phối hợp quốc tế giữa các quốc gia là điều cần thiết nhất hiện nay. Ngoài ra, khi nhập khẩu một loại thuốc nào đó, nhà chức trách nước sở tại cần kiểm tra hồ sơ, giấy tờ để xác minh tính hợp pháp của dược phẩm, cũng như tiến hành kiểm tra tại chỗ bao bì, thành phần và hình dạng của các loại thuốc, đồng thời tránh để bọn tội phạm sử dụng giấy tờ giả qua mặt cơ quan chức năng.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn