TBVĐ- Người Đức có một sức làm việc và nghị lực phi thường, có lẽ đó là gen di truyền từ tổ tiên người German để lại: muốn là làm, làm là phải đạt bằng được kết quả. Ngoài ra không thể không nói đến tính tiết kiệm của người Đức, vốn vô địch thế giới, tiết kiệm từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất.
Từ bé, trẻ con đã được học cách tiết kiệm, không chỉ trong gia đình mà cả trong nhà trường và ngoài xã hội. Vậy, chúng ta hãy xem họ khuyên tiết kiệm như thế nào.
Tiết kiệm nhiên liệu
Tiết kiệm nhiên liệu luôn được người Đức đặt lên hàng đầu.
Sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm; loại này không chỉ tiết kiệm được nhiên liệu mà còn có tuổi thọ lâu hơn bóng đèn tóc, đồng thời ánh sáng cũng dễ chịu hơn.
Các loại máy móc trong nhà như tivi, máy tính, máy giặt… được khuyên không nên để stand by (chế độ chờ) mà cần phải ngắt trực tiếp với nguồn. Tốt nhất nên lắp đặt các thiệt bị máy móc với một công tắc, khi không sử dụng nữa chỉ cần tắt công tắc chung. Nếu tất cả máy móc đều để chế độ Stand by, số tiền phải trả cho khoản năng lượng này, một năm có thể lên tới 75 Euro cho mỗi gia đình.
Khi nấu nướng cũng phải tìm cách tiết kiệm điện, ví như những thực phẩm lạnh đông nên để ra ngoài trước khi dùng lò vi sóng hoặc lò nướng để làm tan băng. Sau khi nấu mặt bếp còn nóng, dùng chính bếp đó để nấu các món sau, không phải bật nhiều bếp lên một lúc.
Nếu nhà có máy rửa bát họ dùng máy rửa bát thay cho rửa bằng tay, vì máy rửa bát tiêu tốn không nhiều năng lượng điện và nước bằng rửa trực tiếp bằng tay. Người Đức không tráng bát lại sau khi rửa vì nước rửa bát của họ không có hoá chất độc.
Không nên bật lò sưởi trong tất cả các phòng, riêng phòng ngủ thì dùng chăn dày hơn một chút vào mùa đông. Đặc biệt khi nhiệt độ trong phòng đã ấm thì không nên tắt lò sưởi, vì sau khi bật lại, lò sưởi phải làm việc để làm ấm toàn bộ căn phòng như vậy rất tốn năng lượng.
Tiết kiệm tiền
Có lẽ tiết kiệm tiền thì ai cũng cần phải tiết kiệm, không chỉ người Đức.
Có một quyển sổ ghi chép hàng ngày, những gì mình đã tiêu và cần tiêu để so sánh, rút ra trong một tháng mình cần bao nhiêu tiền cho chí phí cả gia đình, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền bảo hiểm.
Giữ lại tất cả các hoá đơn để cuối tháng còn tính toán xem tháng này tiêu những gì và chi hết bao nhiêu, tháng sau rút kinh nghiệm không mua những thứ không cần thiết.
Cập nhật các siêu thị và các cửa hàng thường có chương trình khuyến mại, giảm giá hoặc có siêu thị này rẻ hơn siêu thị khác, hoặc có thể mua online.
Lập kế hoạch thực đơn cho cả tuần, nên để ra một khoản tiền cố định dùng mua đồ ăn cho gia đình, quy định giới hạn tiêu dùng.
Nấu ăn tại nhà được ủng hộ, vừa tiết kiệm tiền vừa đảm bảo độ vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mỗi người Đức đều có một ống đựng tiền xu, những đồng xu nhỏ được cho vào đó, đến khi đầy mang ra ngân hàng, nhân viên ngân hàng đếm và đổi ra tiền chẵn, chuyển trực tiếp vào tài khoản.
Có nhiều cách để tiết kiệm, không chỉ trong một lúc mà phải tiết kiệm hàng ngày, từ những thứ nhỏ nhặt nhất cho đến thứ lớn nhất. Tiết kiệm không có nghĩa là thắt lưng buộc bụng hoặc quá khắt khe, keo kiệt, chất lượng cuộc sống bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu.
Hà Anh (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!