Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Sô-cô-la “HALAL” cho người theo đạo Hồi

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Những quốc gia tín ngưỡng đạo Hồi và cả những nước công nghiệp mới với số dân Hồi giáo chiếm tỉ lệ cao hiện đang là những nhân tố tăng trưởng kinh tế cho bao doanh nghiệp thực phẩm của các nước phương tây. Những doanh nghiệp này đang dần chuyển đổi sản phẩm của họ sang dòng sản phẩm “halal” phù hợp với người Hồi giáo, mà không hề ra thông cáo trên thị trường tiêu thụ.

Doanh nghiệp sản xuất sô-cô-la Toblerone của Thuỵ Sỹ ngay từ trước đây 50 năm đã đưa sản phẩm của mình vào các chuỗi cửa hàng bán đồ miễn thuế tại các sân bay, và đạt mức doanh thu “khủng”, bởi gần 1/4 số lượng sản phẩm được tiêu thụ là ở tại đó. Để cả các dân Hồi giáo cũng có thể thưởng thức món đặc sản ngọt này, nhà máy sản xuất Toblerone duy nhất tại thành phố Bern đã chuyển đổi việc sản xuất sô-cô-la thường sang kiểu “halal” và có cả chứng chỉ được làm việc đó – mà hoàn toàn không cần thay đổi công thức gốc hay thực hiện quảng bá rầm rộ.

“Halal” là gì? Từ “halal” có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập và mang ý nghĩa là “hợp pháp/hợp lệ”. Trong từ điển Duden của Đức, “halal” được giải nghĩa là “được chấp nhận trong khuôn khổ tín ngưỡng Hồi giáo”. Tuy vậy, trong “thế giới” Hồi giáo lại hoàn toàn không có những tiêu chuẩn chung cho dòng thực phẩm “halal”. Theo ghi chép từ tổng hợp những truyền thống, phong tục tập quán cũng như giá trị và giới hạn cho phép mà đạo Hồi giáo quy định tự cổ chí kim – được gọi là Sunna – thì những quy định về ẩm thực có thể giải nghĩa và đối chiếu để hiểu chỉ một phần, còn việc sản xuất thực phẩm theo công nghiệp hiện đại thì vô cùng phức tạp.

Kể cả tình trạng luật pháp trong khối EU cũng không rõ ràng, khiến người tiêu dùng khó kiếm được những thực phẩm hợp quy củ “halal”. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm được đóng dấu chứng nhận với nhiều kiểu dấu khác nhau. Mỗi một quá trình chứng nhận lại phải theo những quy định và điều kiện khác nhau, chứ chưa có dấu chứng nhận chung nào cho sản phẩm “halal” như dạng dấu thực phẩm bio.

Nếu ngành sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn “halal” thì đây sẽ là một bước tiến quan trọng đối với hơn 3,5 triệu người dân Hồi giáo hiện đang sinh sống tại Đức và hơn 20 triệu người sống tại Tây Âu. Theo đạo Hồi thì những con tin của họ luôn phải giữ đúng mọi quy định về ăn uống, thậm chí việc mổ thịt gia súc cũng không được thực hiện bừa bãi. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm không hề quan tâm đến những tiêu chuẩn tín ngưỡng mà chỉ mong sao sẽ đạt lợi nhuận càng cao càng tốt. Chính vì thế có thể hiểu rằng, quá trình chuyển đổi sang sản xuất dòng “thực phẩm halal” của những nhãn mác nổi tiếng không chỉ đơn giản là hướng đến thị trường tiêu thụ Châu Âu, mà chủ yếu là đặt trọng tâm phát triển vào các nước công nghiệp mới như Indonesien, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesch, Ai Cập, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài việc có số dân Hồi giáo rất cao, những quốc gia này đang trên đà mở rộng và tăng trưởng kinh tế, mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt chỉ số cao hơn so với những nước phương tây, cũng là nhân tố thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng. Những chuyến du lịch xa bằng máy bay không còn quá đắt đỏ và lúc này, sô-cô-la Toblerone chính là sức hút du khách đến với những quầy bán miễn thuế tại sân bay. Và cũng như vô số các khảo sát đã từng chỉ ra rằng, khi con người ta ngày càng sống trong no đủ và thịnh vượng, thì cũng sẽ tiêu thụ ngày càng nhiều đường và đồ ngọt và tất nhiên là cả thịt! Đây cũng là một trong những lý do để ngành công nghiệp thực phẩm quan tâm đến các sản phẩm “halal”.

Theo trang openfoodfacts.org, một cơ sở thu thập dữ liệu trực tuyến miễn phí về thực phẩm, thì hiện có khoảng hơn 500 nhãn mác đã có chứng chỉ được sản xuất theo tiêu chuẩn “halal”. Trong đó, phải kể đến những nhãn mác đồ ngọt nổi tiếng của Đức như Haribo, Snickers, Mars, có cả Kellogg’s và thậm chí cả hãng thịt gà trứ danh Wiesenhof. Tập đoàn PHW, mà trong đó Wiesenhof là một trong những doanh nghiệp “con đẻ”, xuất khẩu các sản phẩm của Wiesenhof sang các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ẩ Rập Xê-út và Oman. Hãng Haribo vẫn sản xuất các sản phẩm của hãng bằng gelatin lấy từ da và xương lợn, nhưng đã cho xây dựng xưởng sản xuất theo tiêu chuẩn “halal” tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhắm vào các nước với đa số người tiêu thụ là dân Hồi Giáo.

Toblerone giờ đã là một nhãn mác đứng sau tập đoàn Mondelēz International, một tập đoàn thực phẩm của Mỹ được phát triển từ hãng Kraft (hãng làm Ketchup Kraft) vào tháng 10-2012. Tập đoàn này đã chia đôi thành hai doanh nghiệp niêm yết riêng, bao gồm tập đoàn Kraft Foods Group chuyên sản xuất thực phẩm và xử lý các vấn đề doanh nghiệp trên thị trường Bắc Mỹ, và Mondelēz International chuyên chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động kinh doanh đồ ăn nhanh và đồ ngọt ngoài phạm vi Bắc Mỹ, kể cả xử lý các vấn đề liên quan đến việc xin giấy phép. Đằng sau Mondelēz International chính là các nhãn mác quen thuộc như Oreo, Milka, Daim, thậm chí Jacobs và cả Philadephia. Tất cả nhãn hàng sô-cô-la cũng như nhiều sản phẩm của thương hiệu Kraft hiện đã được sản xuất theo tiêu chuẩn “halal”.

Những doanh nghiệp muốn hướng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn “halal” cần phải bảo đảm từ khâu mua/ nhập hàng, đến quá trình đóng gói sản phẩm phải thật sự theo đúng quy định “halal”. Một trong những điều cần đặc biệt lưu ý là phải giữ đúng mọi quy định nghiêm ngặt trong quá trình mổ thịt động vật. Kể cả việc sử dụng các chất nhũ hoá cũng gây nhiều tranh cãi vì khó theo chuẩn “halal”.

Chất nhũ hoá là chất ổn định bề mặt hay là phụ gia ổn định nhũ tương, nhằm tạo sự liên kết giữa hai chất lỏng không thể hoà tan với nhau, ví dụ như dầu và nước. Đây là một trong những quá trình quan trọng trong việc sản xuất sô-cô-la. Ngoài ra, trong các thực phẩm theo tiêu chuẩn “halal” không được sử dụng rượu hoặc cồn, kể cả khi làm vệ sinh khu vực bảo quản thực phẩm. Theo bà Antje Dau thuộc Trung tâm cạnh tranh tại Đức, thì việc sản xuất dòng thực phẩm “halal” sẽ gặp vấn đề lớn nếu cần sử dụng đến các gia vị và mùi thơm.

Hiện nay tại Châu Âu, Pháp là nước tiên phong trong việc sản xuất dòng thực phẩm “halal”. Những thực phẩm ăn nhanh theo tiêu chuẩn này tại Đức đa số chỉ tìm thấy trong các cửa hàng của người Thổ Nhĩ kỳ. Tất cả các quảng cáo liên quan đến dòng thực phẩm “halal” hầu như không có hoặc rất hiếm. Theo báo “Blick” của Thuỵ Sỹ thì hãng Toblerone cũng không hề quảng bá bất cứ thông tin gì về việc thay đổi quá trình sản xuất sang sản phẩm “halal”, bởi hãng này rất lo sợ sẽ “hù doạ” các khách hàng Thuỵ Sỹ khác – ông Mounir Khouzami thuộc hãng thông tấn Swiss Arab cho biết.

Cẩm Chi