Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Những mánh khóe và cách phòng chống trộm ở Đức

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

TBVĐ- Những thứ hay bị trộm nhất hiện nay đứng  đầu danh sách là tiền mặt hay cả ví tiền. Ngoài tiền mặt, điện thoại smartphone hiện là món đồ hay bị ăn cắp nhất. Không chỉ điện thoại smartphone mà máy chụp hình cũng thường xuyên bị mất cắp.

Những mánh khoé thường gặp

  • Những tên móc túi thường xuất hiện theo nhóm và từng tên được phân chia công việc cụ thể. Một tên tìm cách trò chuyện làm nạn nhân phân tâm, tên thứ 2 trộm đồ và chuyển món đồ đó cho tên thứ 3, sau đó tên này trà trộn vào đám đông tẩu thoát. Để bắt chuyện với nạn nhân, kẻ trộm thường giả làm khách đi đường. Chẳng hạn, cầm bản đồ trên tay tìm đường và nhờ nạn nhân giúp đỡ. Trong khi nạn nhân đang chỉ đường, hắn ta cố tình đưa bản đồ lên cao, che túi xách nạn nhân để đồng bọn dễ dàng ăn trộm.
  • Cố tình làm bẩn quần áo nạn nhân và nhất định đòi giúp lau sạch chỗ bẩn. Khi đó, hắn khéo léo trộm đồ mà nạn nhân không hay biết.
  • Cố tình va vào nạn nhân và nhanh tay cuỗm luôn ví tiền. Đặc biệt vào mùa Đông, dưới những lớp áo dày, nạn nhân khó cảm nhận được khi ai đó móc túi. Nguy cơ dễ xảy ra mất trộm nhất là ở lối đi hẹp giữa các quầy hàng hay khi xếp  hàng.

Các cách phòng chống

  • Những vật dụng quan trọng nên được để sát người. Thích hợp nhất là sử dụng những chiếc áo khoác có túi bên trong, khóa lại được.
  • Chỉ nên mang đủ số tiền mặt cần thiết.
  • Luôn đeo phần miệng túi ở trước mặt để dễ quan sát.
  • Cảnh giác những người lạ mặt xung quanh. Ngoài ra, tuyệt đối không được để ví tiền hay điện thoại rời khỏi người do có thể bị trộm cuỗm nhanh như chớp.

Làm gì khi bị trộm

  • Hãy hô hoán mọi người giúp bắt trộm, khi hắn vẫn chưa chạy xa.
  • Nếu không may là nạn nhân của kẻ móc túi, hãy cố gắng ghi nhớ đặc điểm của hắn để dễ dàng tìm ra thủ phạm hơn. Sau đó, hãy gọi vào số điện thoại nóng cho cảnh sát 110, ngay cả khi tên trộm đã cao chạy xa bay từ lâu.
  • Khi bị mất trộm thẻ EC hay thẻ tín dụng, hãy thông báo chặn thẻ ngay lập tức, tránh kẻ gian sử dụng thẻ mua sắm phục vụ nhu cầu riêng. Ở Đức, có thể gọi tổng đài 116116 để chặn thẻ.
  • Nếu điện thoại di động hay smartphone bị mất, cũng nên báo ngay cho mạng điện thoại đã đăng kí, tránh phải trả hóa đơn những cuộc điện thoại mà tên trộm đã gọi.
  • Nếu có bảo hiểm chống trộm cướp, hãy liên lạc với hãng bảo hiểm thông báo về vụ trộm sớm để được đền bù kịp thời.

Bảo hiểm đền bù khi bị mất trộm

Về cơ bản, bảo hiểm nhà Hausratversicherung bảo hiểm luôn các vụ mất trộm, ngay cả khi bị trộm ngoài đường với điều kiện vụ trộm đó có liên quan đến bạo lực. Khi bị kẻ gian tấn công hay đe dọa, nạn nhân sẽ được bảo hiểm Hausratversicherung đền bù thiệt hại.

Bảo hiểm sẽ không đền bù khi nạn nhân bị trộm mà không hay biết, hoặc do bất cẩn. Ngay cả những vụ bị mất trộm do rơi vào bẫy của kẻ trộm cũng không được hãng bảo hiểm đền bù. Khi bị cướp, nên lập tức tìm nhân chứng, do ranh giới giữa trộm và cướp rất nhỏ. Nhiều khi chỉ một lời khai của nhân chứng có thể giúp nạn nhân nhận được bồi thường của bảo hiểm. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp bị cướp thật, đền bù của bảo hiểm cũng chỉ giới hạn. Đối với tiền mặt, mức giới hạn đền bù không cao. Tùy theo hợp đồng, mức tối đa là 1000 Euro. Do đó, không nên mang theo mình nhiều tiền mặt khi ra ngoài.

Thanh Mai (tổng hợp)

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!