Ngày 2/7, Quốc hội Pháp đã thông qua luật cấm cha mẹ đánh đập con trong bối cảnh hành vi này vốn bị Liên hợp quốc (LHQ) lên án song vẫn trở nên phổ biến tại nước này.
Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật trên tại cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Tháng 11 vừa qua, các nghị sỹ cũng đã nhất trí với biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực với trẻ em nói trên.
Từ nay, biện pháp mới sẽ được đưa vào Bộ Luật dân sự và sẽ được đọc trước những cặp đôi trao lời thề tại đám cưới.
Luật dân sự Pháp sẽ có thêm nội dung yêu cầu phụ huynh không được phép dùng các hình thức bạo lực thể xác, tâm lý, cũng như không được nhục mạ trong quá trình giáo dục con cái. Tuy nhiên, luật này không đưa ra biện pháp trừng phạt cụ thể đối với những cha me vi phạm. Mục đích chủ yếu của điều luật được cho là nhằm khuyến khích xã hội thay đổi hành vi
Luật hình sự của Pháp vốn đã cấm có hành vi bạo lực đối với trẻ em.Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ 19, định nghĩa về quyền hạn của cha mẹ trong Luật dân sự nước này đã được bổ sung thêm một phụ lục cho phép cha mẹ “phạt” con cái. Các chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Emmanuel Macron nỗ lực đưa ra biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực này, song đã vấp phải sự phản đối mạnh của phe bảo thủ. Những năm trở lại đây, các nghị sỹ bảo thủ đã có quan điểm mềm dẻo hơn trong vấn đề này.
“Giáo dục thông qua bạo lực chỉ có thể tạo thêm bạo lực trong xã hội. Nó cũng dẫn đến thất bại ở trường học, bệnh tật, tự tử, những hành vi chống đối xã hội và phạm pháp”, nghị sĩ Maud Petit nói
Theo Quỹ bảo trợ trẻ em của Pháp, 85% số phụ huynh tại Pháp thừa nhận đánh con. Năm 2015, Hội đồng châu Âu chỉ trích Pháp không đưa ra luật cấm đánh trẻ em, tương tự như những nước châu Âu khác. Một năm sau đó, Ủy ban LHQ về quyền trẻ em hối thúc Pháp banh hành lệnh cấm đánh trẻ em dưới mọi hình thức.
Ở châu Âu, quốc gia đầu tiên cấm hình phạt đối với trẻ em là Thụy Điển vào năm 1979. Ý, Anh, Bỉ, Slovakia, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ vẫn cho phép cha mẹ đánh đập con cái của họ.
Với quy định này thì Pháp đã trở thành quốc gia thứ 55 trên thế giới cấm đánh đập trẻ em.
Nguồn: sao.baophapluat.vn