Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Dạy con ở Đức: Cha/mẹ làm gì khi con bị điểm kém?

Ảnh minh họa: pixabay.com

Không ít gia đình cả người Việt và người Đức đều nảy sinh xung đột khi con cái mang về bảng điểm không thoả mãn mong muốn của cha mẹ, dẫn đến những phản ứng thái quá.

Ngày nay, khi nhu cầu cuộc sống cao hơn, điều kiện vật chất đầy đủ hơn, thì các bậc cha mẹ cũng ra sức đầu tư cho con cái, với mong muốn chúng trở thành những đứa trẻ xuất sắc toàn diện. Trong nhiều gia đình của cả người Việt và Đức, cha mẹ đặt kỳ vọng lớn lao vào con, thậm chí không bắt trẻ phải động tay động chân làm việc gì, lý do là để trẻ „chuyên tâm học hành“, buộc trẻ phải học thật giỏi.

Cha mẹ phải học cách bình tĩnh

Khi chẳng may học không tốt, cuối năm bị điểm kém mang về nhà, nhiều trẻ rất căng thẳng, phát sinh nói dối, thậm chí đau khổ, buồn bã vì cảm thấy đã làm cha mẹ mình thất vọng. Chúng lo sợ sẽ bị phạt, sợ cha mẹ mắng chửi, hoặc có khi mang điểm kém của chúng ra bêu riếu, chê bai, đay nghiến. Bắt kịp tình trạng này, Hội nghị quốc gia về tư vấn giáo dục tại Đức đã mở đường dây nóng miễn phí qua số: 0800 – 110333, nhằm giúp đỡ và khuyên giải các em học sinh cũng như các bậc cha mẹ, tránh xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo rằng, để con cái được phát triển một cách cân bằng và có một tuổi thơ thảnh thơi, hứng thú học hỏi mọi điều xung quanh, người làm cha mẹ trước hết cần học cách bình tĩnh. Cha mẹ nên hiểu, chính bản thân con mình cũng không hề muốn bị điểm kém. Vì vậy, họ nên cùng nhau tìm nguyên nhân và cách khắc phục, ví dụ như: Vì sao con không hiểu bài? Con còn thiếu động lực, thiếu quyết tâm? Con có cố gắng nhiều, nhưng không đủ? Con có thể làm gì để cải thiện tình trạng này? Cha mẹ có thể giúp gì cho con?

Yếu tố đầu tiên dẫn đến bị điểm kém thường là không hiểu bài – đa số do mải chơi từ trước dẫn đến mất tập trung, lười học, không có hứng thú với bộ môn đó, hậu quả là thiếu kiến thức cơ bản. Nhiều trẻ mắc chứng rối loạn học tập, không thể tự học được. Ngoài ra còn có các nguyên nhân tác động từ bên ngoài như môi trường sống không lành mạnh, gia đình gặp chuyện buồn, cha mẹ ly thân hoặc có người thân qua đời. Chuyển trường cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến mức học sa sút. Có lẽ con cần thêm thời gian để làm quen và thích nghi với môi trường mới.

Quan trọng nhất trong lúc này là trẻ rất cần sự quan tâm và khích lệ, động viên của cha mẹ. Một mặt nên nhẹ nhàng, mềm dẻo. Mặt khác không nên coi nhẹ việc con bị điểm kém, mà nên cùng con tìm hướng giải quyết. Bởi nếu trẻ luôn bị điểm kém trong khoảng thời gian dài, con sẽ trở nên tự ti, nghi ngờ khả năng của chính mình và sợ thất bại, thậm chí không thích đi học nữa.

Cùng con tìm cách giải quyết

Cha mẹ và con cái có thể cùng nhau tìm hướng giải quyết. Nhưng nếu chỉ lên kế hoạch suông với nhiều ý định xa vời, không thực tế, hoặc không kiểm soát được, dù hay ho đến đâu cũng không hữu dụng. Vậy nên cùng nhau thống nhất cụ thể về những thay đổi vào năm học mới, như đặt ra một giờ học nhất định hoặc kiểm tra lại bài tập vào mỗi buổi tối. Cha mẹ có thể thu xếp thời gian cùng ngồi học và làm bài tập về nhà với con, nếu cần thiết nên cho con đi học thêm trong một khoảng thời gian nhất định. Đến gặp và nói chuyện với thầy cô chủ nhiệm cũng như giáo viên của các bộ môn cũng sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về sức học của con mình.

Tuy nhiên, về lâu dài, cha mẹ không nên ép con cái phải thực hiện những thành tích mà ngày xưa họ không có cơ hội đạt được. Như vậy chỉ khiến trẻ vừa phải nuôi dưỡng ước mơ của chính bản thân mình, lại vừa phải gánh trọng trách này. Mỗi đứa trẻ có một khả năng tư duy khác nhau, điều quan trọng là cha mẹ cần tạo môi trường để trẻ phát triển đúng khả năng của mình. Ví dụ, họ có thể cùng con cái phân tích các mặt mạnh, mặt yếu để đặt ra những mục tiêu phấn đấu mới và có cách hướng dẫn, khuyến khích chúng, làm sao cho con cái luôn tự tin và nhận thấy sự ủng hộ của cha mẹ từ phía sau.

Nếu con cái học quá kém, thành tích luôn thấp trong một thời gian dài, thậm chí bị đúp, phải học lại, hoặc nếu hai bên không thể giải quyết được các mâu thuẫn, khó tránh xung đột, cũng nên tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý. Trong nhiều trường hợp, những “người ngoài cuộc” sẽ có cách nhìn khách quan hơn, nhiều kinh nghiệm hơn. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, thầy cô giáo cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc học hành của con cái. Các chuyên gia khuyến cáo, nên tổ chức những buổi trò chuyện chung giữa cha mẹ và thầy cô – nhưng cần có sự tham gia của con cái, bởi chúng mới chính là người cần hiểu và thay đổi, chứ không phải ai khác.

Điểm kém cần khắc phục, học yếu cần cố gắng, nhưng cha mẹ cũng không nên quá chú tâm vào những mặt yếu kém của con cái mình mà quên đi mặt mạnh, mặt tốt của chúng. Nên khen ngợi, tặng thưởng cho con khi chúng đạt điểm tốt, dù nhiều hay ít, cũng biểu hiện được sự khích lệ và quan tâm của cha mẹ. Khao khát con cái học giỏi và thành đạt của các bậc cha mẹ là chính đáng, tuy nhiên, ngoài việc học, trẻ còn cần có thời gian để vui chơi và phát triển nhân cách. Hãy giúp trẻ cân bằng giữa học và chơi, dạy con có ý thức tham gia lao động, sống chan hòa, cởi mở với mọi người xung quanh.

Trẻ có thành công và hạnh phúc trong tương lai hay không, phụ thuộc nhiều vào chỉ số cảm xúc ở trẻ hơn là chỉ số thông minh. Vì thế, tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và quan tâm của cha mẹ với con cái mới là quan trọng nhất, là những yếu tố mà người làm cha mẹ luôn phải trao ra thật nhiều.

Cẩm Chi