TBVĐ- Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, ông Jose Santiago Sta. Romana hôm thứ Bảy 2-12 nói rằng vòng đàm phán lớn và chính thức tiếp theo giữa Manila và Bắc Kinh nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài trên Biển Đông sẽ được tổ chức vào đầu năm tới.
Có thể thấy rằng chính sách của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte với vấn đề Biển Đông đã thay đổi theo hướng ngược lại rất nhiều so với chính quyền tiền nhiệm Benigno Aquino III. Philippines và Mỹ, vốn sắp sửa tổ chức một liên minh quốc tế yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết tháng 7-2016, đã thất bại ở rào cản cuối cùng khi tổng thống Duterte thay vào đó đã xoay sang nối lại quan hệ hữu nghị đơn phương với Bắc Kinh.
Sau phán quyết của PCA năm 2016, khác với các dự báo của giới chuyên gia, Philippines không tỏ ra quyết đoán trước Trung Quốc mà trái lại, đột ngột quay sang ngả về Trung Quốc. Cho đến nay chưa có những dấu hiệu cho thấy Philippines sẽ chống lại Trung Quốc hay tận dụng các lợi thế pháp lý sau chiến thắng vụ kiện 2016 để buộc Trung Quốc phải điều chỉnh hành vi. Điều này xuất phát từ bốn nguyên nhân chính.
Thứ nhất, các chính sách càng quét tội phạm và người nghiện ma túy của Duterte bị Mỹ và Liên Hiệp Quốc chỉ trích, phản đối trong khi Trung Quốc lại có tín hiệu ủng hộ (dù không công khai thể hiện rõ ràng). Thứ hai, các cam kết mang tính dân túy hay đúng hơn là thực dụng của ông Duterte (được đo bằng các hợp đồng kinh tế – thương mại, các cam kết đầu tư, các gói hỗ trợ phát triển,…) với cử tri đã được phía Trung Quốc hỗ trợ đắc lực. Ngay sau khi nhậm chức, ông Duterte đã “lơ” phán quyết PCA và có chuyến thăm đến Bắc Kinh với hàng loạt các thỏa thuận kinh tế có giá trị lớn; mới đây nhất là việc Trung Quốc cam kết ủng hộ vốn cho các dự án tưới tiêu và xây dựng đường sắt ở Philippines – các dự án có tổng trị giá là 3,4 tỷ USD.
Thứ ba, sự thiếu thiện cảm của ông Duterte với Mỹ vì những nguyên do mang tính lịch sử quan hệ hai nước lẫn những nguyên nhân liên quan đến cuộc bầu cử tại Philippines trước khi ông Duterte mang về chiến thắng cho bản thân mình. Bản thân ông Duterte vốn là người có tư tưởng chống đế quốc từ thời đại học, và cho rằng những ảnh hưởng từ Mỹ đối với Philippines mang lại những hệ lụy lớn cho Philippines, trong đó có thể kể đến sự thiếu bình đẳng, hạ thấp vai trò Manila trên trường quốc tế.
Cuối cùng, một tác động từ phía Mỹ, đó là các cam kết từ phía Mỹ đối với đồng minh Philippines trong nhiều năm qua trong việc phát triển kinh tế, tăng cường an ninh quốc phòng và đặc biệt là bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, ngay cả trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, đều không được đánh giá cao, và ít nhất là trong mắt của ông Duterte, một người vốn đã có thành kiến với Mỹ, là chưa thể thuyết phục. Bằng chứng cơ bản nhất mà người Philippines không thể quên đó là việc bãi cạn Scarborough từ Philippines rơi vào tay Trung Quốc vào năm 2012, và sau đó là quá trình cải tạo, bồi lấp chống mặt của Bắc Kinh tại nhiều thực thể ở Biển Đông không gặp phải một khó khăn đáng kể nào từ phía hải quân Mỹ với lực lượng hùng hậu.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ các hành động của Philippines và phong cách quản trị đất nước theo kiểu thực dụng của ông Duterte, nhất là sau các phát ngôn trước sau bất nhất trong quan điểm với cả Mỹ và Trung Quốc, các chuyến thăm đến các thành viên chủ chốt của ASEAN trong đó có Việt Nam, có thể nói rằng Philippines hiện chỉ ngả “tương đối” về phía Trung Quốc và rời xa “tương đối” với Mỹ.
Khoảng cách giữa Philippines với hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc hiện đang có sự dao động và sẽ tiếp tục dao động tùy vào hành động của hai quốc gia này (có mang lại những lợi ích tức thời, đo đong đếm được cho Philippines hay không). Điều này có thể thấy khi thì Duterte hòa dịu, khi thì chỉ trích Trung Quốc; khi thì lên án Mỹ rồi cũng nhanh chóng xuống giọng; việc tuyên bố cắt đứt quan hệ đồng minh và từ chối các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines nhưng sau đó không thực hiện cho thấy chính quyền Duterte đang theo đuổi phương án thực dụng như chính tính cách của vị tổng thống không xuất thân từ giới tinh hoa này.
Nói như vậy để thấy rằng, các lo ngại rằng Philippines sẽ hoàn toàn ngả về Trung Quốc vẫn chưa đủ cơ sở khả tín; và quan trọng hơn, việc nhìn nhận hay dự báo các chính sách về biển Đông của Philippines phải được nhìn rộng ra, bao trùm lợi ích kinh tế – xã hội của Philippines (có làm thỏa mãn toan tính của ông Duterte hay không) khi quan hệ với Mỹ, ASEAN hay Trung Quốc. Thậm chí ngay cả khi Duterte quyết định ngả mạnh về Trung Quốc thì Hiến pháp nước này vẫn thừa khả năng hạn chế quyền lực của cá nhân ông và thẩm quyền của chính phủ Philippines, điển hình như việc nếu Duterte bác bỏ giá trị của vụ kiện Trung Quốc hay nhượng chủ quyền Scarborough cho Trung Quốc thì ông ấy sẽ bị quy kết là vi hiến.
Điều quan trọng mà ai cũng có thể nhìn thấy đó là sự hoài nghi từ Trung Quốc với Philippines. Sự hoài nghi này không chỉ khiến phía Trung Quốc thận trọng với Philippines, và ngược lại phía Manila cũng sẽ thận trọng và dè chừng các ý đồ thực sự của Bắc Kinh phía sau những kế hoạch hợp tác song phương và đa phương tại khu vực. Việc Philippines tận dụng ASEAN, nhất là khi nước này làm Chủ tích ASEAN 2017.
Trong bối cảnh này, khả năng triển khai thành công một liên minh của Mỹ “chung vai sát cánh” có sức mạnh chống lại những hành động quá đà của Trung Quốc tại Biển Đông thời Duterte giảm đi đáng kể. Tại sao? Bởi các quốc gia còn lại trong việc chống Bắc Kinh bành trướng, điển hình như Việt Nam (hay như Malaysia đã trình bày ở trên), khả năng hình thành các liên minh cứng đối đầu Trung Quốc là rất khó xảy ra. Đó là chưa kể Trung Quốc sẽ bằng mọi cách, một mặt ngăn cản sự hình thành các liên minh này (nếu thấy có dấu hiệu các nước láng giềng xích lại quá gần với Mỹ) bằng cách chi phối trực tiếp vào các quốc gia trong khu vực bằng “ngoại giao nhân dân tệ” hoặc các đòn trả đũa kinh tế đủ để đối phương tổn thương; một mặt khéo léo điều chỉnh tình hình căng thẳng tại khu vực, tránh đẩy tranh chấp vào một cuộc chiến vũ trang buộc các nước phải nghiêng hẳn về phía Mỹ.
Trung Quốc có lợi hơn trong cơ cấu quyền lực tại khu vực khi cán cân không còn nghiêng quá nhiều về Mỹ, ít nhất là tại một trong những “then chốt” (Philippines án ngữ ở chuỗi đảo thứ nhất bao quanh Biển Đông) của hệ thống “trục và nan hoa mới” của Mỹ được kiến tạo dựa trên các mối quan hệ song phương truyền thống giữa Mỹ và các đồng minh, cùng với sự gia tăng hợp tác chéo giữa hệ thống đồng minh và đối tác ngoại khối. Việc thiếu những khoảng trống về quyền lực tại khu vực sẽ nhanh chóng được Trung Quốc khai thác, bằng cả “cây gậy lẫn củ cà rốt” – triển khai thêm quân sự tại các điểm nóng, tăng cường các dự án song song các biện pháp trừng phạt kinh tế, một mặt mua chuộc các quốc gia, mặt khác “răn đe” họ.
Tấn Trung
Bài viết đã được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 01.2018