Những năm sau này, cứ mỗi lần trở lại Đức không hiểu sao mình cứ có cảm giác rất lạ, lúc đầu nghĩ mãi không biết nên gọi cảm giác đó là gì. Nghĩ mãi rồi cũng ra. Đó là cảm giác mắc nợ, đúng ra là cảm giác mang ơn. Nghĩ cũng buồn cười, mang ơn ai không mang lại đi mang ơn lũ con nít Việt Nam trên xứ Đức này.
Có lẽ cũng chẳng ngoa chút nào khi nói những trẻ em Việt trên đất Đức đã góp phần không nhỏ trước hết là gột rửa hình ảnh xấu xí và méo mó, dị dạng, sau đó là xây dựng nên một hình ảnh đến giờ có thể nói là khá đẹp về người Việt trên đất Đức. Có lẽ không ít người Việt ở đây vào những năm 90 của thế kỉ trước đã có cảm giác hớn hở, mừng thầm khi ra đường được dân Đức tưởng nhầm là người nước khác, nước quái nào cũng được, miễn không phải là người Việt Nam. Chính mình cũng đã từng hãnh diện một cách dở hơi vì tạo hóa bắt sở hữu một vẻ mặt cùng thân hình khổng lồ không thuần Việt chút nào nên thường xuyên hân hạnh “được” dân Đức nhầm sang công dân của một nước Á Đông nào đó khác, ví dụ như Malaysia hay Philippin chẳng hạn. Không thấy nhục làm sao được khi suốt ngày con Rồng cháu Tiên bị chường mặt trên báo chí Đức với những chiến tích, nhẹ nhất là buôn lậu (có tổ chức), hoành tráng nhất là thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng, mức độ tàn ác và hãi hùng chắc chẳng thua kém gì lắm so với các băng đảng Mafia Ý. Nhớ nhất có lần sáng ra vừa bước chân lên tàu đến trường, đang còn ngái ngủ bỗng choàng tỉnh vì vô tình bị đập ngay vào mắt ảnh chụp to đoành mấy cái xác Việt nằm sõng xoài giữa vũng máu được đăng tải ngay trên đầu trang nhất của các báo mà không ít người Đức ngồi phía đối diện lăm lăm cầm trên tay. Ngượng quá bèn lượn luôn về nhà, gọi điện cho giáo báo ốm không đến trường được. Ánh mắt của giáo hay của mấy mợ phụ trách người nước ngoài của trường dạo ấy cũng nặng màu thương cảm. Đấy là những người tương đối gần gũi hơn cả. Ở phần Đông, cái tên “Fidschi” của một tộc người man rợ nào đó còn ở tình trạng “cách xa loài người đến mấy ngàn đời đổi thay tiến hóa” (mình cũng chịu không biết bộ tộc này đánh đu trên hòn đảo xa xôi nào trên bản đồ thế giới, he he…), được người dân Đức dùng để chỉ người Việt. Đến cả người Việt (không ít) còn tự gọi nhau là Fidschi, hi hi… Những ánh mắt, vẻ mặt vừa buồn tủi, nhếch nhác, nhẫn nhục, vừa mặc cảm, tự ti thường trực trên gương mặt người Việt ở phía Đông Đức thời đó còn ám ảnh mình đến tận bao nhiêu năm về sau.
Khoảng từ cuối những năm 90 của thế kỉ trước, chính sách của nước Đức đối với người nước ngoài cũng dần thân thiện và cởi mở hơn, bởi thế, cuộc mưu sinh của dân Việt trên đất Đức cũng dần đi vào ổn định, tệ nạn giảm dần. Và cái thứ định vị trên cổ, vốn được thiên hạ gọi là “đầu”, của dân Việt không còn chỉ cựa quậy, ngó ngoáy trên vai mà bắt đầu được ngẩng dần lên. Ánh mắt bắt đầu rạng rỡ và tự tin hơn.
Và cứ mỗi lần trở lại Đức, cái đầu cùng cái bản mặt mình cũng thấy dần ngẩng cao hơn lên (cũng một phần do nơi chốn mình đến và vị thế của mình cũng khác). Nghĩ đi nghĩ lại mãi chịu không biết tạo sao. Chỉ thấy ánh nhìn ngày càng thân thiện nhiều hơn trong con mắt người dân Đức. Để người ta không ghét mình chắc không khó, nhưng để họ quí mến, coi trọng mình xem ra không dễ chút nào. Sau khi đọc một loạt báo Đức, mà toàn loại báo nghiêm chỉnh hàng đầu của Đức liên tục đưa tin về thành tích chiến công của trẻ em Việt Nam trong các nhà trường Đức thì rốt cuộc mình chợt hiểu ra tại sao. Có đến 59% học sinh Việt theo học trường Gymnasium (*), cao hơn tỉ lệ học sinh nhập cư đến từ những nước được xem là phát triển thuộc EU, hơn gấp năm lần học sinh Ý và Thổ Nhĩ Kì. Cao hứng, mò vào google gõ “Die vietnamesischen Schueler in Deutschland” (học sinh Việt Nam ở Đức) sững người vì thấy có đến 116.000 kết quả, hi hi… Chịu khó dòm kĩ hơn tí nữa thì thấy lắm bài báo chạy tít giật gân không kém phần báo Việt, nào là “Những học sinh Đức xuất sắc nhất có nguồn gốc Việt Nam”, “Học sinh Việt Nam giàu ý chí”, rồi thì “Những học sinh Việt Nam ở Đông Đức bỏ xa các bạn học cùng lớp”, hay “Chỉ có giáo dục mới giúp thoát khỏi đồng ruộng”, …. Chẳng nhìn đâu xa, chỉ ngay con cái đám bè bạn thân hữu ngày xưa cũng đã khối đứa góp phần làm nở mặt dân Việt. Anh “cu Kiss” Hoàng Hà Thi ngày nào bé tẹo giờ đã kịp học xong bác sĩ chuyên khoa chuyên chữa các bệnh về não và đang làm tiến sĩ Y khoa. Cậu chàng này còn ẵm cả giải thưởng Humboldt dành cho sinh viên Y khoa mà đến sinh viên Đức cũng còn phải ao ước. Ngay đến con bé Bảo Châu mấy năm trước mình còn bế ẵm trên tay giờ cũng vì “mắc tội” học giỏi mà “bị” phóng viên đến tận nhà phỏng vấn và đẩy cả nhà nó lên trang nhất báo Die Welt hoành tráng của Đức, he he….
Nhớ lại lần thuyết trình cho học viên cao học của một trường ĐHTH ở Đức cách đây mấy năm, tình cờ lại đúng ngay sau dịp hàng loạt các báo Đức vừa đưa tin về thành tích chiến công của trẻ em Việt Nam, không ít học viên hỏi mình những nguyên nhân nào dẫn đến “hiện tượng” học sinh Việt Nam xuất sắc như vậy, cho dù phần đa là con em lao động xuất khẩu, không phải con em các bậc trí giả gì để mà được hưởng gien di truyền nổi trội hơn người. Mình trả lời nôm na đại loại mấy ý cơ bản như thế này. Thứ nhất, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, đặc biệt ở cái sự học, luôn cần cù chịu khó, nói nôm na là truyền thống hiếu học. Thứ hai, quan niệm của các bậc cha mẹ “cho con một bồ tiền không bằng cho con một bồ chữ”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, đầu tư vững chắc cho tương lai (trẻ cậy cha, già cậy con). Thứ ba, đối với người Việt thì “trẻ chọi nhau, già chọi con” (he he… đúng quá còn gì, dù có làm ông nọ bà kia mà con ngu dốt hư hỏng thì cũng úp mặt xuống bùn mà đi, ngược lại, có nghèo khó mấy mà con cái giỏi giang, thành đạt thì ai cũng trầm trồ xúyt xoa ngưỡng mộ, ngửa mặt cười khà khà với đời). Lũ trẻ con Việt phải gánh trên vai cái trọng trách “thực hiện giấc mơ cha”. Những gì cha/mẹ không/chưa làm được thì kì vọng con cái phải làm cho bằng được (và cha mẹ sẵn sàng hi sinh mọi thứ, từ tiền bạc cho đến tâm trí, để giúp con thực hiện giấc mơ …. của mình, ví dụ “cho dân Đức biết mình là ai”). Ở điểm thứ tư mình cao hứng nói văn vẻ như sau: nói đến ẩm thực Việt Nam người ta thường hay nhắc đến nem và phở, nói đến phở là phải nói phở Bắc, đặc biệt là phở Hà Nội với rau mùi và rau húng Láng làm gia vị. Hạt húng Láng gieo ở làng Láng thì ra cây húng Láng. Nhà tôi cách làng Láng chỉ có 2 cây số nhưng nếu hạt húng Láng mang về gieo trên đất nơi tôi ở sẽ ra húng bạc hà. Kết luận rút ra là cùng một hạt giống đó nhưng nảy mầm và phát triển thế nào còn phụ thuộc vào mảnh đất mà nó được gieo trồng. Đúng quá còn gì, nếu cậu bé mồ côi Philipp Rösler (đương kim Phó thủ tướng Đức) ngày ấy mà không được gia đình người Đức nhận về nuôi thì giờ này chắc đang mặt mũi xám xịt, cóc cáy và còng lưng chạy xe ôm hoặc đánh giày ở một xó xỉnh hẻo lánh nào đó trên xứ sở Tiên Rồng chứ làm gì có vị chính khách tầm cỡ (và rất bảnh bao) như bây giờ (nói cho vui thôi chứ Philipp Rösler bị xếp vào hàng chính trị gia rất kém cỏi, ai biết tiếng Đức thì chỉ cần gõ tên cha nội này rồi vào Youtube coi thì khắc biết, he he…). À quên, có thể có đấy, nếu tình cờ cậu ta được phát hiện là con rơi, con vãi của một đấng tối cao nào đó, he he….
Thế đấy, người Việt khi ra nước ngoài cũng nhọc nhằn cõng theo cả những cái hay cái dở của giáo dục Việt Nam. Hồn Việt nhiều khi cũng nằm cả ở đấy. Cái tâm lý ganh đua, học “vị” điểm số thì con gái mình cũng là một bằng chứng. Thấy con gái cứ hùng hục học để săn điểm tốt, mình khi gầm vang, khi thẽ thọt khuyên nhủ điểm số không nói lên gì nhiều đâu, quan trọng là mình học được những gì để sống và làm nghề cho tốt. Nó cứ điềm nhiên coi như không và nhẩn nha bảo “Mẹ hay nhỉ, mình là người nước ngoài, trước hết không khẳng định mình bằng điểm số thì bằng gì? Chẳng nhẽ ưỡn ngực nói với Tây là tao giỏi lắm à? Vậy bằng chứng đâu? Ít ra cũng phải có cái bảng điểm mà trình ra rồi có gì nữa mới nói sau chứ”. Ối giời, “cùn” thế thì mẹ đây chịu rồi, he he….
Chẳng khác gì phụ huynh ở Việt Nam, phụ huynh bên này lắm nhà cũng nháo nhào lo chuyện học thêm cho con, sợ con thua bạn kém bè, thua chị kém em. Nhà Việt Phương- Ngọc Anh chưa thể gọi là “lò luyện thi” như ở Việt Nam nhưng từ lâu đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho đông đảo gia đình người Việt ở Berlin. Vợ chồng nhà này là sản phẩm đích thực từ lò đúc “made in Germany”, có công ăn việc làm tốt và sống rất đàng hoàng. Chồng là kĩ sư chế tạo máy (sau đó học thêm bằng nữa về công nghệ thông tin), vợ kĩ sư Hóa. Cô này có cậu em trai là tiến sĩ Ngô Hà Dương, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Berlin, kiêm giám đốc The Microsensor & Actuator Technology Center của trường (không dám liều dịch cái trung tâm này ra tiếng Việt vì…không hiểu gì, hi hi…). Thêm nữa, cô con gái Bảo Châu giỏi giang lại chính là bằng chứng sống cho sản phẩm “made by Anh-Phuong”. Móc đâu ra địa chỉ nào uy tín hơn địa chỉ này nữa cơ chứ, tem dán nhãn bảo hành đóng khắp nơi thế còn gì, hi hi…. Bởi thế, nhà này bỗng thành địa chỉ tin cậy, “lò có tem”, cho bà con Việt ở Berlin cũng là điều dễ hiểu. Lúc đầu là vì nể bạn, nể bè, nể người thân quen nên nhận kèm giúp con em họ, sau là bị ép nên “lò” cũng phải nâng cấp để có thể hoạt động hết công suất. Hàng ngày, cứ sau giờ làm việc ở công ty, vợ chạy 1 “sô” tại gia, chồng 1 “sô” bên ngoài. Cuối tuần thì khỏi nói, ca kíp kín bưng từ sáng đến chiều tối. Vợ kèm các trò lớp bé, chồng kèm các trò lớp lớn, đặc biệt là đám học trò chuẩn bị làm Abitur. Abitur là kì thi tốt nghiệp phổ thông ở Đức để lấy điểm vào đại học. Thi Abitur ở Đức cực khó, nếu điểm không cao sẽ không được học ngành tốt và khó có cơ hội được vào học tại các trường đại học lớn của Berlin. Bởi thế, nhà nào nhà nấy lo thon thót nên hối hả lo cho con học thêm. Lò chạy hết công suất, đến cô bé Bảo Châu cũng lao vào cuộc, nhiệt tình tham gia giảng bài cho các em, hi hi…. Nhìn cảnh ấy mà ấm lòng, trào nước mắt. Nói là lò cho vui chứ “học phí” nhiều khi chỉ là vài đĩa bánh cuốn, khi là vài cốc chè, hi hi…. Với cô bé Bảo Châu thì đến lời khen dành cho mình cô bé còn ngượng ngùng không dám nhận, chỉ ỏn ẻn cười và bảo: có gì đâu “Báo Chầu” thấy vui mà (phát âm tiếng Việt hơi Tây tí, hic).
Mấy hôm trước, trong cuộc trò chuyện với bà giám đốc một dự án lớn (của Berlin) hỗ trợ học sinh nhập cư có mong muốn sau này trở thành giáo viên, mình có hỏi bà trong số học sinh nhập cư mà dự án bà hỗ trợ có nhiều học sinh Việt Nam không. Bà ta cười lớn và bảo “Câu hỏi rất hay nhưng câu trả lời còn thú vị hơn nhiều”. Và bà kể bà cũng đã hỏi lãnh đạo một số trường Gymnasium ở Đông Berlin (nơi có nhiều học sinh Việt Nam theo học) xem ở trường họ có học sinh nhập cư có nguyện vọng sau này trở thành giáo viên để dự án hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ thì được trả lời là không. Bà hỏi tiếp “vậy những học sinh Việt Nam của trường đâu, trường có học sinh Việt Nam chứ?”. Nói đến đây bà cười lớn và kể tiếp, lãnh đạo họ ngớ người ra một lát rồi bảo bà “trường có nhiều học sinh Việt Nam chứ, nhưng tại sao lại xếp những học sinh đó vào học sinh nhập cư? Chúng học rất giỏi, nói tiếng Đức perfect, chẳng có tí khó khăn gì trong học tập và hòa nhập, tại sao lại xếp chúng vào học sinh nhập cư?”. Sau đó, mợ này còn dí miệng vào tai mình nói khẽ “Quan trọng nhất là bọn chúng đủ thông minh để không chọn nghề giáo”. Hô hô… mình nghe thấy thế thì cười sằng sặc không phanh được.
Thay lời kết
Ở đời, nhất là trên xứ người, để người ta không ghét, không khinh mình không phải là khó, để người ta thân thiện, tử tế với mình cũng không khó lắm, nhưng để người ta trân trọng và đánh giá cao mình thì đó là việc không dễ chút nào. Đối với một cá nhân đã khó, đối với cả cộng đồng còn khó hơn gấp nhiều nhiều lần. Nhiều khi phải sau nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm mới làm được việc đó. Thế mà lũ trẻ con ấy đã góp phần làm được điều kì diệu đó. Tuy chưa hẳn là thật nhiều, nhưng cũng không phải là ít, phải không?
Tuy nhiên, tất cả vẫn đang còn ở phía trước, nhiều khi còn rất xa xôi.
Nhưng dù sao cũng muốn nói lời cám ơn lũ trẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa