Đây là ví dụ mới nhất trong bức tranh màu xám của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu, khi mà doanh thu và số lượng xe bán ra liên tục sụt giảm.
Nghiên cứu của Văn phòng tư vấn Mỹ chuyên về công nghệ xe hơi AlixPartners, đưa ra hồi tháng 6 vừa qua, dự báo trong cả năm nay toàn thế giới chỉ sản xuất được 90 triệu chiếc xe, thay vì 93 triệu như năm ngoái. Trong đó, thị trường Trung Quốc liên tục đổ dốc trong 15 tháng liên tiếp. Tháng 9 vừa qua, khối lượng xe bán ra ở nước này giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với thời điểm của tháng 9-2017, tỷ lệ sụt giảm là 17%. Tệ hơn nữa là hiệp hội các nhà phân phối xe hơi Trung Quốc không “trông thấy ánh sáng cuối đường hầm”.
Tại sao thị trường xe hơi Trung Quốc chững lại? Các chuyên gia cho rằng, trước tiên, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc khiến một số người thận trọng dời lại dự án mua xe. Thứ hai, Bắc Kinh đã siết lại các khoản trợ cấp khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện. Nhờ có khoản trợ cấp này, cuối năm 2018, thị trường Trung Quốc đã tiêu thụ 1,3 triệu chiếc. Nguồn tiêu thụ số 1 là Trung Quốc sa sút, trong khi thị trường Bắc Mỹ và châu Âu cũng bị “đóng băng”. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và chiến tranh thương mại với Mỹ – Trung Quốc. Ngoài ra, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn dọa đánh thuế nhập khẩu nhắm vào xe hơi của nhiều nước càng khiến các nhà sản xuất đứng ngồi không yên.
Lý do nữa khiến cơn ác mộng của các nhà sản xuất xe hơi nối dài, đó là xe hơi điện và khí thải CO2. AlixPartners giải thích, các phương tiện di chuyển đang bước vào một giai đoạn mới, thời kỳ mà xe hơi không còn là phương tiện được người tiêu dùng yêu thích nhất. Từ nạn tắc đường đến ô nhiễm không khí khiến một phần dân cư ở các thành phố lớn có cái nhìn kém thiện cảm với các loại xe 4 bánh. Chính vì muốn chinh phục lại thành phần này, các nhà sản xuất đang bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư vào cả một thế hệ xe hơi cho tương lai và tương lai đang thuộc về các kiểu xe điện. Theo AlixPartners, trong 5 năm tới, các nhà sản xuất sẽ phải đầu tư đến 230 tỷ USD để phát triển xe điện, 60 tỷ USD để phát triển xe không người lái. Vấn đề đặt ra là các hãng xe đã trông thấy các khoản tiền xuất ra vô cùng to lớn nhưng không hề biết là sẽ thu hồi lại được bao nhiêu.
Trong khi đó, châu Âu đang siết chặt tiêu chuẩn về lượng thải khí carbon. Có 2 vấn đề đặt ra cùng một lúc cho các hãng xe. Trong lúc xe chạy bằng dầu diesel đã bị chê là độc hại vì phát ra những hạt bụi siêu nhỏ không tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng quay lại với các kiểu xe chạy bằng xăng. Nhưng xe chạy bằng xăng hiện vẫn thải nhiều CO2. Bài toán càng thêm nan giải khi người tiêu dùng có khuynh hướng sắm các kiểu SUV, xe lớn và nặng, vừa tốn năng lượng vừa thải nhiều khí carbon.
Theo Minh Châu / sggp.org.vn