Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nhà máy 2 tỷ USD Trung Quốc sắp xây ở Đức

Đồ họa: Trung Hiếu

Các quan chức ở Brussels hay Berlin có thể băn khoăn về sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc nhưng đó không phải mối quan tâm ở Arnstadt.

Arnstadt có 28.000 dân và khó lòng tìm thấy tại đây một gương mặt không vui trước kế hoạch của Công ty TNHH Công nghệ Đương đại Amperex (CATL), Trung Quốc, đầu tư hai tỷ USD để xây một nhà máy ắc quy ở vùng ngoại ô thành phố.

Dự án trên là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy xu hướng ngày càng phổ biến hiện nay khi các công ty Trung Quốc lựa chọn xây dựng nhà máy từ đầu tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), thay vì mua lại một doanh nghiệp sẵn có.

Từng có một làn sóng phản đối bùng lên ở Đức hồi năm 2016 khi Trung Quốc mua lại Kuka, một nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức. Hồi chuông báo động tiếp tục réo lên vào năm ngoái khi một nhà đầu tư Trung Quốc mua gần 10% cổ phần Daimler, gã khổng lồ ôtô Đức. Những thương vụ này là tiền đề cho ra đời các quy định mới khiến những thành viên EU phải xem xét kỹ lưỡng hơn các khoản đầu tư từ nước ngoài.

CATL năm ngoái thông báo chọn khu công nghiệp Erfurter Kreuz ở Arnstadt làm nơi xây dựng nhà máy mới, nơi sẽ sản xuất ắc quy dùng cho xe điện cung cấp tới các công ty như Volvo hay BMW.

Những người ủng hộ lập luận rằng dự án của CATL cho thấy một giai đoạn mới tích cực hơn trong quá trình Trung Quốc vươn lên với tư cách siêu cường kinh tế. Thay vì tiếp thu công nghệ châu Âu hay mua lại các thương hiệu mang tính biểu tượng như Volvo, một công ty Trung Quốc đang đích thân mang tới châu Âu những bí quyết tiên tiến của riêng mình. Theo giới chức Đức, thay vì làm tổn hại việc làm trong các ngành công nghiệp ở châu Âu bằng lao động giá rẻ, một công ty Trung Quốc đang tạo ra 2.000 việc làm mới.

Viễn cảnh trên đặc biệt hấp dẫn khi nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang ẩn hiện và thị trường việc làm ở Đức đang cho thấy những dấu hiệu suy yếu đầu tiên.

“Những gì chúng tôi đang làm hoàn toàn trái ngược với thương vụ Kuka”, Wolfgang Tiefensee, lãnh đạo cơ quan phụ trách phát triển kinh tế bang Thuringia, nơi có thành phố Arnstadt, cho hay.

Tiefensee nhiệt huyết với mục tiêu lôi kéo CATL đến mức không lâu sau khi nghe tin công ty đang tìm kiếm nơi xây dựng nhà máy vào năm 2017, ông đã bay tới trụ sở của CATL ở thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, để thảo luận.”Chúng tôi đang mở đường chuyển giao công nghệ ắc quy từ Trung Quốc sang châu Âu”, Tiefensee nói. “Đây là hình thức hợp tác hoàn toàn mới”.

Một số nhà phân tích cảnh báo Trung Quốc thực tế đang theo đuổi một chương trình nghị sự đen tối hơn và CATL được nhà nước Trung Quốc bảo trợ nhằm hiện thực hóa mục tiêu thống trị một công nghệ có vai trò chiến lược quan trọng. Ắc quy có thể chiếm tới phân nửa chi phí của một chiếc xe điện. Trong bối cảnh xe điện ngày càng trở nên phổ biến, bất kỳ ai thống trị ngành ắc quy sẽ làm chủ cả ngành công nghiệp ôtô.

“Khi các nhà sản xuất ắc quy xe điện Trung Quốc mở rộng hoạt động ra nước ngoài, những nhà sản xuất tại các thị trường kinh tế tự do phải chống lại các đối thủ được nhà nước Trung Quốc bảo hộ”, Anna Holzmann, nhà phân tích chính sách công nghiệp Trung Quốc, hồi năm ngoái viết trong báo cáo cho Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin.

Thành lập hơn 10 năm trước, CATL nhanh chóng trở thành đối thủ thách thức Tesla, Panasonic, LG Electronics cùng những nhà sản xuất ắc quy lithium-ion cho ôtô điện khác trên toàn thế giới. Dự án tại Arnstadt là một phần trong kế hoạch mở rộng của họ, có khả năng biến CATL thành nhà sản xuất ắc quy lớn nhất thế giới trong vài năm tới.

Các lãnh đạo ở Arnstadt cho biết những lo ngại về địa chính trị không sánh bằng lợi ích mà dự án mang lại. Họ mong đợi khoản thu thuế khổng lồ từ CATL có thể giúp thành phố xây dựng cơ sở vật chất và sự hiện diện của nhà máy CATL sẽ đem đến cơ hội giúp Arnstadt trở thành tâm điểm một ngành công nghiệp quan trọng.

Thị trưởng Frank Spilling hiểu rõ những nỗ lực Trung Quốc đang theo đuổi nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu cũng như cáo buộc về vi phạm nhân quyền mà Bắc Kinh vướng phải, song ông chỉ quan tâm tới việc làm thế nào để cải thiện cuộc sống tại Arnstadt. “Những thứ còn lại nằm ở cấp độ khác. Ngay cả nếu tôi bị chỉ trích, tôi đoán cũng chẳng ai quan tâm”, ông nói.

Quan điểm của Spilling nhận được không ít đồng tình. “Không có sự phản đối nào” với dự án, Jan Kobel, nhiếp ảnh gia, chủ sở hữu khách sạn, người đại diện đảng Xanh tại Hội đồng Thành phố Arnstadt, nói. “Ai cũng hoan nghênh nó”.

Tuy nhiên, Kobel cùng nhiều người khác thất vọng bởi CATL chỉ cung cấp cho giới chức Arnstadt những thông tin cơ bản về kế hoạch của mình trong khi quy mô dự án tăng lên với tốc độ chóng mặt. Ban đầu công ty lên kế hoạch đầu tư 240 triệu euro cho nhà máy nhưng khi các đơn hàng tăng lên ồ ạt, mức đầu tư cũng tăng theo, lên 1,8 tỷ euro, tương đương hai tỷ USD.

Arnstadt nằm gần ngã tư của hai đường cao tốc quan trọng, cách thành phố Erfurt khoảng 16 km. Xây dựng nhà máy ở đây, CATL có thể dễ dàng vận chuyển hàng tới khách hàng, như BMW, công ty có nhà máy tại khu vực và đã đặt hàng từ CATL.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc xây nhà máy Arnstadt cũng có thể là một động thái chính trị khôn ngoan. Sau Thế chiến II, Arnstadt chịu tổn thất nặng nề, rất nhiều người vẫn nhớ như in về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sau khi Đức thống nhất vào năm 1990. Hàng nghìn người không có việc làm khi ngành hóa chất, ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, phải đóng cửa. Tỷ lệ thất nghiệp đạt gần 27%.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 5% sau khi các công ty như BorgWarner, nhà sản xuất phụ tùng ôtô Mỹ, xây nhà máy trong cùng khu công nghiệp mà CATL sẽ thiết lập dự án. Nhưng các công việc mới chủ yếu dựa trên những hợp đồng tạm thời nên rất bấp bênh. Vì thế, người dân khao khát các khoản đầu tư giúp thiết lập nền tảng vững chắc cho kinh tế địa phương và níu chân những người trẻ muốn di cư để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

“Mọi người rất vui vì một công ty mới thành lập ở chính nơi đây sẽ mang đến việc làm cho con cháu họ”, Martina Lang, giám đốc cơ quan quản lý việc làm địa phương, chia sẻ.

Hans-Joachim Konig, nhà hoạt động thuộc đảng cực hữu AfD, lo ngại ắc quy lithium-ion có thể bị thay thế bởi một công nghệ khác và nhà máy của CATL sẽ trở nên lỗi thời, song ông không có ý định ngăn cản việc xây dựng nó.

Đến nay, quá trình xây dựng nhà máy của CATL chưa thực sự được khởi động. Các liên lạc giữa những đại diện CATL và chính quyền địa phương cũng rất hời hợt. CATL còn vừa tiếp quản một khu phức hợp sản xuất thép và kính lớn gần công trường xây dựng nhà máy ắc quy. Chủ sở hữu trước, SolarWorld, đã phá sản chủ yếu bởi sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Khu phức hợp này gần đây cũng rất yên ắng.

Vũ Hoàng (Theo New York Times)

Nguồn: vnexpress.net