Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nạn “chửi” hội đồng và “bóc phốt” trên Facebook: Pháp luật Đức và các hành vi vi phạm trên mạng xã hội

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

Rất nhiều người Việt cho đến giờ vẫn lầm tưởng rằng, trên các trang mạng xã hội như Face­book, Twitter hay Instagram, họ hoàn toàn “một mình”, có quyền phán xét và phát biểu như họ thích, có làm sao thì “xoá béng là xong”.

Nhiều người không hề biết rằng, mạng internet cũng như ngoài đời thật, những câu chửi rủa hay vạch mặt nhau không chỉ nói lên văn hoá ứng xử giữa người với người, mà còn là một hành vi vi phạm pháp luật, mà nếu vượt quá giới hạn cho phép, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội

Trong vòng khoảng 8-10 năm trở lại đây, Facebook dần phát triển mạnh đến độ gần như ai cũng có tài khoản và biết cách hoạt động trong mạng xã hội này – đặc biệt là người Việt Nam, có thể gọi là một dân tộc có nhu cầu trao đổi thông tin và tinh thần tham gia cộng đồng rất cao. Ngoài việc tự mình lập tài khoản – thường gọi là “nhà riêng” – để kết bạn và giao lưu với nhau, nói về gia đình, công việc, con cái, sở thích, v.v. người Việt còn họp thành những hội có cùng nhu cầu, cùng sở thích.

Những cái tên hội như “Bếp Việt xa xứ” (với hơn 100.000 thành viên – còn có hai hội trùng tên nhưng lập ra sau kiểu “ăn theo”), “Tìm hiểu cuộc sống nước Đức”, “Hội học và yêu tiếng Đức” hay “Hội sinh viên Việt Nam tại Đức”, “Du lịch khám phá Châu Âu” hoặc “Vườn Việt xa xứ” … chắc không còn xa lạ với đại đa số người Việt dùng Facebook sinh sống tại Đức hay nước ngoài.

Những hội này lập ra với mục tiêu đầu tiên là ai không biết gì thì có thể vào hỏi, ai biết sẽ nói ra kinh nghiệm của mình và chỉ cách cho mọi người, từ việc trồng hay chặt cây, đối xử với hàng xóm, đồng nghiệp thế nào, đi du lịch ra sao, thuế má khai kiểu gì. Mặc dù không ai kiểm chứng hay xác nhận những thông tin này có đúng 100% hay không, nhưng mỗi một nhu cầu hoặc một câu hỏi được đặt ra, ngay lập tức có người cùng cảnh ngộ vào bình luận, thấu hiểu, ủng hộ, giải đáp giùm.

Và tất nhiên cũng sẽ có vô số người khác xông vào chê bai, bác bỏ hoặc chọc ngoáy. Tuy nhiên, trong vòng 2-3 năm nay, một vấn nạn ngày càng tràn lan trong các hội người Việt trên Facebook và dường như không hồi kết thúc là nạn chửi hội đồng và „bóc phốt“ lẫn nhau.

Vi phạm pháp luật?

Nhiều người Việt trên Facebook thường không phân biệt được việc vạch trần sự thật, vạch trần cái xấu, tội ác với hành vi bới móc việc riêng tư từ quá khứ tới tương lai, chê bai gia đình, những đặc điểm cơ thể của người khác hay nói xấu, dựng chuyện và bịa đặt về bản chất, con người của người khác – thế nào là phạm pháp và thế nào là ứng xử văn hóa.

Mạng xã hội mang đến cảm giác “vô danh”, có khi không phải hình ảnh thật, không phải tên tuổi thật, dường như khiến cho rất nhiều người – từ già đến trẻ – cũng mất đi cảm giác ngại ngùng, sợ hãi, ngượng ngập khi dùng những từ ngữ tục tĩu, xấu xa, bỉ ổi để phỉ báng và thóa mạ người khác. Những lúc như vậy, họ thường tưởng rằng nếu bị lên án, chỉ cần tự bào chữa bằng câu “đó chỉ là đùa thôi”, “tôi có chửi thật đâu, chửi vui thôi” là xong chuyện. Nhưng họ không hiểu rằng, những hành vi đó dần dần sẽ mất đi kiểm soát. Mạng internet vốn không quên gì bao giờ, nghĩa là kể cả những dữ liệu từng đăng tải nhưng lại xóa đi đều có thể khôi phục lại, và dù rằng sau khi mọi việc trôi qua, nạn nhân bị chửi, bị thóa mạ có thể sẽ không bao giờ tìm được yên bình.

Xét về mặt luật pháp Đức (dành cho cả những công dân không mang quốc tịch Đức nhưng hiện sinh sống tại Đức), tất cả những hành vi nói trên đều có thể được gọi là “cybermobbing”, nghĩa là hăm dọa, bắt nạt và quấy rối trên mạng.

Cybermobbing về bản chất thì không phải là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên nếu tách riêng cybermobbing thành hành vi chửi bới, thóa mạ, hăm dọa hay phát tán hình ảnh riêng tư cá nhân … đều có thể xét theo các điều luật hình sự để kết tội và sẽ mang lại hậu quả khôn lường cho thủ phạm và kẻ chủ mưu.

Một số điều luật hình sự liên quan bao gồm điều 185 StGB chửi bới, thóa mạ người khác có thể bị phạt tù một năm, điều 186 StGB – bịa đặt, dựng chuyện xấu cho người khác sẽ bị phạt tù một năm hoặc phạt tiền, hoặc điều 187 StGB – vu khống người khác có thể bị phạt tù đến hai năm hoặc phạt tiền, hoặc điều 201 StGB – thu âm lời kể riêng tư của người khác rồi phát tán không được sự cho phép sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền …

Đa số các nạn nhân nếu không biết cách kháng cự hoặc nhờ người giúp đỡ, họ sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm, ít nói đi, hay ủ rũ, buồn rầu, lo lắng, thậm chí có cảm giác sợ hãi, ảo tưởng bị người khác theo dõi. Nhiều nạn nhân đột nhiên không tập trung được vào công việc, hay quên hoặc đánh mất đồ đạc, thường xuyên ảo tưởng bị đau đầu, đau bụng, muốn đi nhà vệ sinh để được ngồi một mình, không phải đối mặt với câu hỏi của người xung quanh. Họ sợ hãi, không muốn đi học, đi làm … Phương pháp tốt nhất để người bị hại thoát ra khỏi tình trạng này là dũng cảm nói về vấn đề mình gặp phải, không giữ im lặng chỉ vì sợ xấu hổ. Không được coi đó là chuyện bình thường, bởi không ai có quyền chửi bới, thóa mạ người khác. Hãy chụp lại ảnh và gom các bằng chứng rồi đi báo cảnh sát, chắc chắn sẽ nhận được sự giúp đỡ. Ngoài ra, không nên đăng tải nhiều hình ảnh cá nhân hay đưa nhiều thông tin riêng tư lên mạng.

Thực trạng và vấn nạn “lập hội bóc phốt” hay “chửi hội đồng” đang thật sự là một vấn đề khá quan ngại trong cộng đồng người Việt sử dụng mạng xã hội – bên cạnh việc chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc vô tội vạ.

Cẩm Chi