TBVĐ- Hội đoàn lập ra là vì mục đích xây dựng một cộng đồng vững mạnh và phát triển.
Xa quê lăn lộn làm ăn sau bao nhiêu năm, với nhu cầu tình cảm và giao tiếp, người Việt dần có mong muốn được sinh hoạt chung mà tổ chức nên các hội đoàn, phù hợp với mong muốn của từng hội nhóm. Đặc biệt là hội người Việt, hội cựu chiến binh, hội sinh viên, hội văn hoá, nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc, múa, khiêu vũ, võ thuật. Các câu lạc bộ thể thao cũng rất phong phú, cứ môn nào có nhiều người chơi là có câu lạc bộ, rồi các hội đồng hương. Đồng hương tỉnh, đồng hương huyện và thậm chí là đồng hương xã. Ngoài các hội này lại có thêm các hội đoàn có hơi hướng chính trị hoặc có mục đích từ thiện cũng như các hội tâm linh và tôn giáo.
Hội có mặt khắp các thành phố có người Việt nam sinh sống, luật Đức chỉ cần bảy thành viên là có thể lập thành một hội, vì vậy ngày nay trên cả nước có thể có tới hàng mấy trăm hiệp hội và câu lạc bộ người Việt. Vậy hoạt động của các hội đoàn này ra sao?
Tính chất và hoạt động
Với hàng trăm hội đoàn và câu lạc bộ có mặt khắp nơi trên toàn nước Đức. Có những hiệp hội lớn đăng ký ở tòa án thì phần còn lại hầu hết đều hoạt động tự do. Có hai hình thức hội đoàn: một là đăng ký hoạt động với toà án các thủ tục pháp lý rất chặt chẽ, đặc biệt là tài chính và hai là hoạt động tự do.
Các hiệp hội này nếu biết tìm thì có thể nhận được một số tài chính để hoạt động hoặc là được miễn thuế nếu kinh doanh phục vụ cộng đồng. Tiền được cấp là dành cho mục đích hội nhập như: học tiếng Đức, hội thảo hay chuyên đề về sức khỏe, thuế má, luật lệ, văn hoá. Các hội thảo, chuyên đề mục đích là đưa kiến thức đến với người nhập cư, giúp họ hiểu hơn về nước Đức, nơi họ đang sống để từng bước nhận thức, hoà nhập vào văn hoá và đời sống sở tại. Số tiền được cấp ít hay nhiều, phụ thuộc từng bang, từng chuyên đề và quỹ hội nhập của bang đó ra sao, tiền sử dụng phải giải trình rất rõ ràng theo nguyên tắc tài chính hội đoàn ở Đức.
Hoàn toàn không phải giản đơn là lập hội xin tiền đút túi chia nhau như nhiều người đồn đoán. Thực tế vì phải theo luật và rất mất thời gian nên nhiều hội thành lập xong nhưng bỏ qua quyền lợi hữu ích này nhưng cũng chẳng trách được họ vì đây là việc “Tù và hàng tổng”, khác với các cơ quan chuyên trách về giúp đỡ người nước ngoài được hưởng lương.
Tài chính hội đoàn
Như đã nêu trên, hầu hết các hội đoàn nhỏ và câu lạc bộ khi sinh hoạt đều có một quỹ riêng, mục đích là dùng để chi lúc hiếu, hỉ hoặc động viên con cháu có thành tích học tập tốt. Ở các hội đoàn này vì thu chi không nhiều và cũng rõ ràng nên ít phức tạp. Tuy nhiên thoảng hoặc, có người cầm quỹ hội nhưng lại dùng cho mục đích riêng, khiến cho hội mất đoàn kết. Nhưng nổi cộm nhất phải kể đến các hội đoàn hay hiệp hội đăng ký hoạt động ở toà án. Mục đích thu chi do không hiểu biết hết hoặc tự quyền nên gây ra rất nhiều rắc rối. Còn lại thì do không nắm được luật và việc chi thu thiếu rõ ràng và hợp lý. Nhiều hội làm sai nguyên tắc tài chính phải đưa nhau ra toà. Những người chịu trách nhiệm pháp nhân của hiệp hội phải tự bỏ tiền túi ra đền thì trong đó lại có thành viên biển thủ.
Ngoài ra, ví dụ hội thành lập trước và sau trên cùng một địa bàn. Tuy cùng có hội viên từng hoạt động trong hội cũ hay kể cả người trong Ban chấp hành cũ, nhưng vẫn là hai hội độc lập nếu hội được đăng ký hoạt động ở toà án, hội không hoặc có thì cũng độc lập không liên quan với nhau. Vì độc lập nên tài chính của hội trước không thể trao lại cho hội sau như nhiều người nghĩ. Khi hội trước không còn hoạt động thì phải làm thủ tục giải thể, tài chính cũng được giải quyết nốt vì quyền lợi của thành viên hội cũ, hội mới và hội cũ không có liên hệ gì đến nhau. Nhiều người không hiểu, phát tán những tin tức thiếu chính xác và gây nên mất đoàn kết trong cộng đồng khiến cho mục đích, ý nghĩa của hoạt động hội đoàn mang một màu sắc u ám, ngược lại với mong muốn đầy tính nhân văn lúc ban đầu.
Vì cộng đồng chung
Hội đoàn lập ra là vì mục đích xây dựng một cộng đồng vững mạnh và phát triển. Giúp đỡ nhau lúc khó khăn, chia vui, sẻ buồn, động viên nhau trong cuộc sống nơi đất khách quê người cũng như cố gắng gìn giữ, bảo tồn nền văn hoá Việt và phát triển phù hợp với quê hương thứ hai. Thường thì những người hội trưởng, Ban chấp hành đều có uy tín cùng lòng nhiệt huyết. Nhưng đôi khi cũng có những người không vì mục đích chung mà gây mất đoàn kết sau khi được nắm giữ trọng trách này. “Con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng cũng làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Hội đoàn hay mọi sự việc tự nhiên, có thành có hoại. Nhưng dù sao cũng không thể phủ nhận được mặt tích cực của các sinh hoạt hội đoàn, nó là sợi dây gắn kết cộng đồng rất bổ ích. Vì vậy cần những tấm lòng trong sáng nắm trọng trách thì cũng cần những hội viên trách nhiệm cao hơn “Đông tay vỗ nên kêu” để cộng đồng sinh hoạt hiệu quả hơn, làm chỗ dựa tinh thần cho mỗi người con Việt xa quê.
Thiên Lý