TBVĐ- Nhiều thập kỷ trôi qua, người Việt Nam ngày càng hội nhập tốt và trở thành một cộng đồng quan trọng tại CHLB Đức.
Chuyên mục Nhân vật trong tháng 07.2017, Thời Báo Việt Đức xin dẫn độc giả đến thăm nhà của ông Nguyễn Văn Bộ, người đã ở Đức gần bốn thập kỷ, chứng kiến sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân sang Đức
+ Phóng viên: Tại sao ông chọn nước Đức để học tập và làm việc mà không phải là một quốc gia nào khác, ví dụ Liên Xô (cũ), Trung Quốc?
. Ông Nguyễn Văn Bộ: Trước đây đi đâu, làm gì là do tổ chức phân công. Tháng 09.1965 sau khi học xong chính trị tại Đại học sư phạm Hà nội, Vụ tuyển sinh Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp,đã phân các đoàn đi các nước như Liên xô,Trung quốc và các nước khác… trong đó có đi Đức. Chúng tôi là người được chọn đi CHDC Đức. Tuy nhiên, phân đi nước nào cũng phải dựa trên cơ sở lý lịch gia đình và điểm tổng kết khá giỏi ở các môn học cấp ba.
+ Nhắc lại những ngày đầu tiên sang Đức, đâu là những kỷ niệm không thể nào quên với ông?
.Ngày 28.12.1965 đoàn chúng tôi lên đường sang CHDC Đức. Ngày 10.1.1966 đoàn mới tới thủ đô Berlin. Ngay sau đó chúng tôi được tham dự một cuộc mít tinh lớn tại Đại học Humbolt cùng với đông đảo sinh viên các nước và Đại diện Đại sứ quán Việt nam để ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Đây là động thái chính trị mạnh mẽ nhất của CHDC Đức, nước đầu tiên trong các nước Đông Âu dứt bỏ chủ nghĩa xét lại, đoàn kết với cuộc đấu tranh của Việt Nam.
.Khi còn là sinh viên, năm 1968 chiến dịch Mậu thân xảy ra, chúng tôi được Hội nhà báo Magdeburg mời đến nói chuyện về cuộc kháng chiến của nhân dân ta và nhận ủng hộ bằng tiền để mua 100 máy phun thuốc trừ sâu. Ông Tổng Biên tập báo Volkstimme Magdeburg đã xin phép được lạy ba vái để ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu cao cả của dân tộc ta. Gần 300 con người đã chết lặng chứng kiến sự kiện đó. Thật vô cùng tự hào vì là người Việt Nam.
Sự phát triển của cộng đồng người Việt
+ Cộng đồng người Việt tại Đức được hình thành như thế nào?
. Nhà máy luyện cán thép Gia sàng Thái nguyên là biểu tượng hữu nghị giữa hai nước. CHDC Đức là nước cung cấp trang thiết bị và cử hàng trăm chuyên gia sang xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị. Đúng ngày 01.05.1975 dòng thép đầu tiên đã chính thức ra lò, trước sự hân hoan trong ngày thống nhất đất nước. Ngày 03.12.1977, sau khi thăm tỉnh Thái nguyên,Tổng Bí thư E.Honecker cùng đoàn Đại biểu Đảng và chính phủ CHDC Đức đã đến thăm nhà máy. Đồng thời cũng đúng ngày hôm đó nhà máy đạt công suất thiết kế ban đầu năm vạn tấn thép cán/năm. Giám đốc Vương Diệc, người từng sang Đức thực tập một năm đã đón và đưa Đoàn đến các phân xưởng chính của nhà máy và tôi may mắn được làm phiên dịch trong suốt quá trình chuyến thăm này.
Khi hội đàm với Việt Nam, Tổng Bí thư E. Honecker đã chính thức đề nghị cử người sang hợp tác lao động tại các xí nghiệp của CHDC Đức. Ngày 10-4-1980 Hiệp định chính phủ hai nước được ký kết. Chỉ sau một thời gian rất ngắn 1540 lao động hợp tác đầu tiên đã lên đường nhập cảnh vào Đức làm việc.Tiếp theo, năm 1982 nhiều nhà máy của CHDC Đức đã tiếp nhận lao động Việt nam với các ngành nghề như dệt may, giày da, cơ khí và cả ngành lâm nghiệp. Song sang đông và dồn dập nhất vẫn là từ tháng 05.1987 đến cuối năm 1988 với nhiều thành phần và đủ mọi ngành nghề khác nhau. Sang đầu năm 1990, việc đưa người Việt sang hợp tác lao động mới chấm dứt hoàn toàn.
Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1980 đến cuối năm 1989 đã có 68.874 lao động Việt nam sang hợp tác lao động tại gần 1000 xí nghiệp và cơ sở sản xuất của CHDC Đức. Đây chính là cơ hội quan trọng cho người lao động hợp tác sau này được ở lại và cùng với những sinh viên và thuyền nhân ở miền Tây tạo nên cộng đồng người Việt ngày nay tại CHLB Đức.
Ở Tây Đức, người Việt ngưỡng mộ ông Ruppert Neudeck, dựng cả tượng để tưởng nhớ và khóc thương khi ông mất, vì Hiệp hội bác sỹ cấp cứu Đức của ông đã nhiều đợt bằng con tàu nhân đạo“ Cap Anamur“ cứu vớt những thuyền nhân Việt nam trôi dạt trên biển đưa về Đức tỵ nạn. Còn ở bên Đông Đức, người Việt cũng vô cùng quý mến ông Erich Honecker, bởi đã mời lao động Việt Nam sang Đức để khi thời cơ đến họ có cơ hội ở lại. Vì thế khi nghe ông mất tại Chile, nhiều bà con lao động Việt Nam đã khóc òa, thương tiếc cho số phận của ông, nhất là chị em phụ nữ, vì chính ông đã kiến nghị thay đổi lại chế độ thai sản quá khắc nghiệt lúc bấy giờ.
Sau khi thống nhất nước Đức, cũng như bao người hợp tác lao động cũ, gia đình chúng tôi cũng có một sạp bán quần áo để sinh sống. Ngày 08.01.1992 Dr. Ngọc phiên dịch ở Leipzig và tôi được Liên hiệp công đoàn Liên bang Đức chọn mời làm đại diện cho người lao động Việt Nam cùng các nước Cuba và Rumani ở miền Đông nước Đức sang thủ đô Bonn, gặp gỡ Tổng thống R.Weizäcker nhân ngày lễ tiếp đón công dân đầu năm. Tại đây chúng tôi được Tổng thống và phu nhân ân cần đón tiếp và hỏi về công việc đang làm và tiếp xúc với các thành viên chính phủ, đặc biệt là Bộ trưởng Lao động Nobert Blum. Bộ trưởng Tài chính Theodor Waigel đã hỏi tôi: Ông là người Nhật à! Tôi đã trả lời: Không, tôi là người Việt Nam.
+ Sự phát triển của cộng đồng người Việt chắc chắn đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành tại Đức?
. Khi làn sóng thù ghét người nước ngoài tăng lên, sở ngoại kiều và đặc phái viên người nước ngoài thành phố Erfurt đã ra sức giúp đỡ bảo vệ người lao động Việt Nam, tránh không để các vụ đụng độ xảy ra. Năm 1991, khi nghe tin có bọn đầu trọc định tiến công vào khu nhà Max Planck Str. nơi Đội may người Việt đang trú ngụ, ông trưởng phòng ngoại kiều Zeckers và bà Tschermina Văn phòng đặc trách người nước ngoài tiểu bang Thüringen đã đến trực một đêm tại khu nhà chúng tôi ở để đề phòng. May đêm đó bọn chúng chỉ đến gào thét ở bên kia đường chứ không gây hấn gì. Còn về phía Việt Nam, Ban quản lý lao động vẫn hoạt động giúp đỡ người lao động khi gặp khó khăn và mọi công việc lãnh sự đều do Đại sứ quán giải quyết.
Người Việt hội nhập tốt tại Đức
+ Tại sao ông và nhiều người Việt khác chọn ở lại Đức sau thống nhất?
. Sau sự kiện bức tường Berlin, nhiều người Việt và gia đình chúng tôi vẫn chọn phương án ở lại. Mục đích là muốn cho hai con đã sang bên này, đang là học sinh, tiếp tục học hành. Dù phải kiếm sống gian nan và vất vả vẫn cố gắng lao động để các cháu học đại học xong thì mới trở về. Nhưng rồi thời gian cứ trôi đi, nay các cháu đã trưởng thành và lập gia đình ở lại CHLB Đức. Hiện các cháu có công ăn việc làm nên ước vọng của gia đình coi như đã thực hiện được.
+ Ông đánh giá thế nào về sự hội nhập của người Việt tại Đức suốt mấy thập kỷ qua?
. Qua nhiều thập kỷ nay, việc hòa nhập của người Việt vào xã hội Đức tương đối tốt. Đánh giá khiêm tốn như vậy vì phần nhiều người lao động hợp tác đầu tiên sang đến nay vẫn còn yếu tiếng Đức, khó khăn khi giao dịch ở cơ quan công quyền, đặc biệt ở miền Đông Đức, nên phải cậy nhờ phiên dịch hoặc giao cho con cái giải quyết. Nguyên nhân là do mải làm ăn và có tuổi nên tiếp thu tiếng Đức chậm. Mặt khác bà con thích sống chung với cộng đồng và bạn bè nhiều, nên ngại giao tiếp với bên ngoài. Đến thế hệ thứ hai, người Việt hòa nhập vào xã hội Đức tốt hơn nhiều. Các cháu người Việt luôn là học sinh đứng đầu so với các bạn nhập cư khác và trong các trường chuyên, lượng người Việt thường chiếm số đông, có người đã thành đạt cao trong học tập. Các tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư và chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật và kinh tể xuất hiện ngày càng nhiều, đóng góp tích cực cho xã hội Đức. Tuy nhiên theo đánh giá, việc hội nhập vẫn còn chưa rõ nét. Thế hệ hai trở đi dần dần rõ nét hơn.
+ Sự đóng góp của người Việt với nước Đức và với quê hương Việt Nam ra sao?
. Riêng phần đóng góp cho quê hương Việt Nam thì rất lớn. Nhiều doanh nghiệp là hậu thuẫn quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Đức, lúc đầu là may mặc, giày da sau đó là là các sản phẩm lương thực, thực phẩm, rau quả. Một số doanh nghiệp Việt kiều Đức đã hoạt động thành công. Dòng ngoại tệ cùa bà con gửi về đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều gia đình thân nhân, mở mang xây dựng nhà ở và giúp quê hương phát triển sản xuất, dịch vụ. Hàng trăm Hội đoàn được thành lập đã góp phần không những gắn kết, đoàn kết người Việt với nhau, giữ gìn văn hóa dân tộc và tiếng mẹ đẻ, đồng thời tích cực quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước mỗi khi bị hoạn nạn và tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ở biển Đông.
Nhiều người thế hệ thứ hai, thứ ba lớn lên và sinh ra ở Đức đang là kỳ vọng rất lớn của người Việt chúng ta. Tuy có hai quê hương, nhưng tin chắc rằng họ sẽ làm nên nhiều điều kỳ diệu, tiếp tục kế thừa xứng đáng lớp người đầu tiên để xâm nhập vào những vị trí cao trong xã hội phát triển Đức.
+ Cá nhân ông cùng bà con người Việt đã có những hoạt động nào để xây dựng và phát triển hình ảnh người Việt Nam tại Đức?
Những năm làm Chủ tịch Hội người Việt Erfurt 2004-2008 chúng tôi đã cùng bà con xây dựng cộng đồng phát triển, đoàn kết, gắn bó với nhau và quan hệ tốt với thành phố và Văn phòng đặc trách người nước ngoài tiểu bang để xây dựng và đẩy mạnh các hoạt động của Hội. Nhờ tiền trợ giúp của thành phố và đóng góp của bà con Hội đã xây dựng được một thư viện với hơn 2000 đầu sách tiếng Việt, mua sắm loa đài, phông màn, quần áo, bàn ghế kể cả trống và các trang bị để múa sư tử trình diễn trong các dịp lễ hội. Hội đã quan tâm giúp đỡ bà con trong các chuyện hiếu hỷ, tổ chức và tham gia các đợt giao lưu và thi đấu bóng đá. Năm 2004 Đội bóng đá của Hội đã giành được giải nhì toàn cộng hòa tại Dresden. Nhiều lần tổ chức quyên góp ủng hộ bà con trong nước khi bị thiên tai bão lụt. Do những kết quả hoạt động của Hội, năm 2007 Hội người Việt Erfurt- Thüringen đã được Ủy ban người nước ngoài tặng bằng khen. Chủ tịch Hội đồng hương Vĩnh Phú khóa đầu tiên 2007-2011 chúng tôi đã vận động bà con quyên góp xây dựng cho hai tỉnh 4 nhà tình thương, hỗ trợ quê hương bị lũ lụt, thiên tai, công đức đền Hùng và đền Hai Bà Trưng. Hội cũng là trung tâm để gắn bó, đoàn kết bà con hai tỉnh với nhau, trên cơ sở tình làng nghĩa xóm. Ngày 18.06.2017 chúng tôi kỷ niệm 10 năm thành lập Hội và tiến hành Đại hội lần thứ năm, bầu lại BCH mới. Lễ kỷ niệm và Đại hội đã thành công tốt đẹp. Chúng tôi tin tưởng hoạt động của Hội sẽ tiếp tục phát triển.
Ông Nguyễn văn Bộ sinh năm 1947, học Đại học tại Magdeburg, khoa chế tạo máy, chuyên ngành thiết bị luyện kim, cán thép giai đoạn 1966-71. Sau đó, ông kinh qua nhiều công việc khác nhau, như làm việc tại Ban kỹ thuật công trường lắp máy nhà máy luyện cán thép Gia sàng, công ty gang thép Thái nguyên; cán bộ nghiên cứu Phân viện luyện kim đen Thái nguyên, phiên dịch cho Đoàn cán bộ công ty gang thép Thái nguyên sang học quản lý kinh tế tại các xí nghiệp luyện kim CHDC Đức; Trợ lý Giám đốc nhà máy luyện cán thép Gia sàng, Phó phòng xử lý tin, Viện thông tin KHKT Bộ CKLK. Tháng 12.1989 sang Đức lao động hợp tác và làm Đội trưởng lao động, nhà máy chế tạo máy gặt đập Bischofswerda Dresden. Từ năm 1991, hành nghề độc lập. Từ năm 2013 đến nay ông về hưu, hiện sống tại Frankfurt am Main |
Văn Hồng (thực hiện)
Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 07.2017