Đi chợ sớm, lạc trong phố cổ, hay thưởng thức cà phê trứng là những điều có trong danh sách “nhất định phải làm” tại Hà Nội của khách Tây.
Đi chợ
Không phải chợ Đồng Xuân, chợ hoa Quảng Bá và chợ đầu mối Long Biên mới là hai địa chỉ khách Tây rỉ tai nhau phải ghé thăm một lần nếu có dịp đến thủ đô. Chợ chủ yếu buôn hoa và trái cây, nhưng “yêu sách” du khách phải thức khuya, dậy sớm mới thấy được hết cái không khí náo nhiệt, sầm uất của một Hà Nội rất khác khi màn đêm buông xuống.
Nằm ngay dưới chân cầu Long Biên, chợ đầu mối Long Biên quanh năm nhộn nhịp với các mặt hàng thủy sản, thức ăn cho gia súc, gia cầm, rau củ… nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến khu chợ trời bán buôn hoa quả. Từ 20h chợ bắt đầu rục rịch, càng về đêm càng nhộn nhịp.
Chợ hoa Quảng Bá mở suốt đêm nhưng đông vui nhất là vào khoảng 3- 4h sáng, người mua kẻ bán tấp nập. Những bó hoa lớn nhỏ chất trên xe nườm nượp ra vào. Ánh đèn đường trên cao rọi xuống lung linh huyền ảo, lan tỏa quanh hàng vạn khóm hoa sắc màu, khung cảnh ấy khiến không ít người phải xiêu lòng. Có những người không phải tiểu thương, cũng thức trắng đêm lang thang trong khu chợ ấy. Chẳng phải say người, cũng không mê hoa, họ nghiện cái không khí hiếm gặp lúc nửa đêm của mảnh đất Kinh kỳ lúc nào không hay.
Dạo hồ Gươm sáng sớm
Có ai đó từng nói rằng hồ Gươm là nơi tuyệt vời nhất để bắt đầu một ngày mới. Bất kể xuân hạ thu đông, dù nắng hay mưa, người Hà Nội vẫn giữ thói quen tập thể dục sáng sớm. Du khách có thể vừa tản bộ, vừa ngắm khung cảnh thiên nhiên lúc bình minh, tận hưởng bầu không khí trong lành khi đường sá còn chưa chật ních xe cộ, hoặc thử hòa mình vào những nhóm tập dưỡng sinh, aerobic, đá cầu…
Lạc trong phố cổ
Chris Anderson, phóng viên CNNGo, từng lạc bước khi đặt chân vào phố cổ Hà Nội. Anh cho rằng miêu tả về khu phố cổ kính nhất của Hà Nội thì thật phí lời.
“Chẳng cần dông dài về chuyện bạn phải đến đúng địa chỉ, cứ để đôi chân dẫn đường là cách dân phượt khám phá được nhiều nhất về những con phố đầy màu sắc hoài niệm của thủ đô. Không đích đến, không vạch sẵn cung đường, chỉ có rẽ phải, rẽ trái hoặc đi thẳng”, Chris gợi ý.
Phố này bán đầy đồ chơi, phố kia thấy toàn giày dép, quần áo, đồ cổ hay có khi là bia mộ, phụ tùng xe máy. Nếu đến đây vào giờ tan tầm, trải nghiệm càng thú vị. Lúc nào bạn cũng phải sẵn sàng né dòng người và xe bon bon trên đường.
Trên vỉa hè cũng xô bồ như giữa đường, người dân bày biện ghế nhựa ra buôn bán, xe máy đỗ dài, những chú chó nhỏ chạy nhong nhong, tiếng người cười nói rôm rả bên các sạp hàng.
Cứ thế 1.000 năm lịch sử của Hà Nội chảy qua những con phố như dòng khí huyết len lỏi trong từng tĩnh mạch, thổi vào cuộc sống hơi thở của cả quá khứ lẫn hiện tại.
Ghé “xóm đường tàu”
Không ít du khách phải bất ngờ nếu vô tình băng qua đường ray tàu hỏa chạy giữa một con phố nhỏ của Hà Nội. Người dân có thể bình thản buôn bán, trò chuyện hay đi lại trong khu phố vì đã biết rõ giờ giấc tàu chạy. Khi có chuông báo, họ lại thu dọn hàng quán rồi tản khỏi đường ray. Đoàn tàu đi qua, khoảng cách gần đến nỗi cảm giác như ai đó chỉ cần đứng từ cửa nhà với tay ra là chạm tàu.
“Điên rồ”, “độc nhất vô nhị” hay “chỉ có tại Việt Nam” là những gì du khách miêu tả về cảnh tượng hiếm gặp này.
Đến bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Một trong những điểm đến khách Tây không thể bỏ qua khi tới bất cứ thành phố nào chính là các bảo tàng, di tích lịch sử. Một trong những điểm khám phá văn hóa – lịch sử được du khách nước ngoài check-in nhiều nhất chính là bảo tàng Dân tộc học.
Bảo tàng Dân tộc học hiện lưu giữ và trưng bày 15.000 hiện vật, 42.000 phim tư liệu, tranh ảnh và hàng nghìn tài liệu khác về 54 dân tộc Việt Nam. Các hiện vật được phân loại và trưng bày theo từng nội dung khác nhau trong tòa nhà Trống Đồng, nơi du khách có thể tìm hiểu đời sống người dân tộc qua các vật dụng thường ngày của họ. Khu tham quan ngoài trời có 10 công trình kiến trúc dân gian độc đáo như nhà rông của người Bana, nhà sàn nửa đất của người Dao, nhà mồ tập thể của người Giarai…
Bên cạnh đó, du khách cũng tìm đến bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bảo tàng Hà Nội hay nhà tù Hỏa Lò, di tích Cột cờ Hà Nội… để tìm hiểu văn hóa, lịch sử của thành phố.
Nhâm nhi cà phê trứng
“Khi không uống bia, người Hà Nội lại ngồi cà phê”, đó là điều nhiều du khách vẫn truyền tai nhau về người Hà thành.
Bên cạnh đen đá, nâu đá hay sữa chua cà phê, nhiều du khách ngạc nhiên khi biết đến cà phê trứng của người Hà Nội. Tách cà phê nhỏ đặt trong bát nước ấm sẽ mê hoặc du khách với hương vị khác lạ – không quá ngọt hay đắng, không tanh, vị béo ngậy của trứng đánh bông hòa quyện với từng giọt cà phê đậm đà.
Du khách nước ngoài tới Hà Nội thường tìm đến Giảng, Đinh, Lâm hay cà phê Phố Cổ… để tận hưởng chút dư vị Hà Nội xưa.
Hãy kéo một chiếc ghế ra hè phố, ngồi xuống và nhâm nhi từng ngụm cà phê theo phong cách Hà Nội. Đó thực sự là một cách tận hưởng cuộc sống tuyệt vời.
Nick – Goats on the Road.
Ngồi ăn quán cóc ven đường
Sẽ thật thiếu sót nếu du khách đến Hà Nội mà chưa thử cảm giác ngồi ghế nhựa vỉa hè và ăn thử một món ăn bất kỳ. Từ phở, bún, miến, bún chả, bánh cuốn… cho bữa sáng bữa trưa, tới những món quà vặt ban chiều như chè, nước mía, nem chua rán… hay cả tối lai rai bên nồi lẩu, mẹt nướng… du khách có thể tìm thấy đủ món ngon ven đường.
Dạo chơi trên cầu Long Biên
Cầu Long Biên được ví như chứng nhân lịch sử trải qua bao giai đoạn thăng trầm của Hà Nội. Cây cầu hơn trăm tuổi cũng chính là dấu ấn nối liền giữa hiện tại và ký ức xưa của những người dân yêu Hà Nội.
Cầu được xây dựng vào năm 1898, hiện vẫn hoạt động với 3 làn xe, riêng làn giữa dành cho tàu lửa qua lại. Khách Tây thường chia sẻ về trải nghiệm đi bộ hoặc đạp xe qua cầu Long Biên vào sáng sớm hoặc cuối ngày, không quên nhắc nhau mang theo máy ảnh để lưu giữ những hình ảnh đẹp về công trình cổ này.
Tham gia lễ hạ cờ ở lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nếu bỏ lỡ lễ kéo cờ buổi sáng bên lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách có thể yên tâm dạo chơi một vòng quanh thành phố và quay lại đây tham gia lễ hạ cờ lúc 9h tối hàng ngày. Không khí trang nghiêm bao trùm khắp quảng trường Ba Đình khi tiếng loa phát thanh vang lên báo lễ hạ cờ sắp diễn ra. Người người xếp hàng ngay ngắn, dõi theo đoàn cảnh vệ trang trọng hạ lá cờ Tổ Quốc trong tiếng nhạc bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
Dạo phố đêm
Khi cả thành phố say ngủ, đường phố Hà Nội bỗng khoác lên mình một vẻ trầm mặc, đối lập với vẻ náo nhiệt trong ngày. Những cánh cửa im lìm, hàng quán tắt đèn đóng cửa, xe cộ thưa vắng… sẽ để lại một ấn tượng rất khác trong lòng người lữ khách.
Theo VnExpress.net