TBVĐ- Xét theo luật hình sự của Đức, hành động phá thai (sau khi trứng đã thụ tinh) được qui định trong điều 218 Bộ Luật hình sự là hành vi phạm pháp, sẽ bị xử phạt tới 3, thậm chí 5 năm tù giam.
Một độc giả xin giấu tên gửi thư về tòa soạn Thời báo Việt Đức với nội dung như sau: “Tôi có thai được 8 tuần nhưng do hoàn cảnh hiện tại chưa thích hợp sinh con. Tôi nghe nói luật nạo phá thai ở Đức rất khắt khe. Xin quý tòa soạn cung cấp cho tôi thêm thông tin về luật nạo phá thai ở Đức”. Tòa soạn xin trả lời câu hỏi của quý độc giả như sau.
Luật quy định về nạo/phá thai
Cụm từ nạo/phá thai nghĩa là hành động kết thúc việc mang thai bằng tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, điều 218a Bộ Luật hình sự cũng qui định, chỉ được nạo/phá thai khi phôi thai chưa vượt quá 12 tuần tuổi, có sự đồng ý của người mang thai và phải do bác sỹ chuyên ngành thực hiện.
Ít nhất 3 ngày trước lịch hẹn với bác sỹ, người mang thai có trách nhiệm phải đến gặp tư vấn gia đình. Sau buổi tư vấn, người mang thai sẽ nhận một giấy chứng nhận theo điều 219 đoạn 2 dòng 2 Bộ Luật hình sự. Lúc này, bác sỹ mới được quyền quyết định và làm thủ tục nạo thai. Tuy nhiên, nếu thai nhi gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người mẹ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, thì bác sỹ được quyền quyết định nạo thai ngay, không phụ thuộc vào tư vấn và thời gian nữa.
Các phương pháp theo luật
Có 3 phương pháp nạo thai phổ biến gồm: phá thai bằng thuốc (được thực hiện đối với trường hợp tuổi thai dưới 7-9 tuần tuổi); hút thai (được thực hiện khi tuổi thai chưa quá 8 tuần tuổi) và nạo thai (được thực hiện khi tuổi thai chưa quá 12 tuần tuổi). Ngoài ra, còn có các biện pháp nạo/phá thai khi tuổi thai đã vượt quá 12 tuần, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ, chỉ được bác sỹ phê chuẩn khi người mẹ gặp nguy hiểm hoặc thai chết lưu v.v. …
Trong năm 2015, thống kê tại Đức có gần 100.000 vụ nạo/phá thai, đa số người mẹ ở tuổi từ 18-30, gần 58% là mẹ độc thân mang thai muốn bỏ, 38% là phụ nữ đã lập gia đình. Theo một khảo sát từ năm 2012 thì nhiều người ủng hộ việc nạo/phá thai sau khi bị cưỡng hiếp hoặc xâm phạm tình dục, nhưng có 41% tán thành việc phụ nữ có quyền được nạo/phá thai, bất kể là vì lý do gì. Khi người mang thai còn là trẻ dưới tuổi vị thành niên, bác sỹ sẽ yêu cầu được gặp và nói chuyện với phụ huynh của đối tượng, có giấy đồng ý của phụ huynh rồi bác sỹ mới quyết định. Chi phí cho mỗi ca nạo/phá thai ở mức từ 350-600 Euro, tùy vào từng biện pháp.
Người phụ nữ khi đứng trước quyết định nạo thai (tại Đức) không những gặp các vấn đề pháp lý và sức khỏe, ví dụ có thể dẫn đến vô sinh hoặc mắc bệnh viêm nhiễm, mà còn phải đối mặt với những định kiến về đạo đức, nhân phẩm, gánh nặng giữa lý trí và tình cảm, những tranh đấu của lương tâm. Từng có giai đoạn rất lâu, Đức cấm nạo/phá thai. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những chủ đề vô cùng nhạy cảm, dẫn đến xung đột giữa nhiều phe phái và các tín ngưỡng.
Cẩm Chi