Ông Hendrik Neumann, Giám đốc kỹ thuật của Amprion – Nhà điều hành lưới điện hàng đầu của Đức, cho biết nước này có thể phải giảm lượng xuất khẩu điện sang các nước láng giềng trong mùa đông tới, bao gồm cả Pháp.
Theo tờ Financial Times, động thái trên là “biện pháp cuối cùng” của Đức nhằm đề phòng nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu điện trong nước. Tuy nhiên, ông Neumann cho biết kịch bản này chỉ xảy ra trong vài giờ, chứ không phải vài ngày.
“Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ rất căng thẳng trong mùa đông sắp tới”, ông Neumann nhận định và nói thêm nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Đức và rộng lớn hơn ở EU là do xung đột Ukraine và một phần do cuộc chiến trừng phạt Nga gây ra.
Ngoài ra, theo vị quan chức này, châu Âu cũng đang gặp một số “vấn đề chồng chéo” khác. Ông chỉ ra thực tế Pháp đã dừng hoạt động một số nhà máy điện hạt nhân và mực nước các sông xuống thấp, khiến việc vận chuyển than đá đến nhà máy nhiệt điện khó hơn. Ngoài ra, hầu hết các nhà máy điện gió đều nằm ở những khu vực xa xôi, khiến việc vận chuyển cho khách hàng trở thành thách thức. Ông nói tất cả những yếu tố này đang “đổ thêm dầu vào lửa” khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Đức là quốc gia xuất khẩu điện lớn trong nhiều năm. Năm ngoái, nước này đã bán được 17.400 gigawatt giờ (GWh) điện cho các nước EU khác so với lượng điện nhập khẩu. Trong đó, Pháp và Áo là những khách hàng lớn của Berlin. Theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu Fraunhofer ISE, Pháp đã nhập khẩu 6.000 GWh điện từ Đức từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, chiếm 5% tổng sản lượng điện của Đức trong giai đoạn đó. Con số này lớn gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu điện của Đức giảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung ở Pháp. Tháng trước, các báo cáo cho biết Pháp thậm chí có thể ngừng cung cấp điện cho Italy trong 2năm, do các vấn đề liên quan tới các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Pháp sau đó đã bác bỏ những tuyên bố này.
Chính phủ Pháp đã kêu gọi Tập đoàn điện lực EDF khởi động lại 32 lò phản ứng hạt nhân hiện đang ngừng hoạt động càng sớm càng tốt. Những nhà máy này đã ngừng hoạt động vào đầu năm nay để bảo trì. EDF gần đây cho biết sản lượng điện hạt nhân của công ty đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 30 năm do các nhà máy đã xuống cấp.
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông, khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao, do Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt. Phương Tây đã cáo buộc Moskva vũ khí hóa năng lượng, tuy nhiên Nga đã bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố việc cắt giảm nguồn cung khí đốt là do các lệnh trừng phạt cũng như trục trặc kỹ thuật trên đường ống.