Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nhiều nước quan ngại chiến thuật “bắt nạt” ở biển Đông

Ảnh minh họa: pixabay.com
Trang tin điện tử Express của Anh vừa đăng bài viết nhấn mạnh việc Trung Quốc đang muốn phong tỏa sự tiếp cận hàng tỷ USD dầu khí chưa khai thác ở biển Đông.

Vi phạm trật tự quốc tế 

Theo tác giả bài viết Brian Mc.Gleenon, tại biển Đông, nhiều nước láng giềng đang cảnh giác cao độ trước việc một số tàu của Trung Quốc, được đội tàu hộ tống có vũ trang bảo vệ, quay lại thực hiện hoạt động khảo sát địa chất bên trong vùng tài nguyên được quốc tế công nhận của Việt Nam với động cơ chính là các trữ lượng dầu mỏ và khí đốt nằm sâu dưới đáy biển. Đề cập đến cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc, tác giả cho rằng đây là đường ranh giới mơ hồ và nhiều nghi vấn, được Bắc Kinh sử dụng để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này chồng lấn với vùng tuyên bố chủ quyền được Liên hiệp quốc ủng hộ của Việt Nam.

Tác giả bài báo dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc muốn đảm bảo rằng Trung Quốc không kiểm soát hoàn toàn các nguồn tài nguyên khí đốt rộng lớn sẽ được khai thác. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nêu rõ: “Các hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây tổn hại kinh thế cho các nước Đông Nam Á thông qua việc không cho họ tiếp cận trữ lượng khí đốt chưa khai thác trị giá khoảng 2,5 ngàn tỷ USD ở biển Đông. Mỹ phản đối mạnh mẽ bất cứ nỗ lực nào của Trung Quốc hòng đe dọa hay ép buộc các nước đối tác không được hợp tác với các công ty không phải của Trung Quốc, hay các biện pháp khác quấy nhiễu hoạt động hợp tác của họ”.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với những nỗ lực của Trung Quốc nhằm vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc ở khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Trung Quốc gần đây lại tiếp tục can thiệp đối với các hoạt động khai thác dầu khí lâu nay của Việt Nam trên biển Đông. Trung Quốc sẽ không giành được lòng tin của các nước láng giềng cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế bằng việc duy trì các chiến thuật “bắt nạt”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Tokyo đề nghị bình luận về việc nhiều nước đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng gia tăng căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc đơn phương có hàng loạt hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp và đã được triển khai từ lâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác, Ngoại trưởng Kono cho biết Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông và đề nghị tất cả các bên liên quan cần phi quân sự hóa các cơ sở hoặc thực thể trên biển Đông, bất cứ tranh chấp nào cũng cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Philippines cứng rắn 

Trong diễn biến khác, dự kiến vào ngày 28-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ tới Bắc Kinh và có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Philippines dự kiến sẽ đề cập tới phán quyết của tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7-2016, trong đó tòa bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Tổng thống Duterte đang bị chỉ trích vì cách tiếp cận có phần mềm mỏng với Trung Quốc trong suốt 3 năm qua nhằm đổi lại lợi ích về mặt kinh tế. Những người chỉ trích cho rằng ông Duterte đã không sử dụng lợi thế Philippines có được từ phán quyết của tòa quốc tế về biển Đông.

Phản ứng trước tuyên bố của Philippines, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa cho biết Trung Quốc sẽ bác bỏ lập trường của Tổng thống Duterte. Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết ủng hộ Philippines trong vụ khiếu nại tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực rộng lớn của biển Đông khi nêu rõ những tuyên bố này không có cơ sở pháp lý.

Theo Thanh Hằng (tổng hợp) / sggp.org.vn