Dù mức giá người tiêu dùng phải trả cho việc mua hàng online đã bao gồm thuế VAT, nhưng nhiều nhà bán hàng có trụ sở ở nước ngoài chưa bao giờ thanh toán khoản thuế này với Nhà nước Đức. Chính phủ Đức ước tính đã thất thoát 500 triệu EUR mỗi năm vì khoản thuế không thu được qua việc kinh doanh online của các công ty đặt trụ sở ngoài lãnh thổ Đức.
Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho biết: “Chúng tôi sẽ chấm dứt thói quen bất hợp pháp của một số nhà bán hàng trên các chợ điện tử, những người đang trốn thuế và tạo cho mình lợi thế cạnh tranh không chính đáng”.
Dự luật được Chính phủ Đức đệ trình yêu cầu các nền tảng bán hàng online lần theo các hoạt động mua bán của các công ty thứ 3 trên trang mạng của mình và cung cấp thông tin liên quan cho Bộ Tài chính để đánh thuế các công ty này. Nếu không làm được, các nền tảng online sẽ phải thanh toán khoản thuế đó.
Theo Bloomberg, dự luật sẽ tạo ra trách nhiệm lớp thứ 2 cho tất cả website thương mại điện tử, ở trong nước và nước ngoài, hoạt động trong lãnh thổ Đức. Dự luật nói trên nếu được quốc hội xem xét thông qua vào cuối năm nay sẽ có hiệu lực từ năm 2019, tức 2 năm trước khi một cơ chế tương tự được áp dụng khắp Liên minh châu Âu (EU).
Thực tế, văn bản trên thắt chặt các quy định đối với các “gã khổng lồ” thương mại điện tử như Amazon và eBay. Một người phát ngôn của eBay cho biết công ty “không khoan nhượng với các nhà bán hàng không tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý của mình trên chợ điện tử eBay”. Tuy nhiên, eBay cũng chỉ trích việc Đức đi trước EU áp dụng các biện pháp trên và cho rằng mọi hành động đơn phương có thể đặt ra gánh nặng lớn cho các công ty toàn cầu.
Hiệp hội Thương mại trực tuyến Liên bang Đức cũng quan ngại rằng các yêu cầu khắt khe cho nhà bán hàng thương mại điện tử trong nước sẽ đặt ra gánh nặng lớn lên những người bán vừa và nhỏ. Ngay trong ngày 1-8, họ cũng đã gửi đơn thỉnh cầu lên chính phủ đề nghị thêm thời gian trước khi thực thi luật này.
Trong lúc này, Tòa án Kiểm toán châu Âu (ECA) đang kiểm toán tìm hiểu mức độ hiệu quả của EU trong việc giải quyết các thách thức về thương mại điện tử, dưới dạng VAT và thuế hải quan. Mục đích là đảm bảo thu đầy đủ VAT và thuế hải quan trong giao dịch điện tử phải được thu đầy đủ.
Báo Luxembourg Times dẫn nhận định của ECA cho rằng việc thu VAT và thuế hải quan trong thương mại điện tử vẫn còn nhiều điều “bất thường”. Đặc biệt, thương mại điện tử mở cửa các nhà cung cấp không thuộc EU lạm dụng, đã khiến các thương nhân EU gặp bất lợi. Các dịch vụ cung cấp kỹ thuật số từ bên ngoài EU cho thấy rủi ro rất cụ thể trong vấn đề này, bởi vì chúng không vượt qua bất cứ biên giới nào, chúng không bị kiểm soát như kiểm soát hàng hóa nhập vào EU. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách các nước thành viên và gián tiếp ảnh hưởng đến ngân sách EU vì là nguyên nhân làm giảm thuế hải quan của các nước và những đóng góp do VAT mang lại.
Theo ước tính của Ủy ban châu Âu, tổng thiệt hại về VAT trong thương mại điện tử xuyên biên giới lên tới 5 tỷ EUR mỗi năm.
Hạnh Chi / sggp.org.vn