TBVĐ- Kiểm tra và bảo dưỡng ô-tô là những việc mà một chủ xe cần làm, nhằm ngăn chặn nhiều thiệt hại từ nhỏ đến lớn, kéo dài được tuổi thọ xe và phòng tránh những đánh giá bất lợi trong kỳ kiểm duyệt của TüV.
Kiểm tra xe cũng chính là cách bảo đảm mức độ an toàn của xe và để tiếp tục gia hạn dịch vụ bảo hành của nhà sản xuất theo từng chu kỳ, vì vậy thời gian cũng như quá trình kiểm tra sẽ do nhà sản xuất xe thông báo cụ thể, chứ không theo một qui định luật pháp nào.
Trong sổ tay kỹ thuật (Serviceheft) của các xe đều có ghi tên xưởng sửa chữa và chăm sóc, bảo dưỡng xe, là nơi sẽ thực hiện quá trình kiểm tra này. Người ta phân biệt giữa hai kỳ kiểm tra sơ bộ và kỳ kiểm tra tổng quát. Thông thường, hàng năm hoặc, như nhà sản xuất xe qui định, cứ chạy đủ từ 10.000-15.000 km, chủ xe cần đưa xe đi kiểm tra sơ bộ một lần, ví dụ như kiểm tra độ mòn của phanh, kiểm tra mực nước trong dầu phanh (Bremsflüssigkeit), đo ắc quy và hệ thống đèn v.v… Ngoài ra, người ta sẽ xem lại hệ thống điện và mực nước trong hệ thống làm mát của xe (Kühlwasser), kiểm tra toàn bộ máy khởi động và hệ thống bánh răng, thay bộ phận lọc không khí trong xe, kiểm tra sự hao mòn của hệ thống xả.
Bên cạnh đó, gầm xe, lốp xe và hệ thống lái cũng là những phần quan trọng cần xem xét lại. Sau quá trình này, chủ xe sẽ nhận một danh sách khuyến cáo các bộ phận đã hỏng hoặc hao mòn cần đem sửa chữa. Như nhà sản xuất qui định, thường khi các xe đã chạy gấp đôi số km so với kỳ kiểm tra sơ bộ hoặc đạt mức 100.000 km, chủ xe cần mang xe đi kiểm tra tổng quát. Khi ấy, thêm vào những phần kiểm tra nói trên, xưởng sửa xe sẽ xem xét lại chất lượng, mức độ hao mòn và trạng thái của toàn bộ máy móc cùng các cơ cấu trong xe, kiểm tra chức năng của những bộ phận dễ bị hao mòn như đĩa phanh, đĩa đệm và các đường ống dẫn.
Nói chung, toàn bộ chiếc xe sẽ được kiểm duyệt và rà soát từ những bộ phận nhỏ nhất như cần gạt nước, hệ thống đèn và hệ thống xả. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc kiểm tra xe thường xuyên của chính chủ xe, như xem lại dầu, áp suất trong lốp xe, độ hao mòn lốp xe và buji (Zündkerzen), để có thể sửa chữa ngay khi hỏng hóc. Việc này đồng thời ngăn chặn được những vấn đề tiếp nối, vì khi một máy hoặc bộ phận nào đó không hoạt động đúng, chúng sẽ ảnh hưởng đến những phần khác và gây thiệt hại nặng hơn, ngoài ra còn giảm được nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và những người cùng tham gia giao thông. Mỗi nhà sản xuất xe ô-tô lại có những lời khuyên khác nhau.
Việt Đức