Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Séc chính thức rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư

Thủ đô Praha (Cộng hòa Séc). Ảnh: Trung Hiếu

Cộng hòa Séc trở thành nước mới nhất rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc.

Cộng hòa Séc trở thành nước mới nhất rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên Hợp Quốc (LHQ) khi tuyên bố ngày 14/11 họ sẽ không tham gia ký vào văn bản này tại một hội nghị liên chính phủ của LHQ dự kiến sẽ diễn ra ở Marocco vào tháng 12 tới.

Phát biểu với báo chí ở thủ đô Praha sau cuộc họp thường kỳ của nội các, Phó Thủ tướng Richard Brabec cho biết không chỉ Cộng hòa Séc mà nhiều nước khác ở châu Âu từ lâu ủng hộ nguyên tắc tách bạch di cư hợp pháp và bất hợp pháp, tuy nhiên văn bản cuối cùng hoàn toàn không phản ánh nguyện vọng đó.

 

Tuần trước, Thủ tướng Andrej Babis đã đánh tín hiệu Cộng hòa Séc sẽ không tham gia vào hiệp ước này bởi nó xóa nhòa ranh giới giữa di cư hợp pháp và bất hợp pháp. Ông nói rằng Séc đã nghiên cứu hiệp ước và đã có khuyến nghị, nhưng những khuyến nghị đó đã không được chấp nhận.

Theo thủ tướng Babis, LHQ nên đưa ra một hiệp ước toàn cầu với mục tiêu cải thiện điều kiện sống tại các quốc gia nơi người di cư rời bỏ nhà cửa ra đi, nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân của tình trạng di cư hiện nay.

Như vậy sau Hungary và Áo, Cộng hòa Séc là nước thành viên Liên minh châu Âu mới nhất chính thức tuyên bố không tham gia Hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ. Ba Lan, Bungary, Italy và một số nước khác đang cân nhắc có các động thái tương tự. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã chỉ trích những nước rút khỏi hiệp ước của LHQ và cảnh báo EU sẽ mất đi vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết khủng hoảng di cư nếu có thêm các thành viên EU từ chối tham gia.

Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và thường xuyên của LHQ là kết quả đàm phán của 193 nước thành viên LHQ ngoại trừ Mỹ. Văn bản đưa ra một cách tiếp cận chung cho di cư quốc tế, bao gồm 23 mục tiêu để kiểm soát tốt hơn làn sóng người tị nạn cũng như xác định quyền của họ một cách chính xác hơn. Dự kiến văn bản này sẽ được ký tại Marocco vào tháng tới và bỏ phiếu thông qua vào năm tới./.

Theo Hữu Bình/VOV-Praha
Nguồn: vov.vn