Stefano Marani và Nick Mitchell, hai nhà thăm dò khoáng sản Nam Phi, tìm thấy mỏ khí heli sạch và lớn nhất thế giới tại một vùng đất rộng lớn ở Nam Phi sau khi bỏ ra chỉ 1 USD.
Khí tự nhiên là món mà hai ông Marani và Mitchell nghĩ đến khi mua quyền sử dụng khí đốt trên mảnh đất rộng 87.000 hecta ở tỉnh Free State (Nam Phi) vào năm 2012 với giá rẻ như cho: 1 USD.
Tuy nhiên khi kiểm tra khí tự nhiên, họ lại phát hiện lượng khí heli cao bất thường trộn lẫn trong đó. “Đó là lúc chúng tôi biết mình có một điều gì đó đặc biệt”, ông Marani chia sẻ với Hãng tin AFP.
Công ty Renergen của cả hai ước tính trữ lượng khí heli tại khu đất trên có thể lên tới 9,74 tỉ mét khối, lớn hơn so với trữ lượng khí heli đã biết trên toàn nước Mỹ. Số khí này đủ để bơm căng 1,4 ngàn tỉ bóng bay dùng trong các bữa tiệc.
Ông Marani nhẩm tính số khí heli này có thể trị giá khoảng 100 tỉ USD. Một số ước tính khiêm tốn hơn cho rằng trữ lượng mỏ khí heli này chỉ khoảng 920 triệu mét khối.
Những thử nghiệm đầu tiên cho thấy nồng độ khí heli tại mỏ của Renergen chiếm 2-4%, cao hơn nhiều so với nồng độ 0,3% ở các địa điểm tại Mỹ. Các cuộc thăm dò sâu hơn đã phát hiện ra nồng độ khí heli tới 12%.
Với nhiều người, khí heli được biết như một loại khí sử dụng trong bóng bay hoặc làm biến đổi giọng nói để tạo ra những tràng cười thoải mái. Trên thực tế loại khí này còn đóng vai trò quan trọng trong các thiết bị y tế, chất siêu bán dẫn và công nghiệp vũ trụ.
Khí heli cũng rất hiếm vì chỉ có khoảng 10 quốc gia sản xuất nên nguồn cung heli thường xuyên bị gián đoạn.
Renergen dự định lắp đặt 19 giếng khoan vào đầu năm tới. Lượng khí khai thác hiện đang được sử dụng làm khí nén tự nhiên trong một dự án xe buýt thân thiện môi trường tại Nam Phi.
Renergen khẳng định một khi đi vào khai thác, Nam Phi sẽ xuất hiện trên bản đồ các nước có trữ lượng khí heli lớn và sạch nhất thế giới.
Nhu cầu và giá khí heli đã tăng hơn gấp đôi trong 30 năm qua, với thị trường khí heli toàn cầu ước tính rơi vào khoảng 10 tỉ USD năm 2019.
Khi việc sử dụng heli ngày càng nhiều, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung ổn định. Nga, Tanzania và Mỹ đều đang xem xét việc phát triển các nguồn khí heli mới, theo AFP.
Theo Bảo Duy / tuoitre.vn
Bài viết xem thêm: