Các nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Đức đã thông đồng với nhau trong suốt hàng thập kỷ nay?
Ngành sản xuất ô tô tại Đức lại rúng động vì thông tin cáo buộc các hãng sản xuất ô tô ở nước này thông đồng để điều chỉnh giá cả, thiết kế hệ thống xử lý khí thải và các loại phụ tùng xe hơi khác.
Ủy ban Châu Âu vào cuộc điều tra
Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ quan cạnh tranh liên bang Đức (German Bundeskartellamt – Federal Cartel Office – FCO) nhận được thông tin về khả năng các hãng sản xuất ô tô Đức thông đồng với nhau và đang điều tra làm rõ vấn đề – hãng tin Bloomberg dẫn thông báo từ EC cho biết.
Thông báo khẳng định: “EC và cơ quan cạnh trạnh Đức đang phối hợp để làm rõ vấn đề này dựa trên phạm vi Hệ thống Cạnh tranh châu Âu”. “Cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu nên chưa thể thông báo thêm thông tin”, thông báo cho biết.
Hai cơ quan này vào cuộc ngay sau khi tạp chí của Đức Der Spiegel loan tải thông tin cho biết, các nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Đức như: Daimler AG, BMW AG và Volkswagen cùng các nhãn hiệu Audi và Porsche của Volkswagen đã thông đồng với nhau về công nghệ trong suốt hàng thập kỷ nay. Bài báo dẫn tài liệu của Volkswagen vào tháng 7/2016 và một tài liệu tham khảo khác từ Daimler. Sau thông tin trên, cổ phiếu của BMW, VW, Daimler lập tức tụt dốc. Volkswagen sụt giảm khoảng 4,9% giá trị cổ phiếu; Daimler giảm 3,2%; còn BMW trượt giá khoảng 3,4%.
Theo Tạp chí Spiegel, 5 nhãn hiệu ô tô của Đức đã bắt đầu thông đồng từ những năm 90 của thế kỷ trước khi “bắt tay” nhau trong các hoạt động liên quan đến công nghệ, chi phí, cung cấp chiến lược cũng như kiểm soát khí thải trong các phương tiện diesel. Các cuộc họp bàn có sự tham gia của hơn 200 nhân viên đương chức tại 60 nhóm trong các lĩnh vực như phát triển ô tô, động cơ diesel và động cơ xăng, phanh và bộ truyền động của các công ty sản xuất xe hơi nói trên.
Ngoài ra, họ có thể đã bàn tới nội dung kích thước của bể chứa dung dịch AdBlue (vốn được dùng để xử lý khí thải động cơ diesel – tâm điểm trong bê bối khí thải từng làm điêu đứng Volkswagen cách đây 2 năm), tạp chí Đức viết.
Theo Tạp chí Spiegel, mục đích duy nhất của việc thông đồng là cản trở cạnh tranh, trong đó các hãng hàng sản xuất ô tô đồng ý về chi phí các phụ kiện hoặc chi tiết kỹ thuật.
“Cần phải làm cho ra nhẽ, một cách nghiêm túc bê bối phương tiện diesel tại Đức”, nhà phân tích đến từ Công ty Evercore ISI, ông Arndt Ellinghorst tuyên bố. Ông cho rằng, “diễn biến lần này có nguy cơ gây tổn thất tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD”.
Người lao động hốt hoảng và tức giận
Theo thông tin từ Bloomberg ngày 24/7, hai hãng ô tô Volkswagen và Daimler được nhắc đến trong cáo buộc thông đồng đang phải chịu thêm áp lực từ chính công nhân của hai hãng. Bloomberg dẫn lời đại diện Volkswagen, ông Michael Brendel cho biết, vì chịu sự thúc giục từ các lãnh đạo công đoàn, Giám đốc điều hành Volkswagen, ông Hans Dieter Poetsch sẽ triệu tập một cuộc gặp mặt ban giám sát đặc biệt vào ngày mai (27/7) để thông báo về tình hình hiện nay.
Ngoài ra, Liên đoàn Công nhân lao động của Volkswagen nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng ban quản lý công ty đưa ra lời giải thích rõ ràng với lực lượng lao động. Niềm tin của chúng tôi với ban lãnh đạo công ty đang sụt giảm từng ngày”.
Với Daimler, người đứng đầu công đoàn người lao động của công ty, ông Michael Brecht cho biết: “Các công nhân vô cùng hoảng hốt và tức giận” trước các cáo buộc độc quyền đối với công ty này nổi lên từ cuối tuần qua. Nếu đây là sự thật, rõ ràng Daimler sẽ phải nhận hậu quả – ông Brecht nói. Nhưng Daimler không có ý định tổ chức cuộc họp như Volkswagen.
Sở dĩ người lao động tức giận và lo lắng trước thông tin này vì các hãng ô tô Đức cung cấp công ăn việc làm cho 800.000 lao động tại Đức. Con số này chiếm 20% tổng sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất khu vực châu Âu.
Xét trên khía cạnh khác, một bê bối gian dối nữa trong ngành ô tô Đức được hé lộ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của cả ngành này nói riêng và thanh danh của Đức trên thế giới nói chung. Lâu nay, các sản phẩm gắn nhãn “Made in Germany” (sản xuất tại Đức) chiếm được sự tín nhiệm của người tiêu dùng nhờ đặt chữ tín làm đầu. Cứ 5 chiếc xe trên thế giới hiện nay thì có 1 xe mang thương hiệu Đức. Do đó, ngành công nghiệp này cũng được coi là “đại sứ quyền lực” của nước Đức. Trưởng đoàn Nghị sỹ liên đảng Bảo thủ CDU/CSU Đức Volker Kauder nhận định: “Tôi khuyến cáo ngành sản xuất ô tô Đức cần làm sáng tỏ tình hình hiện nay, làm rõ mọi chuyện để từ đó, chúng ta có thể cùng nhau hướng về tương lai một lần nữa”.
Theo Trang Trần / xe.baogiaothong.vn