Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Quan chức hàng đầu của Đức tới Tây Tạng đối thoại về nhân quyền với Trung Quốc

Ảnh minh họa: pixabay.com

Quan chức hàng đầu của chính phủ Đức phụ trách vấn đề nhân quyền sẽ đến thăm Tây Tạng vào thứ Tư (5/12, giờ Mỹ) để đối thoại với giới chức Trung Quốc sau khi bị từ chối đề nghị tới thăm Tân Cương, Fox News đưa tin.

Ủy viên Nhân quyền Đức, Barbel Kofler, nói trong một tuyên bố rằng bà muốn tới Tân Cương, nơi ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo chính trị. Tuy nhiên giới chức Trung Quốc đã không đáp ứng yêu cầu của bà, mà chỉ cho phép bà tới Tây Tạng.

“Tôi bị sốc bởi các báo cáo về cách [chính quyền Trung Quốc] đối xử với người Duy Ngô Nhĩ”, bà Kofler nói.

Bà Kofler nói rằng sẽ “tiếp tục đưa ra yêu cầu [đối với chính quyền Trung Quốc] để được đến thăm Tân Cương”.

Các cựu tù nhân Duy Ngô Nhĩ và các nhóm quan sát nói rằng những người bị giam giữ trong các trại cải tạo chính trị ở Tân Cương phải chịu đựng điều kiện sống giống như nhà tù và bị buộc phải từ bỏ đức tin và văn hóa của mình, trong khi đó quản giáo yêu cầu họ phải thề trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngoài ra, Bắc Kinh đã cho hơn 1 triệu nhân viên theo dõi sát tất cả cử động của các gia đình người Duy Ngô Nhĩ trong việc họ thực hành tôn giáo và thực thi các cam kết chính trị với chính quyền. Những người được cho là không trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị đưa vào các trại cải tạo chính trị, mà giới chức Trung Quốc gọi là các “Trung tâm dạy nghề”.

Người Duy Ngô Nhĩ từ lâu đã bị Chính quyền Trung Quốc phân biệt đối xử, nhưng hai năm qua đã chứng kiến một cuộc đàn áp trên diện rộng khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng, theo Fox News.

Chiến dịch chống lại người Hồi giáo và các tôn giáo khác của Trung Quốc đã lan rộng khắp cả nước. Gần đây nhất, các nhà chức trách ở tỉnh Gansu đã ra lệnh đóng cửa một trường dạy tiếng Ả Rập đã hoạt động hơn ba thập kỷ, theo Global Times, một tờ báo của Trung Quốc.

Cuộc đàn áp ở Tân Cương xuất hiện sau một chiến dịch an ninh lớn của Bắc Kinh triển khai ở Tây Tạng, khu vực nguyên là một quốc gia độc lập trước khi bị quân đội Trung Quốc tiến chiếm vào năm 1950.

Tuyên bố của bà Kofler nói rằng những gì quan sát được ở Tây Tạng sẽ làm bà hiểu được “nguyên nhân của những lo ngại” đối với hành động hạn chế văn hóa Phật giáo truyền thống và “kiểm soát quá mức” của chính quyền Trung Quốc.

Bà Kofler sẽ tới Tây Tạng vào tối thứ Tư và sẽ tham dự các cuộc đối thoại về vấn đề nhân quyền với giới chức Trung Quốc vào thứ Năm và thứ Sáu.

Theo Thời Trân / dkn.tv