Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định dự án đường ống dẫn khí đốt đang khiến Đức bị Nga “kiểm soát”, “giam hãm”.
Ông Trump đã khởi hành chuyến đi châu Âu 7 ngày bằng việc đến Brussels (Bỉ), nơi người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Trump đã gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11-7, và lập tức tạo “quả bom” cho truyền thông.
Tổng thống Mỹ, trong những trao đổi với ông Stoltenberg, đã khẳng định Mỹ đang bảo vệ Đức, trong khi Đức lại ký hợp đồng với Nga.
“Phải nói là, tôi thấy rất buồn khi Đức ký hợp đồng lớn về dầu khí với Nga, trong khi chúng tôi đang bảo vệ họ chống lại Nga. Chúng tôi phải bảo vệ các anh chống Nga nhưng họ lại trả hàng tỉ đô cho Nga, như vậy rất không phù hợp”, hãng tin AP dẫn lời ông Trump nói trong bữa ăn sáng với ông Stoltenberg.
Hợp đồng mà ông Trump nhắc tới là dự án Nord Stream 2, vốn là đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang bờ biển Baltic phía đông bắc của Đức, xuyên qua các nước Đông Âu như Ba Lan và Ukraine.
Dự án này giúp Nga có thể gửi gấp đôi lượng khí đốt trực tiếp sang Đức, nhưng phần lớn hệ thống đường ống dưới biển này bị Mỹ và một số thành viên Liên minh châu Âu phản đối. Lý do là nó có thể cho Nga nhiều ảnh hưởng hơn ở khu vực Tây Âu.
Căng thẳng giữa Mỹ và Đức càng đào sâu khi ông Trump thẳng thừng chỉ trích Đức cùng một số nước NATO không san sẻ gánh nặng quốc phòng với Mỹ. Ông cho rằng nhiều nước NATO hiện không thực hiện cam kết chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng.
Vì lẽ đó, có tin ông Trump ngày 11-7 đã nói Đức “bị Nga nắm trong tay” và kêu gọi NATO bàn về vấn đề này.
Không lâu sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đến trụ sở NATO và lập tức phản pháo, nói rằng Đức có quyền đưa ra quyết định của riêng mình.
Bà nói: “Bản thân tôi từng trải qua việc một phần nước Đức bị Liên Xô kiểm soát, và tôi thấy vui khi hôm nay chúng tôi đoàn kết trong sự tự do dưới tư cách Cộng hòa Liên bang Đức, và có thể vì vậy nói rằng chúng tôi tự định đoạt chính sách của mình, tự đưa ra quyết định của mình, và điều này là ổn”.
Đứng ở giữa, ông Stoltenberg tìm cách xoa dịu tình hình bằng việc nhấn mạnh các thành viên NATO lâu nay đã làm việc với nhau bất chấp có sự khác biệt.
Vị Tổng Thư ký NATO lấy ví dụ từ hai cuộc chiến tranh thế giới cũng như Chiến tranh lạnh, tất cả đã dạy NATO rằng “chúng ta có thể cùng mạnh mẽ hơn với nhau thay vì chia rẽ”.
Theo Nhật Đăng / tuoitre.vn