Hai quốc gia đầu tàu của EU là Pháp và Đức đang có bất đồng lớn trong việc lựa chọn các vị trí lãnh đạo Liên minh châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hôm 19/6 gửi thư cho lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), kêu gọi tìm sự đồng thuận về việc đề cử các vị trí lãnh đạo của Liên minh trong bối cảnh bất đồng giữa Đức và Pháp trong chủ đề này tiếp tục gia tăng.
Trong bức thư gửi đến lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu – EU, bao gồm cả Vương quốc Anh, trong chiều 19/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, mặc dù vẫn đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau trong việc lựa chọn các vị trí lãnh đạo Liên minh châu Âu, nhưng ông kêu gọi các bên nhanh chóng tìm được sự đồng thuận trước phiên họp đầu tiên của Nghị viện châu Âu khoá mới vào ngày 2/7.
Ông Donald Tusk cũng lạc quan cho rằng, các nước thành viên sẽ thống nhất được với nhau trong ngày 20/6.
Bức thư của ông Donald Tusk được gửi đi ngay trước khi Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 20 và 21/6 tại Brussels với chủ đề chính là thảo luận về các ứng cử viên sẽ giữ các chức vụ lãnh đạo của khối, trong đó quan trọng nhất là vị trí Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, thay ông Jean-Claude Juncker sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.
Hiện tại, hai quốc gia đầu tàu của EU là Pháp và Đức đang có bất đồng lớn trong chủ đề này. Pháp, cùng một số nước như Tây Ban Nha, đang tìm cách ngăn cản ứng cử viên người Đức Manfred Weber của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP) lên làm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC).
Lý do phía Pháp đưa ra là ông này ít kinh nghiệm lãnh đạo cũng như chưa đủ sức tập hợp các lực lượng chính trị khác nhau tại châu Âu để đối phó với các thách thức lớn như Brexit. Trong khi đó, ông Weber lại là ứng cử viên được chính phủ Đức của bà Angela Merkel công khai ủng hộ.
Các nguồn tin ngoại giao tại Brussels cho rằng, để phá vỡ thế bế tắc hiện nay, chính phủ Đức có thể sẽ đồng ý với một ứng cử viên khác, với điều kiện ứng cử viên đó không phải do Nghị viện châu Âu hay do phía Pháp đề xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Đức muốn ngăn chặn tham vọng của phía Pháp về việc đưa Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là ông Michel Barnier, một chính trị gia người Pháp, lên giữ vị trí lãnh đạo được xem là quyền lực nhất của Liên minh châu Âu.
Bên cạnh cuộc đua quanh ghế Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, sự cạnh tranh vào các vị trí khác cũng được xem là các chủ đề nóng tại Thượng đỉnh EU lần này, như ghế Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu hay vị trí Cao uỷ châu Âu phụ trách đối ngoại và an ninh.
Hiện đang có nhiều tiếng nói từ các nước thành viên EU đề nghị các thiết chế quản lý của khối cần có nhiều đại diện nữ giới hơn tại các vị trí lãnh đạo.
Giới phân tích cho rằng, có ít khả năng các nước EU sẽ tìm được sự đồng thuận trong việc lựa chọn các vị trí lãnh đạo khối tại Thượng đỉnh EU lần này và một Thượng đỉnh khác của khối có thể sẽ được tổ chức vào các ngày 30/6 và 1/7./.
Quang Dũng/VOV-Paris
Nguồn: vov.vn