TBVĐ- Về cơ bản, tất cả mọi công dân có thu nhập thấp đều có tiêu chuẩn nhận phụ cấp tiền nhà (Wohngeld), nếu đáp ứng được những điều kiện pháp lý nhất định. Những điều kiện này được quy định cụ thể trong Bộ luật về Phụ cấp tiền nhà (Wohngeldgesetz) và Bộ luật Xã hội (SGB).
Một độc giả gửi đến Thời báo Việt Đức câu hỏi: „Vợ chồng tôi cùng hai con sống trong một căn hộ 90 m2 được 3 năm, hiện tại chồng tôi chỉ làm việc bán thời gian nên thu nhập của gia đình giảm. Tôi muốn biết làm cách nào tôi xin được tiền phụ cấp tiền nhà của thành phố?“
Thời báo Việt Đức xin trả lời bạn như sau. Mỗi địa phương hay thành phố đều có một trụ sở chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ cấp tiền nhà. Về nguyên tắc, mọi công dân có thu nhập thấp đều có quyền nhận được phụ cấp tiền nhà, nếu họ đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Cơ quan xét phụ cấp không có quyền từ chối.
Có hai loại phụ cấp nhà ở: một loại dành cho người thuê nhà, gọi là phụ cấp tiền thuê nhà (Mietzuschuss) và loại còn lại dành cho chủ sở hữu nhà gọi là Phụ cấp nợ (Lastenzuschuss). Tùy thuộc giấy phép cư trú, người nước ngòi cũng có tiêu chuẩn xin phụ cấp.
Những người có tiêu chuẩn xin Wohngeld
Tùy thuộc vào loại hình sử dụng, Wohngeld sẽ được cấp cho người thuê hay người mua nhà để ở. Cả hai trường hợp đều được quy định trong §3 WoGG. Mức trợ cấp được tính tùy từng trường hợp cụ thể.
Phụ cấp tiền thuê nhà (Mietzuschuss) dành cho người thuê nhà: Đối tượng được nhận trợ cấp là người thuê căn hộ hay một phòng (bao gồm cả người thuê lại); Người có quyền sử dụng giống người thuê, như thuê nhà vĩnh viễn hay thuê trong trường hợp khẩn cấp; Chủ sở hữu nhà với ít nhất hai căn hộ; Những người sống trong viện dưỡng lão.
Phụ cấp tiền mua nhà (Lastenzuschuss) dành cho chủ sở hữu nhà/ căn hộ: Những đối tượng sau sẽ có tiêu chuẩn nhận Lastenzuschuss: Chủ sở hữu nhà hay căn hộ; Chủ sở hữu một sơ sở nông nghiệp bán thời gian hay toàn thời gian.
Điều kiện tiên quyết để nhận được phụ cấp Lastenzuschuss là người đệ đơn phải sống tại đó và tự chi trả mọi chi phí. Ngoài ra còn tính đến cả những người thuần nông mà công việc kinh doanh và cuộc sống của họ không thể tách rời.
Những người đang nhận trợ cấp thất nghiệp loại I cũng có tiêu chuẩn xin Wohngeld, nếu tiền thất nghiệp quá thấp, không đủ đáp ứng mức sống tối thiểu. Nếu không chắc chắn có đáp ứng đủ tiêu chuẩn xin Wohngeld không, vẫn nên đệ đơn xin trợ cấp. Cơ quan phụ trách tiền Wohngeld có trách nhiệm kiểm tra, duyệt đơn và đưa ra quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Quyết định này dựa trên các tiêu chí: – tiền thuê nhà hay tiền vay tín dụng, chi phí mua nhà; – Mức thu nhập; – Số người cùng sống trong hộ gia đình. Sau khi nhận đơn, cơ quan quản lý Wohngeld sẽ xem xét và đưa ra mức trợ cấp. Khi có bất kì thay đổi nào, chẳng hạn chuyển nơi ở, một thành viên trong gia đình chuyển vào sống cùng hay dọn ra, thay đổi mức thu nhập…,người nhận trợ cấp đều phải thông báo ngay cho cơ quan phụ trách.
Những trường hợp không được xin trợ cấp
Những người đã nhận một trong các khoản trợ cấp sau sẽ không được xin Wohngeld: Trợ cấp thất nghiệp loại 2 (Harzt IV) và trợ cấp xã hội theo SGB II; Trợ cấp đảm bảo mức sống tối thiểu khi về già và khi mất khả năng lao động (SGB XII); Trợ cấp giúp trang trải cuộc sống (SGB XII); Trợ cấp theo điều § 22, khoản 7, SGB II (trợ cấp học nghề Berufsausbildungsbeihilfe và trợ cấp đào tạo Ausbildungsgeld); Tiền trợ cấp trong trường hợp bị chấn thương theo SGB VII; Trợ cấp bổ sung cho cuộc sống; Nhận trợ cấp trong các trường hợp đặc biệt và trợ cấp cơ bản theo Luật Tị nạn.
Trợ cấp dành cho học sinh, sinh viên, học sinh học nghề
Đối với học sinh, sinh viên, học viên sẽ áp dụng quy định đặc biệt khi xem xét trợ cấp nhà ở. Nhìn chung, áp dụng quy tắc cơ bản sau: Những học sinh, sinh viên và học viên đủ điều kiện nhận học bổng BAföG hoặc trợ cấp học nghề (BAB) không thể xin trợ cấp nhà ở.
Chỉ những đối tượng không xin được BaföG mới được xin tiền trợ cấp nhà ở. Trong một số trường hợp đặc biệt, học sinh, sinh viên và học viên có quyền lợi hợp pháp để được nhận trợ cấp nhà ở nếu họ sống chung với tư cách là người thuê nhà với các thành viên khác trong gia đình (với anh chị em ruột hoặc bố mẹ). Nếu những điều kiện này được đáp ứng thì họ có thể nộp đơn xin trợ cấp nhà.
Huyền Nguyễn