Đặc biệt vào những ngày lễ hội, tết nhất, những người say rượu thường đánh liều với bảo hiểm tại nạn của mình. Chẳng hạn, một người từ lễ hội trên đường về chuyếnh choáng rượu bị ngã, thì cơ quan bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm tư nhân về mất sức lao động có thể sẽ từ chối bồi thường. Toà án phúc thẩm Berlin với án quyết số Az.: 6 W 12/03 đã xử thua 1 người bị bảo hiểm từ chối bồi thường, do họ rơi vào trường hợp trên, và kiện lại hãng bảo hiểm.
Người này khi đang say đã mở cửa sổ khách sạn, ngã lộn ra ngoài, bị thương tích nặng. Khi anh ta đòi hãng bảo hiểm tư nhân về tai nạn trả khoản tiền bảo hiểm, thì hãng này đã từ chối việc chi trả và viện ra điều kiện bảo hiểm đã cam kết. Điều kiện đó quy định, bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường khi tai nạn do ảnh hưởng của cồn gây ra. Cho dù, người bảo hiểm đã khai, tai nạn là do trượt ngã, nhưng đã không thuyết phục được các thẩm phán.
Cũng giống như thế, tình huống lặp lại ở một người đi bộ bị tai nạn với nồng độ cồn trong máu 1,8 phần nghìn. Anh này cũng đã đánh đu với quyền được bồi thường trong bảo hiểm tư nhân về tai nạn của mình. Khi có chứng cứ về rối loạn ý thức do rượu thì hãng bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường. Đó là phán quyết của Toà án phúc thẩm tiểu bang ở Hamm trong án quyết số Az.: 20 U 140/01, khi xử trường hợp người đàn ông say xỉn với nồng độ cồn trong máu 1,8 phần nghìn nói trên, kiện lại hãng bảo hiểm. Ông ta ngật ngưỡng đi trên đường trong dêm tối và bị xe đâm. Hãng bảo hiểm tai nạn đã cáo buộc người đàn ông này là vào thời điểm xảy ra tai nạn anh ta trong trạng thái rối loạn về ý thức và tinh thần, đó chính là lý do dẫn đến tai nạn. Trước toà, lẽ phải đã thuộc về hãng bảo hiểm: Các thẩm phán vạch rõ là, thông thường, người đi bộ mất khả năng định hướng giao thông ở mức, nồng độ cồn trong máu là hai phần nghìn. Trong vụ việc trên, tuy nồng độ cồn chỉ 1,8 phần nghìn, nhưng người bị nạn đã có những biểu lộ rõ nét của sự rối loạn đáng kể về khả năng tiếp thu và phản xạ dưới tác động của cồn. Người đàn ông này đã đi nghiêng ngả và va vào chiếc xe con đang đi tới. Bước đi như thế, với sự ước lượng không chuẩn xác về khoảng cách, là bằng chứng rõ rệt chứng tỏ tác dụng của cồn gây rối loạn ý thức điều khiển cơ thể.
Do vậy, điều quan trọng là khi ký hợp đồng bảo hiểm tai nạn, cần loại trừ điều kiện mất bảo hiểm khi uống rượu bia, ít nhất trong trường hợp đi bộ. Tạp chí “Optimal ver- sichert” (bảo hiểm tối ưu) đã soi xét kỹ các hợp đồng bảo hiểm đối với loại này, và chỉ ra rằng, các hãng bảo hiểm, ví dụ như Alte Leipziger và Gothaer cũng đảm bảo chi trả bảo hiểm cả khi bị tai nạn do uống rượu bia. Các hãng bảo hiểm khác thì hoặc từ chối hoàn toàn hoặc chỉ bảo hiểm khi lượng cồn dưới 1 giới hạn nào đó. Bất kể như thế nào chăng nữa, điều cần thiết để tránh bị mất bảo hiểm là phải nghiên cứu thật kỹ các điều kiện của bảo hiểm. Song ngay cả khi đưa được điều kiện bảo hiểm tai nạn kể cả dưới tác dụng của rượu bia vào hợp đồng bảo hiểm, thì cũng chẳng có ích gì đối với những người qúa say. Người nào trong cơn xay xỉn ngật ngưỡng đi ngoài đường và bị tai nạn chắc hẳn không thể nhờ cậy vào “phí bảo hiểm rượu bia”, trông chờ hãng bảo hiểm bồi thường tai nạn. Toà án phúc thẩm Köln với án quyết số Az.: 5 W 111/05 đã phán xử một trường hợp như vậy. Hãng bảo hiểm của người bộ hành đã không chịu chi trả khi người đó gặp nạn, vì người mua bảo hiểm lúc trượt ngã xuống vực có nồng độ cồn trong máu là 2,5 phần nghìn và bị thương nặng đến mức bị liệt hai chi dưới. Các thẩm phán đã đứng về phía hãng bảo hiểm, vì cho rằng những ai với nồng độ cồn trong máu 2,0 phần nghìn đều bị coi mất khả năng lái xe và cũng mất luôn khả năng đi bộ.
P.M (tổng hợp)