TBVĐ- Giáng Sinh là một dịp lễ lớn mà các quốc gia đều ăn mừng. Tùy theo phong tục mà mỗi quốc gia làm một loại bánh truyền thống khác nhau cho đêm Noel.
Bánh Lebkuchen
Ngoài bánh Stollen hay Plätzchen (xem thêm tại trang Ẩm thực), một loại bánh truyền thống nữa chính là bánh Lebkuchen – còn gọi là Pfefferkuchen, Honig- hoặc Gewürzkuchen – được làm từ bột tối màu vì có trộn sẵn nhiều “gia vị” và các chất ngọt như mật ong, xi-rô hoặc đường phèn, rất ít hoặc hoàn toàn không có nước, sữa và bơ.
Cũng chính vì vậy, bánh Lebkuchen còn có kỳ hạn bảo quản trong thời gian khá dài. Các gia vị đặc trưng gồm có hoa hồi (Anis), bạch đậu khấu / thảo quả (Kardamom), gừng (Ingwer), hạt mùi (Koriander), hạt thìa là (Fenchel), hạt đinh hương (Nelken), nhục đậu khấu (Muskat).
Bánh Lebkuchen đã xuất hiện từ năm 350 trước Công Nguyên, khi ấy còn là một loại bánh mật ong trộn chút gia vị, có lẽ bắt nguồn từ bánh mật ong của người Ai Cập cổ đại. Trong nhiều thế kỷ, bánh Lebkuchen từng là món bánh mà chỉ có các thành phố lớn mới có thợ bánh truyền thống, bởi thời đó, các gia vị còn quý hiếm và đắt đỏ, nên cũng chỉ những thành phố lớn mới là nơi các thương nhân buôn gia vị thường qua lại.
Nhiều đặc sản Lebkuchen nổi tiếng của các địa phương mang tên gọi riêng như Nürnberger Lebkuchen, Aachener Printen hay Pulsnitzer Pfefferkuchen.
Hiện nay, bánh Lebkuchen được chia làm hai loại chính là loại màu nâu (brauner Lebkuchen) với nhiều bột, có thể nhào trộn bằng tay (ví dụ như bánh Printen, Dominosteine, Honigkuchen, Spitzkuchen v.v…), và loại Lebkuchen có đế bánh quế (Oblatenlebkuchen hoặc Elisenlebkuchen) với rất ít bột, hỗn hợp mềm, nhiều gia vị, và sẽ được phun lên một miếng bánh quế nhỏ rồi mới đem nướng.
Thợ làm bánh Lebkuchen tại Đức không thích bị gọi chung là Bäcker, mà họ thường tự xưng là Lebzelter, Lebküchler, Lebküchner, Pfefferküchler.
Bánh Dresdner Stollen
Loại bánh nổi tiếng và đặc trưng nhất là bánh Dresdner Stollen, còn được người dân gọi bằng cái tên thân thương là “Striezel” (cũng chính là tên của chợ Giáng Sinh lâu đời tại Dresden “der Striezelmarkt”), đã từng được nhắc đến lần đầu vào năm 1474 trên một hóa đơn thanh toán của bệnh viện cổ mang tên Bartholomäus tại Dresden.
Thời đó, Giáo Hội La Mã không cho phép các tín đồ dùng bơ và sữa, mà bánh Stollen khi ấy đơn giản là một loại bánh mỳ của Mùa Chay (Fastenzeit), chỉ được làm từ bột mỳ, nước và men. Vào năm 1491, Tuyển hầu tước Ernst von Sachsen và em trai ông Công tước Albrecht đã đề nghị Đức Giáo Hoàng Innozenz VIII bãi bỏ lệnh cấm bơ.
Và từ đó, bánh Stollen đã dần dần được thêm nhiều nguyên liệu phong phú khác nữa, trở nên hoàn thiện và mang hương vị đặc trưng như chúng ta biết đến ngày nay.
Cẩm Chi